Âm mưu khủng bố trước thềm Giáng sinh

Thứ Hai, 28/11/2016, 18:46
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve vừa cho biết (21-11), cảnh sát nước này đã bắt 7 đối tượng trong các cuộc đột kích tại 2 thành phố Strasbourg và Marseille do tình nghi có liên hệ với các nhóm thánh chiến tại Syria, từng âm mưu lên kế hoạch tấn công các mục tiêu tại một số thành phố ở Pháp từ nhiều tháng qua.


5 trong số 7 nghi phạm là người Pháp (1 người Morroco và 1 người Afghanistan) và họ ở độ tuổi từ 29-37. Điều đáng nói là 6/7 đối tượng vừa bị bắt (20-11) không nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan chức năng Pháp.

Theo ông Bernard Cazeneuve, cảnh sát tuy đã triệt phá được âm mưu tấn công, nhưng mối đe dọa khủng bố hiện vẫn vô cùng lớn. Thị trưởng thành phố Strasbourg nhận định, âm mưu này chủ yếu tập trung nhắm vào "khu vực thủ đô Paris".

Pháp phá vỡ âm mưu tấn công khủng bố mới.

Hiện thành phố Strasbourg vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao, nhất là trong bối cảnh các khu chợ phục vụ lễ Giáng sinh chuẩn bị mở tại đây. Giới chức địa phương cảnh báo, có thể hoãn hoặc hủy bỏ hoàn toàn các sự kiện mừng Giáng sinh, nếu có bất cứ mối đe dọa nghiêm trọng nào.

Cùng ngày 21-11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thông báo, Paris sẵn sàng hợp tác với Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) trong việc điều tra các phần tử thánh chiến thuộc IS tại Syria với cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh.

Ông Jean-Marc Ayrault khẳng định, Pháp sẽ hỗ trợ ICC trong các hành động pháp lý liên quan đến công dân nước này tham gia vào cuộc chiến tại Syria trong hàng ngũ của IS. Chính phủ Pháp cũng khởi động chiến dịch với mục tiêu làm nhụt chí những người có ý định tham gia IS tại Iraq và Syria.

Chiến dịch này gồm các video tương tác, kể về hành trình bị cực đoan hóa của 2 người trẻ, từ lúc họ tiếp xúc với người tuyển quân của IS, tới lúc lên đường sang Iraq hoặc Syria. Thủ tướng Manuel Valls cho rằng, chiến dịch này sẽ phơi bày mặt trái và sự nguy hiểm của việc gia nhập IS.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 20-11, người dân thành phố Harmanli ở miền Nam Bulgaria đã biểu tình, yêu cầu chính quyền phải thành lập một trung tâm cách ly dành cho người nhập cư.

Cuộc biểu tình do phong trào "Mặt trận yêu nước" tại Bulgaria tổ chức và người di cư tại các trung tâm tiếp nhận ở thành phố Harmanli chủ yếu đến từ Afghanistan và một số từ Syria. Trước đó, tại thủ đô Sofia cũng đã diễn ra hoạt động biểu tình tương tự.

Theo thống kê, từ ngày 6-10, Cơ quan Phòng vệ biển và biên giới của châu Âu (EBCG) đã được triển khai tại biên giới Bulagria-Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh lục địa này đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II.

Cảnh sát Pháp đang làm nhiệm vụ.

Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa công bố kế hoạch thu phí kiểm tra an ninh đối với các đối tượng có nhu cầu xin cấp thị thực tự do đi lại trong khối Schengen.

Theo đó, du khách đến từ các nước ngoài EU sẽ phải đăng ký thêm mẫu đơn trực tuyến và nộp 5 euro phí nhập cảnh nhiều lần vào tất cả các nước thuộc khối Schengen trong thời hạn 5 năm. Quy định này nhằm giúp châu Âu tăng cường an ninh, chống buôn lậu và khủng bố. Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng, quy định mới sẽ được thực thi từ năm 2020.

Dư luận đang quan tâm trước việc một thị trấn ở Munich, Đức quyết định xây bức tường ngăn cách giữa người dân địa phương với 160 người di cư sắp di chuyển đến phía sau thị trấn này.

Bức tường trên được xây dựng ở Neuperlach Sud, và cư dân sống gần trại tị nạn đã gửi đơn lên tòa án để yêu cầu xây bức tường này bởi họ lo sợ giá trị căn nhà của mình sẽ giảm nếu người tị nạn là hàng xóm trong những năm tới.

Được biết, bức tường mới được xây cao hơn cả bức tường Berlin hồi Chiến tranh Lạnh. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay đã có khoảng 1.800 vụ tấn công chống lại người tị nạn trên khắp nước Đức.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa cảnh báo (21-11) công dân nước này về nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố đang gia tăng ở châu Âu, đặc biệt là trong dịp lễ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, có những thông tin đáng tin cậy cho thấy, IS và Al-Qaeda cùng các chi nhánh của chúng tiếp tục lên kế hoạch tấn công châu Âu. Trước đó (17-11), giới chức Mỹ cho biết, những quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội như Facebook đang là công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến tuyên truyền chống lại IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. Hiện trên thế giới có hơn 1,4 tỷ người sử dụng Facebook và trên 900 triệu người truy cập mỗi ngày. Theo ông Michael Lumpkin, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, việc sử dụng quảng cáo trên Facebook sẽ giúp việc thâm nhập Facebook được dễ dàng và tiếp cận độc giả ở mọi lứa tuổi. Và từ tháng 6-2016, Facebook đã xóa các nội dung bị coi là cực đoan, bạo lực của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến IS.


Thiện Lân
.
.
.