Ai đứng sau vụ mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Cameroon?

Thứ Tư, 18/07/2018, 17:31
Lực lương chức năng đang khẩn trương làm rõ hung thủ đứng sau vụ tấn công vào đoàn xe chở Bộ trưởng Quốc phòng Joseph Beti Assomo, bởi cho đến nay chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề này.


Theo Đài phát thanh Cameroon, đoàn xe chở Bộ trưởng Quốc phòng Joseph Beti Assomo đã bị mai phục khi đang đi công tác tại khu vực Kumba, một vùng hẻo lánh nói tiếng Anh ở phía Tây nước này hôm 13-7. 

Những kẻ tham gia tấn công đều bị tiêu diệt, 4 binh sỹ và một nhà báo bị thương trong vụ mai phục kể trên. Trong khi cơ quan chức năng đang thực hiện nhiệm vụ điều tra, giới truyền thông và dư luận cho rằng, vụ tấn công nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Joseph Beti Assomo có liên quan tới tuyên bố tái tranh cử của Tổng thống Paul Biya, cho dù ông đã 85 tuổi, cùng những bất ổn hiện nay ở Cameroon.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 13-7, ông Paul Biya khẳng định, sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 7-10, cho dù đã 85 tuổi (lên nắm quyền từ năm 1982) và hiện là một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở châu Phi. 

Tổng thống Paul Biya còn cho rằng, việc tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và hội đồng địa phương sẽ gây khó khăn do các hoạt động bầu cử chồng chéo. Và theo dự luật vừa được thông qua hôm 2-7, trong khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 7-10-2018, cuộc bầu cử quốc hội đã bị hoãn đến tháng 10-2019. 

Theo giới truyền thông, đảng Mặt trận Dân chủ Xã hội (SDF) đối lập đã chỉ định ông Joshua Osih làm ứng cử viên ra tranh cử tổng thống. Cùng tham gia vào cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống còn có cựu Phó Tổng thống Akere Muna và Chủ tịch Phong trào Tái sinh Cameroon (MRC) Maurice Kamto.

Bộ trưởng Quốc phòng Cameroon Joseph Beti Assomo.

Theo giới truyền thông, khu vực Kumba là trung tâm của chiến dịch nổi dậy vũ trang đòi độc lập giữa cộng đồng nói tiếng Pháp và cộng đồng nói tiếng Anh ở 2 tỉnh Southwest Region và Northwest Region. 

Xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm ủng hộ ly khai đã khiến hàng chục người thiệt mạng tại hai tỉnh kể trên, trong khi hàng nghìn người khác phải đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Nigeria. 

Gần nửa năm trước (cuối tháng 1-2018), 47 người ủng hộ ly khai bị bắt tại Nigeria, đã bị đưa về Cameroon, dẫn tới làn sóng bạo lực mới. Chính phủ của Tổng thống Paul Biya đã triển khai nhiều biện pháp trấn áp, trong đó có các lệnh giới nghiêm, chiến dịch bố ráp và lệnh hạn chế đi lại. 

Thượng tuần tháng 10-2017, hãng AFP từng đưa tin, có ít nhất 17 người thiệt mạng trong làn sóng bạo động liên quan tới tuyên bố độc lập của cộng đồng thiểu số nói tiếng Anh tại Cameroon. Trước đó (6-9-2017), có ít nhất 6 người thiệt mạng và 14 người bị bắt cóc trong 2 vụ tấn công tại vùng cực Bắc của Cameroon. 

Theo đại diện của Tổ chức Ân xá quốc tế, số người nói tiếng Anh chiếm khoảng 1/5 trong tổng số 22 triệu người tại Cameroon, và họ luôn phải chịu sự phân biệt đối xử và bất công từ cộng đồng nói tiếng Pháp chiếm đa số ở nước này.

Hơn 3 tháng trước (4-4), lực lượng cảnh sát và an ninh Cameroon đã mở chiến dịch đặc biệt và giải cứu được 18 người bị bắt cóc tại khu vực Nguti ở tỉnh Southwest Region, nơi các phần tử ly khai thuộc cộng đồng nói tiếng Anh ở đây. Trong số các con tin được giải cứu có 12 du khách nước ngoài (7 người Thụy Sĩ, 5 người Italy) và 6 ủy viên hội đồng tỉnh Northwest Region. 

Chính phủ Cameroon coi các tay súng ly khai là "phần tử khủng bố". Theo đại diện cảnh sát cho biết, trong chiến dịch kể trên, lực lượng cảnh sát và an ninh Cameroon đã tịch thu được một lượng lớn vũ khí, đạn dược và ma túy. 

Giới truyền thông cho biết, 18 người kể trên được giải cứu nằm trong số gần 40 người bị một nhóm vũ trang nghi là các phần tử ly khai bắt cóc hôm 17-3 tại một khu vực cộng đồng người nói tiếng Anh. Được biết, những người kể trên bị bắt cóc khi đang trên đường di chuyển bằng xe buýt đến huyện Lebialem thuộc tỉnh Southwest Region. 

Vụ bắt cóc diễn ra sau khi Bộ trưởng Nội vụ Atanga Nji vừa mới thúc đẩy lập lại trật tự tại hai tỉnh Southwest Region và Northwest Region. Và trong số những người bị bắt cóc, nhân vật cấp cao nhất là Ivo Leke Tambo, cựu Tổng thư ký của Bộ giáo dục và hiện là Chủ tịch Hội đồng chứng chỉ quốc gia Cameroon. 

Trước đó, quân đội Cameroon đã mở chiến dịch Sấm sét 2 (từ 27-2 đến 7-3) để giải cứu hơn 5.000 dân thường bị phiến quân Hồi giáo Boko Haram bắt giữ. Trong chiến dịch này, hơn 60 tên khủng bố đã bị tiêu diệt và 21 nghi can bị bắt.

Dư luận cảnh báo, tình hình bạo lực gia tăng có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 7-10-2018.
Thiện Lân
.
.
.