Ẩn khuất từ vụ án lừa đảo ở Công ty Lương thực Vĩnh Long

Thứ Năm, 19/01/2017, 10:58
Tin lời thuộc cấp, Dương Lê Dũng giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long đã đồng ý trực tiếp gặp gỡ Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa, một người đàn bà nhan sắc khá mỹ miều ở phố núi Kon Tum để tính toán chuyện trở thành “đối tác”.


Công ty Lương thực Vĩnh Long là chi nhánh của Tổng Công ty TNHH MTV Lương thực Miền Nam, 100% vốn Nhà nước.

Đây là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty TNHH MTV Lương thực Miền Nam, do Dương Lê Dũng làm giám đốc. Đầu năm 2012, từ sự giới thiệu của Trần Trọng Nam ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thịnh Phát Kon Tum đã tổ chức một cuộc gặp gỡ hơi khác thường tại TP. Hồ Chí Minh với Huỳnh Văn Thức, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Lương thực Vĩnh Long để bàn chuyện làm ăn giữa 2 doanh nghiệp.

Sau khi được Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa “mồi chài”, Huỳnh Văn Thức đã về báo lại sự việc với Giám đốc Dương Lê Dũng câu chuyện “hợp tác làm ăn” khá hấp dẫn. Tin lời thuộc cấp, ngay sau đó Dương Lê Dũng đã đồng ý trực tiếp gặp gỡ Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa, một người đàn bà nhan sắc khá mỹ miều ở phố núi Kon Tum để tính toán chuyện trở thành “đối tác”.

Sau cuộc gặp gỡ, Dương Lê Dũng như bị “dính bẫy” một cách êm ái nên đã đi đến thống nhất: Công ty Lương thực Vĩnh Long ứng vốn cho Công ty Thịnh Phát Kon Tum bằng tiền Việt Nam nhưng trên cơ sở tính lãi suất bằng USD, để thu mua sắn lát xuất khẩu, với lãi suất từ 6 đến 8%/năm, đồng thời thu lợi nhuận từ 40.000-130.000 đồng/tấn hàng thực xuất.

Công ty Thịnh Phát Kon Tum và Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa khi còn là “đại gia”.

Tiền của Công ty Lương thực Vĩnh Long ứng ra nhưng lại giao trọn quyền từ việc thực hiện thu mua, xuất khẩu hàng hóa và cả chi phí phát sinh cho Công ty Thịnh Phát Kon Tum quyết định.

Công ty Lương thực Vĩnh Long chỉ ký hợp đồng xuất khẩu rồi ứng vốn cho Công ty Thịnh Phát Kon Tum, sau khi thực hiện hợp đồng và nhận doanh thu xuất khẩu, Công ty Lương thực Vĩnh Long nhận lại vốn ứng với lãi suất và lợi nhuận tính theo đầu tấn hàng, phần còn lại chuyển trả cho Công ty Thịnh Phát Kon Tum.

Từ tháng 2 đến tháng 6-2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký 25 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thịnh Phát Kon Tum và 25 hợp đồng kinh tế (mua bán hàng hóa) làm cơ sở để Công ty Thịnh Phát Kon Tum xuất hóa đơn bán hàng. Đến nay, trong số 25 hợp đồng đã có 20 hợp đồng thanh lý, 1 hợp đồng không thực hiện, với tổng số tiền trên 1.132 tỷ đồng.

Trong thời gian từ tháng 8 đến 9-2012, Công ty Thịnh Phát Kon Tum không có nguồn hàng để thực hiện hợp đồng kinh tế với Công ty Lương thực Vĩnh Long nên Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa đã đề nghị với Dương Lê Dũng “giải cứu” bằng cách chuyển tiền mua lại hai kho hàng ở Kon Tum mà Công ty Thịnh Phát đã thế chấp vay vốn tại 2 ngân hàng ở Kon Tum và TP.Hồ Chí Minh, với số lượng theo hồ sơ là trên 39.443 tấn mì lát. Vì “người đẹp” yêu cầu nên Dương Lê Dũng đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thực hiện theo “quy trình”.

Ngày mẹ con Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa và Nguyễn Ngọc Thạch ra tòa.

