Ấn Độ:

Lao động trẻ em trong mỏ khai khoáng trái phép

Thứ Năm, 11/08/2016, 17:54
Một số nhà sản xuất xe hơi lớn trên thế giới như Vauxhall, BMW, Volkswagen, Audi kêu gọi mở cuộc điều tra vào chuỗi cung ứng sơn khi có nguồn tin cho rằng, nhiều trẻ em ở Ấn Độ đã bị bóc lột sức lao động trong những mỏ khai thác mica - một khoáng chất tạo sơn được sử dụng cho hàng triệu xe trên thế giới.


20.000 trẻ em làm việc trong mỏ khai thác mica trái phép

Thông tin được đăng tải trên tờ The Guardian (Anh) cho biết, rất nhiều trẻ em ở độ tuổi lên 10 đang làm việc tại mỏ khai thác mica ở Ấn Độ - một khoáng chất tạo sơn sử dụng sơn xe phổ biến hiện nay. 

Mặc dù phần lớn người tiêu dùng không biết đến vấn đề này, mica được đánh giá cao với khả năng phản chiếu và khúc xạ ánh sáng. Mica được khai thác cả ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, nhưng sản lượng từ bang Jharkhand và Bihar (Ấn Độ) chiếm khoảng 25% tổng sản lượng của thế giới.

Khoảng 20.000 trẻ em làm việc trong hàng trăm mỏ khai thác mica ở bang Bihar và bang Jharkhand.

Chính phủ Ấn Độ đã từng cam kết xoá bỏ lao động trẻ em trong ngành công nghiệp khai thác mica. Tuy nhiên, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn phổ biến. Các nhà hoạt động nhân quyền ước tính rằng, có đến 20.000 trẻ em làm việc trong hàng trăm mỏ khai thác mica quy mô nhỏ ở bang Bihar và bang Jharkhand. 

Tại một mỏ khai thác mica bất hợp pháp ở Tisri, bang Jharkhand, phóng viên The Guardian đã ghi nhận nhiều trẻ em 12 tuổi làm việc trong mỏ mica ngầm rất nguy hiểm. Trên mặt đất, những bé gái 10 tuổi phân loại mica từ những vật liệu khai thác được.

Theo The Guardian, ba mỏ khai thác mica ở Tisri cung cấp sản phẩm cho ba nhà xuất khẩu lớn của Ấn Độ là Mohan Mica, Pravin và Mount Hill. Khách hàng của những công ty này có cả thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công ty sản xuất mỹ phẩm và xe hơi.

Một số hãng xe hơi nổi tiếng, trong đó có BMW cho biết, cuộc điều tra của họ đã tìm thấy hai nhà cung cấp sơn liên kết trực tiếp với công ty cung cấp mica có nguồn gốc không rõ ràng từ Ấn Độ. Đại diện công ty này cũng khẳng định, không thể chấp nhận việc sử dụng lao động trẻ em hiện diện trong chuỗi cung ứng các sản phẩm của công ty.

"Đây là công việc duy nhất mà chúng tôi có thể làm"

Nhiều trẻ em làm việc trong các hầm mỏ cùng với cha mẹ và anh chị em mình. Làm việc trong các hầm mỏ là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. Nhiều gia đình phải làm việc cho các chủ hầm mỏ để trả khoản vay nặng lãi với lãi suất 200% trước đó. Simitra, 45 tuổi, một người mẹ hai con cho biết, gia đình cố gắng để trả khoản vay lãi 200 bảng Anh vào năm 2014 sau khi người chồng mắc bệnh lao.

Dharini, một cô bé 13 tuổi đang làm công việc quen thuộc là phân loại khoáng sản khai thác được. Dharini nói rằng, em đã làm việc tại các mỏ, trên sườn đồi... miễn sao kiếm được tiền. "Cháu đã làm việc ở đây vì cần tiền để phụ giúp gia đình", Dharini nói. Cùng với mẹ, Dharini được trả khoảng 5 bảng Anh/tuần, với sáu ngày làm việc.

Một bé gái phân loại mica từ những vật liệu khai thác được.

Mẹ của Dharini, cô Basanti cũng đã có thời gian dài làm việc tại mỏ. "Chúng tôi cảm thấy sức khỏe yếu dần sau thời gian làm việc tại mỏ. Triệu chứng phổ biến là buồn nôn và khó thở vì bụi nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Đây là công việc duy nhất mà chúng tôi có thể làm", cô Basanti nói. Khi được hỏi, có muốn cho con đi học, cô Basanti nói rằng, điều đó không thể thực hiện, Dharini phải làm việc với cô vì gia đình cần tiền.

Không ai trong số những người làm việc ở đây biết rằng, mica mà họ khai thác cung cấp đi đâu và sử dụng vào việc gì. Thực tế cho thấy, mica tự nhiên được sử dụng vào rất nhiều sản phẩm như sản xuất sơn xe, sơn trang trí, sản phẩm nhựa, mỹ phẩm có nhũ... Mica từ các mỏ bất hợp pháp được bán cho thương nhân địa phương, sau đó được vận chuyển đến Kolkata và xuất khẩu ra nước ngoài. 

"Lao động trẻ em đang trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày nhưng không mấy ai biết về nó", Aysel Sabahoglu, nhà hoạt động nhân quyền của Terre des Hommes Hà Lan, một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Hà Lan bảo vệ quyền trẻ em cho biết. Aysel Sabahoglu nói rằng, không thể phân biệt giữa mica được khai thác hợp pháp và bất hợp pháp. 

Theo số liệu thống kê chính thức, Ấn Độ sản xuất khoảng 19.000 tấn dầu thô và mica trong giai đoạn 2013-2014 nhưng số lượng xuất khẩu thực tế lại cao hơn gấp sáu lần, khoảng 128.000 tấn.

Mạnh Tường
.
.
.