Ấn Độ: Mại dâm biến tướng... bằng hợp đồng hôn nhân 1 tháng

Thứ Sáu, 26/04/2013, 14:56

Ở Ấn Độ, đang rộ lên những cuộc kết hôn "ngắn ngày", vẻn vẹn có 4 tuần lễ. Đến Ấn Độ để du lịch, rất nhiều đàn ông Hồi giáo từ Trung Đông và châu Phi đang săn tìm những cô vợ một tháng. Đó không phải là những cuộc hôn nhân theo đúng nghĩa của nó mà thực chất, là sự biến tướng của hoạt động mại dâm.

Hợp đồng hôn nhân 1 tháng

Câu chuyện bắt đầu từ Nausheen Tobassum, 17 tuổi - một nạn nhân của hợp đồng hôn nhân ngắn hạn báo với cảnh sát về vụ việc bị cha mẹ bắt lấy một người đàn ông trung niên người Sudan. Cô đã trốn khỏi nhà vào tháng trước khi biết rằng, bố mẹ mình đã được trả khoảng 1.200 bảng Anh về "phi vụ làm ăn" này.

Nausheen Tobassum nói với cảnh sát rằng, cô đã được dì của mình đưa đến một khách sạn, ở đó, ngoài cô còn có ba cô gái trẻ khác được giới thiệu cho người đàn ông Sudan có tên là Usama Ibrahim Mohammed, 44 tuổi, đã có gia đình và hai người con ở Khartoum. Sau khi xem mặt và thỏa thuận, người đàn ông này đã đến nhà Nausheen Tobassum để chuẩn bị thực hiện lễ cưới.

Theo Thanh tra Vijay Kumar, người được giao phụ trách điều tra vụ án thì người dì của Nausheen Tobassum đã được trả 100.000 rupees (khoảng 1.200 bảng Anh) để mai mối vụ việc này, trong đó trả 70.000 rupees cho cha mẹ cô gái, 5.000 rupees cho phiên dịch tiếng Urdu và giữ lại 20.000 rupees. Trong giấy chứng nhận kết hôn, có điều khoản đáng chú ý là hai người sẽ ly hôn vào cuối kỳ nghỉ của chú rể. "Ngày hôm sau, Usama Ibrahim Mohammed đến nhà của Nausheen Tobassum và yêu cầu quan hệ tình dục nhưng cô từ chối. Cô ấy là một cô gái trẻ và chú rể thậm chí còn hơn tuổi cha cô", Thanh tra Kumar nói với tờ Telegraph.

Cha mẹ Nausheen Tobassum nói với Usama Ibrahim Mohammed rằng, họ sẽ thuyết phục con gái mình và chắc chắn sẽ thành công. Nausheen Tobassum bỏ trốn khỏi căn nhà bé nhỏ ở Moghulpuri, khu phố Hyderabad và đã được một cảnh sát tuần tra cứu giúp. Ngay sau đó, cảnh sát đã bắt chú rể, dì của nạn nhân và ban hành lệnh bắt giữ bố mẹ của Nausheen. Nausheen là trẻ vị thành niên và theo luật pháp Ấn Độ, cô không được phép kết hôn cho tới năm 18 tuổi. Hiện, cha mẹ cô gái đang lẩn trốn và cảnh sát vẫn đang truy tìm rất gắt gao. Nausheen Tobassum hiện đang sống trong một ngôi nhà của chính phủ và nói rằng, sở dĩ cô đệ đơn tố cáo những người liên quan đến vụ việc là nhằm ngăn chặn điều tương tự xảy ra với các cô gái khác.

"Tôi không biết những gì đã xảy ra và tôi đã đồng ý vì sự thiếu hiểu biết của mình. Họ bắt tôi, thay đổi ngày sinh của tôi, biến tôi thành một cô gái 24 tuổi. Họ đã lạm dụng các cô gái trẻ và đó là lý do tại sao tôi tìm đến cảnh sát, mặc dù tôi đã chống lại chính cha mẹ mình".

Bi kịch của những gia đình nghèo

Thanh tra Kumar cho biết, đã có hàng chục cuộc hôn nhân theo kiểu hợp đồng ngắn hạn bất hợp pháp diễn ra trong thành phố thời gian qua. Người đàn ông Sudan đến Hyderabad sau khi được một người bạn ở Khartoum nói về việc lấy vợ bằng cách làm tương tự lần trước. "Ở Sudan, nếu muốn quan hệ tình dục, những người đàn ông phải trả tiền nhiều gấp ba lần bởi vì có rất ít phụ nữ hoạt động mại dâm hoặc phải lấy thêm vợ. Ở Ấn Độ, hoạt động mại dâm giá rẻ hơn trong khi phụ nữ lại rất xinh đẹp. Nếu ở lại Ấn Độ trong thời gian dài, họ "hợp lý hóa" bằng những cuộc hôn nhân bất hợp pháp để quan hệ tình dục", Thanh tra Vijay Kumar nói.

Những người đấu tranh cho quyền của phụ nữ Hồi giáo cho biết, "hợp đồng hôn nhân ngắn hạn" là bất hợp pháp ở Ấn Độ và bị cấm trong đạo Hồi đang gia tăng tại Hyderabad, miền nam Ấn Độ. Sở dĩ du khách muốn kết hôn vì họ tin rằng mại dâm bị cấm theo đạo Hồi. Trong khi, các gia đình nghèo buộc phải đồng ý với cuộc hôn nhân hợp đồng này vì họ có nhiều con gái và không có tiền để tổ chức đám cưới cho chúng.

Shiraz Amina Khan, một người trong tổ chức đấu tranh cho quyền phụ nữ và phúc lợi xã hội cho trẻ em ở Hyderabad cho biết, có tới 15 vụ "hôn nhân hợp đồng" diễn ra trong thành phố mỗi tháng và con số này đang tăng lên đáng kể. "Họ đến Hyderabad bởi vì đây là một mảnh đất nghèo khó. Ở nơi này, 30 - 40% gia đình đang tìm đến các cuộc cuộc hôn nhân hợp đồng để giảm nghèo. Đó không phải là cách đúng để giảm nghèo và nó phải được ngăn chặn", Shiraz Amina Khan nói

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.