Ấn Độ: Phá đường dây trộm trẻ sơ sinh

Thứ Tư, 11/01/2017, 20:17
Theo dữ liệu tội phạm của Chính phủ Ấn Độ cho thấy, số lượng các vụ buôn người ở nước này đã tăng 25% so với năm trước, với hơn 40% trường hợp liên quan đến trẻ em bị mua bán và bóc lột như nô lệ thời hiện đại.


Cuộc điều tra cho thấy, những thiếu nữ và phụ nữ chưa lập gia đình đến những cơ sở dưỡng lão để phá thai đã được nhân viên thuyết phục sinh con và bán con của họ. 

Cảnh sát không cho biết giá là bao nhiêu, nhưng báo chí địa phương cho hay, các bà mẹ được trả 300.000 rupee (4.380USD) cho một bé trai và 100.000 rupee (1.460USD) cho một bé gái. Các bé cũng bị đánh cắp từ những thai phụ đến sinh con tại những cơ sở này, nhưng bị nhân viên nói dối là con của họ chết non.

Cảnh sát cho biết, một số người thậm chí còn được cho xem thi thể của trẻ sơ sinh chết non được những cơ sở này bảo quản để đánh lừa các bậc cha mẹ. 

Những em bé sau đó được đặt vào các thùng bánh quy rồi tuồn vào các trung tâm nhận con nuôi, nhà dành cho người bại não và người già, nơi chúng được giữ lại cho đến khi được thu xếp để làm con nuôi.  

10 trẻ sơ sinh, tất cả đều dưới một tuổi, được cảnh sát tìm thấy mới đây tại một ngôi nhà dành cho những người bị bại não do một tổ chức từ thiện điều hành ở huyện nghèo Nam 24 Parganas ở bang Tây Bengal. Trong khi đó, một cuộc đột kích ở huyện Bắc 24 Parganas lân cận đã tìm thấy hài cốt của hai trẻ sơ sinh trong văn phòng của một tổ chức từ thiện điều hành một trung tâm nhận con nuôi.

Những cuộc đột kích trên diễn ra sau khi 3 trẻ sơ sinh được phát hiện giấu bên trong những hộp carton đựng bánh quy trong một nhà kho bị khóa tại một nhà dưỡng lão, nơi những người phụ nữ đến sinh con hoặc phá thai. 

Nam Á, với Ấn Độ ở vị trí trung tâm, là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất về hoạt động buôn người trên thế giới. Các băng nhóm bán hàng nghìn nạn nhân làm nô lệ lao động mỗi năm. Nhiều phụ nữ và các bé gái bị bán vào nhà thổ.

Một trẻ sơ sinh có thể được bán với giá 1.839 USD.

Sau cuộc đột kích vào nhà dưỡng lão ở Baduria, cách thành phố Kolkata 80km và sau cuộc thẩm vấn các nhân viên cơ sở y tế, cảnh sát đã tiến hành hơn 20 cuộc đột kích khác vào nơi mà họ cho rằng là "ổ" buôn người có tổ chức cao.

Ông Rajesh Kumar thuộc Cơ quan điều tra tội phạm Tây Bengal nói rằng, 18 đối tượng đã bị bắt, bao gồm các chủ sở hữu cơ sở y tế, nữ hộ sinh, bác sĩ, chủ sở hữu những tổ chức từ thiện, cũng như thư ký toà án bị cáo buộc làm giấy tờ cho những em bé này.

Một trong các bác sĩ bị bắt giữ sở hữu nhiều loại ngoại tệ như USD, euro, đô la Hồng Kông với tổng trị giá hơn 3.200USD, điều đó cho thấy trẻ sơ sinh đã bị bán ra nước ngoài.

"Việc thu giữ số ngoại tệ trên là một dấu hiệu rõ ràng về việc đường dây buôn người này có thể đã "vươn vòi bạch tuộc" ra nước ngoài và các cặp vợ chồng nước ngoài quan tâm đến việc nhận nuôi trẻ em", ông Kumar nói.

Cảnh sát cho rằng, đường dây buôn người này có thể đã hoạt động được 3 năm, điều đó có nghĩa hàng trăm trẻ có khả năng đã bị bọn chúng mua bán trong thời gian đó.

Trước đó, một bệnh viện Ấn Độ cũng bị điều tra vì có hành vi thuyết phục phụ nữ muốn phá thai giữ lại con để sau đó bán các em cho những gia đình hiếm muộn với giá khoảng 1.839 USD. 

Nhà chức trách phát hiện "trang trại trẻ em" nói trên tại Bệnh viện Palash thuộc thành phố Gwailor, cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ khoảng 319 km về phía nam. Hai trong số những đứa trẻ bị bán đã được giải cứu, theo tờ The Sun. 

Sau khi các đường dây kể trên bị triệt phá, Ấn Độ có kế hoạch phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về thủ tục nhận con nuôi nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán trẻ em bất hợp pháp. 

Nguyễn Lai (tổng hợp)
.
.
.