Án phạt đối với Ngân hàng Hoàng gia Scotland

Thứ Hai, 02/04/2018, 13:43
Vì từng là ngân hàng lớn nhất thế giới trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra 10 năm trước (2008-2018), nên án phạt trị giá 500 triệu USD của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) được dư luận và giới chuyên môn quan tâm.


Theo giới truyền thông, RBS vừa bị giới chức Mỹ phạt 500 triệu USD với cáo buộc có những "hành động gian dối" trong hoạt động mua bán các khoản đầu tư thế chấp thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Và việc này diễn ra sau khi RBS mới đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế (tháng 2-2018) kể từ năm 2008.

Được biết, RBS đã thừa nhận bán cho các nhà đầu tư các khoản vay thế chấp bất động sản (mã RMBS) được hỗ trợ bởi những khoản cho vay thế chấp không tuân thủ các quy định tài chính. Và những khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi các ngân hàng và thể chế tài chính sử dụng những khoản cho vay này để tạo ra những công cụ tài chính phái sinh mà chưa đánh giá đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn.

Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS).

8 năm trước (2010-2018), RBS cũng từng phải nộp phạt 500 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ sau khi thừa nhận, ABN Amro, ngân hàng của Hà Lan được RBS mua lại năm 2007, đã vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Libya, Sudan và Cuba.

Trong thông báo đưa ra về khoản phạt kể trên, Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman cho rằng, RBS đã bán cho khách hàng nhiều công cụ tài chính phái sinh kém chất lượng, như chứng khoán bảo đảm bằng RMBS, được hỗ trợ bằng những khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn tiềm tàng nhiều nguy cơ.

Theo đó, RBS sẽ phải trả 100 triệu USD tiền mặt nộp trực tiếp cho bang New York và 400 triệu USD được hiện thực hóa thông qua các hình thức hỗ trợ khách hàng cho các cộng đồng và chủ sở hữu nhà ở New York chịu tổn hại từ hoạt động bán ra RMBS của ngân hàng. Trong khi Mỹ đưa ra khoản phạt kể trên, Anh muốn bán lại hầu hết cổ phần trong RBS.

Bởi trước khoản phạt trị giá 500 triệu USD, RBS từng phải chấp nhận chi 5,5 tỷ USD để Cơ quan tài chính nhà ở liên bang Mỹ (FHFA) rút đơn kiện ngân hàng này. Trong thông báo đưa ra hôm 12-7-2017, RBS cho biết, họ sẽ nhận khoản bồi hoàn trị giá 754 triệu USD "theo thỏa thuận bồi thường với các bên thứ ba", sau khi chấp nhận chi 5,5 tỷ USD để khỏi phải hầu tòa.

"Thông báo hôm nay là bước tiến quan trọng để giải quyết một trong những vấn đề trúc trắc nhất mà RBS phải đối mặt. Giải quyết vấn đề này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về những gì đã xảy ra với ngân hàng trước cuộc khủng hoảng tài chính và cái giá phải trả cho việc theo đuổi các tham vọng toàn cầu", ông Ross McEwan, Giám đốc điều hành RBS tuyên bố sau khi đã dàn xếp xong với FHFA.

Đồng thời hy vọng có thể giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng vào cuối năm 2017 để Chính phủ Anh có thể đưa RBS trở lại khu vực tư nhân.

Theo giới chuyên môn, tuy đã đạt được thỏa thuận với FHFA, để giải quyết vụ kiện liên quan tới vai trò trong cuộc khủng hoảng cho vay tài sản thế chấp 10 năm trước, nhưng RBS vẫn phải làm việc tiếp với Bộ Tư pháp Mỹ vào cuối năm 2017 xung quanh vấn đề kể trên. Và ngoài số tiền kể trên, RBS còn phải xử lý các khoản phạt trị giá 151 triệu bảng Anh.

Trước đó (28-9-2016), RBS từng chấp nhận nộp khoản tiền phạt trị giá 1,1 tỷ USD cho giới chức Mỹ để dàn xếp vụ bê bối tương tự. Trong tuyên bố đưa ra hôm 28-9-2016, RBS cho biết, khoản tiền phạt này nhằm dàn xếp 2 vụ kiện dân sự tại Mỹ.

Theo tờ Financial Times, Mỹ từng điều tra RBS vì nghi ngờ ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Gần 6 năm trước (tháng 8-2012), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tư pháp đã điều tra RBS và việc này diễn ra sau khi ông Stephen Hester nắm quyền tại ngân hàng này một thời gian.

Theo giới truyền thông, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, RBS đã phát hành và bán gần 32 tỷ USD tín phiếu liên quan tới thị trường nhà đất và các trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp có chất lượng kém.

Do đó, khi thị trường bất động sản sụp đổ đã khiến nhiều trái phiếu trở nên vô giá trị và người sở hữu chúng thiệt hại hàng tỷ USD. Gần 3 năm trước (4-8-2015), Bộ Tài chính Anh thông báo, bắt đầu bán phần lớn cổ phiếu của họ tại RBS.

Động thái này nằm trong kế hoạch thoái vốn của London tại RBS để lấy tiền trả nợ công. Theo đó, Chính phủ Anh đã bán 5,4% cổ phần tại RBS, thu về hơn 2 tỷ bảng Anh và đây là khoản lỗ không nhỏ. Bởi số tiền Chính phủ Anh từng chi để cứu RBS lên tới hơn 45 tỷ bảng Anh.

Thiện Lân
.
.
.