Sau những cuộc kiểm tra kho hàng ở Kon Tum theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, hai bên đã ký biên bản xác nhận lượng hàng trong 2 kho là 39.500 tấn và Công ty Lương thực Vĩnh Long đã chuyển cho Công ty Thịnh Phát 158 tỷ đồng. Nhưng thực tế số hàng hóa trong kho chỉ khoảng 23.588 tấn, tương ứng số tiền khoảng hơn 63,6 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cho thấy, từ năm 2011 Công ty Thịnh Phát Kon Tum làm ăn thua lỗ, dẫn đến nợ nần chồng chất, vay vốn tại các ngân hàng với con số hàng trăm tỷ đồng.

Tuy biết trước lượng hàng hóa tại các kho thế chấp ngân hàng không đảm bảo nhưng Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa cùng con trai là Nguyễn Ngọc Thạch-Phó Tổng Giám đốc Công ty Thịnh Phát Kon Tum đã dùng các chiêu trò, thủ đoạn gian dối để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của Công ty Lương thực Vĩnh Long.

Sau khi được Công ty Lương thực Vĩnh Long chuyển số tiền 158 tỷ đồng, Công ty Thịnh Phát Kon Tum chuyển trả cho ngân hàng 100 tỷ đồng, còn lại chi tiêu sử dụng cá nhân.

Tổng cộng tính đến năm 2014, Công ty Thịnh Phát Kon Tum đã chiếm đoạt và không có khả năng trả nợ cho Công ty Lương thực Vĩnh Long số tiền trên 126,5 tỷ đồng.

Thực tế, bắt đầu từ năm 2013, Công ty Thịnh Phát Kon Tum ngưng hoạt động do bị Cục Thuế tỉnh Kon Tum cưỡng chế hóa đơn, không còn tài sản để trả nợ. Công ty Thịnh Phát Kon Tum nợ các ngân hàng gần 500 tỷ đồng, nợ thuế hơn 44 tỷ đồng và nợ doanh nghiệp, cá nhân khác trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tài sản của Công ty Thịnh Phát Kon Tum hiện được cơ quan chức năng kê biên định giá chưa tới 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, đầu năm 2013, mặc dù đã được Tổng Công ty TNHH MTV Lương thực Miền Nam cảnh báo về khả năng tài chính của một số đối tác nhưng ông Dương Lê Dũng, Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long vẫn ký 6 hợp đồng mua khoảng 14.000 tấn gạo với 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Hòa Tân Lộc và Công ty Bình Lợi gây thiệt hại gần 99 tỉ đồng, đến nay không thể thu hồi được. Liên quan đến các vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra tách ra để điều tra riêng trong thời gian tiếp theo...

Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, Dương Lê Dũng được xác định là người cầm đầu, có vai trò chủ mưu trong vụ án này nhưng đã tự tử chết vào năm 2014 nên được đình chỉ điều tra bị can.

Các bị cáo lãnh án.

Vụ án kéo dài đến đầu tháng 1-2017 mới được đưa ra xét xử sơ thẩm và Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tuyên các bị cáo: Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (55 tuổi) mức án 10 năm tù; Nguyễn Ngọc Thạch (36 tuổi), 5 năm tù cùng về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; xử phạt Huỳnh Văn Thức (43 tuổi), nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh 10 năm tù; Trần Thị Diễm Thúy (44 tuổi), nguyên Kế toán trưởng Công ty Lương thực Vĩnh Long, 9 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Phạm Anh Thơ (54 tuổi), nguyên Tổ trưởng tổ nông sản, 5 năm tù và Võ Minh Khôi (28 tuổi), nguyên nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh, 3 năm tù cùng về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra đối với ông Lưu Xuân Bá và Lê Văn Cẩn (nguyên Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

So với điều luật quy định, mức án tòa tuyên phạt đối với các bị cáo là khá thấp. Đặc biệt, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Tòa xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa tù chung thân; bị cáo Nguyễn Ngọc Thạch với mức án từ 16 đến 18 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Tòa lại tuyên hai bị cáo này ở mức án nhẹ một cách khó hiểu!

Ngọc Như
.
.
.