Angola:

Sai lầm của cảnh sát khiến nhiều người chết thảm

Chủ Nhật, 19/02/2017, 15:43
Không những Tổng thống Angola Eduardo dos Santos, mà cả 2 câu lạc bộ là Santa Rita de Cossia và Recreativo de Libolo đều cho rằng, Cảnh sát phải chịu trách nhiệm trong cái chết của ít nhất 17 người và gần 80 người khác bị thương hôm 10-2.

Ngoài ra, một số nhân chứng cũng cáo buộc, Cảnh sát đã gián tiếp gây ra tình trạng hỗn loạn kinh hoàng khi cố gắng giải tán đám đông bên ngoài sân bóng đá ở thị trấn Uige với bình xịt hơi cay.

Theo hãng thông tấn quốc gia Angop, ngày 11-2, Chính phủ Angola đã quyết định thành lập một ủy ban điều tra vụ giẫm đạp tại sân bóng đá ở thị trấn Uige và một ủy ban giúp đỡ thân nhân của các nạn nhân thiệt mạng.

Quang cảnh bên ngoài sân vận động sau vụ giẫm đạp.

Dư luận coi đây là sai lầm nghiêm trọng, là lỗi của Cảnh sát khi để cho nhiều người tiến vào quá gần sân vận động. Thêm vào đó là nhiều người không có vé nên đã gây ra tình trạng hỗn loạn, dẫn tới thảm kịch bóng đá.

Phát biểu với báo giới, đại diện Cảnh sát thừa nhận, trong số những người thiệt mạng có một số trẻ em. Điều đáng nói là trong khi các bác sỹ ở bệnh viện tại thị trấn cho biết, số người thiệt mạng đã tăng lên 25, nhưng giới chức nước này vẫn thông báo 17 người chết.

Trước đó (10-2), Giám đốc bệnh viện Uige, ông Ernesto Luis cho biết, có 17 người chết và ít nhất 76 người bị thương. Giới truyền thông đưa tin, tình trạng giẫm đạp diễn ra khi hàng trăm cổ động viên tràn qua các cửa để vào sân bóng đá Uige chỉ có sức chứa 8.000 người.

Theo một số nhân chứng, đám đông đã xô đổ các rào chắn sau khi không thể vào trong sân trước khi trận đấu bắt đầu. Những người ở hàng ghế đầu tiên đã bị ngã xuống và bị giẫm đạp. Hôm thảm kịch xảy ra, đã diễn ra trận đấu giữa 2 câu lạc bộ là Santa Rita de Cossia và Recreativo de Libolo (giải hạng nhất của Angola).

Và các cầu thủ vẫn thi đấu bất chấp thảm kịch xảy ra với kết quả 1-0 nghiêng về đội Recreativo de Libolo. Theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), đội tuyển quốc gia Angola đứng thứ 148. Trong lịch sử bóng đá châu Phi từng diễn ra nhiều thảm họa giẫm đạp trong các trận đấu bóng đá.

Năm 2009, vụ chen lấn, giẫm đạp ở Abidjan đã khiến 19 người bị chết trước trận đấu vòng loại World Cup 2010 giữa đội tuyển Cote d'Ivoire và đội tuyển Malawi. Trước đó (năm 2001), một vụ giẫm đạp kinh hoàng cũng đã xảy ra ở sân vận động Accra Sports ở Ghana làm 127 người chết và nhiều người bị thương.

Trung tuần tháng 10-2016, Cảnh sát Ấn Độ thông báo, 12 người đã chết và 5 người bị thương nghiêm trọng trong một vụ giẫm đạp xảy ra tại thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh. Các vụ giẫm đạp thường xuyên xảy ra tại những sự kiện tôn giáo ở Ấn Độ do lực lượng Cảnh sát quá ít so với dòng người tham gia lễ hội.

Cảnh sát Angola bị cáo buộc gián tiếp gây ra thảm kịch giẫm đạp.

Trước đó (2-10-2016), phe đối lập ở Ethiopia cáo buộc Cảnh sát đã khiến cho hơn 100 người chết cũng vì giẫm đạp lên nhau, nhưng giới chức nước này chỉ thông báo "có thiệt hại về người". Vụ giẫm đạp xảy ra khi hàng nghìn người tập trung tham dự nghi lễ Irreecha do cộng đồng Oromo tổ chức ở gần Thủ đô Addis Abeba của Ethiopia, để đánh dấu chấm dứt mùa mưa.

Và thảm kịch diễn ra sau khi Cảnh sát bắn đạn hơi cay vào những người biểu tình tại lễ hội tôn giáo này. Ông Merera Gudina, Chủ tịch nhóm đối lập "Đại hội Liên bang Oromo" cho biết, Cảnh sát và nhân viên của chính quyền địa phương đã tới hiện trường để điều tra và thu dọn "chiến trường".

Một vụ giẫm đạp cũng đã xảy ra trong ngày lễ Eid ul-Fitr ở Ghana khiến ít nhất 9 người chết và 6 người bị thương hôm 7-7-2016. Giới chức địa phương cho biết, trong số những người thiệt mạng có 6 phụ nữ và một người đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo giới truyền thông, vụ việc xảy ra khi có khoảng 200-300 người đang tham gia một buổi tiệc nhân lễ Eid ul-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tại một trung tâm cộng đồng ở khu vực Asawase.

Trong khi có tin nói, do bị cắt điện nên những người dự tiệc hoảng loạn, dẫn tới giẫm đạp, thì có người lại cho rằng, đã xảy ra đánh nhau ở nơi tụ tập lễ hội, khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy, trong khi chỉ có một lối ra duy nhất. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra để làm rõ nghi phạm cắt điện tại trung tâm cộng đồng kể trên.

Ngày 12-10-2015, hãng AFP dẫn số liệu do chính phủ các nước cung cấp cho biết, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp gần Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia hồi cuối tháng 9-2015 đã lên tới 1.608 người. Và đây là thảm họa gây thương vong lớn nhất trong lịch sử lễ hội hành hương Haji của người Hồi giáo. Iran có số công dân thiệt mạng lớn nhất (464 người), tiếp đến là Ai Cập (177 người), rồi tới Nigeria (145 người), Indonesia (120 người), Ấn Độ (101 người), Pakistan (87 người), Bangladesh (79 người), Mali (60 người), Senegal (54 người), Chad (52 người)…
Thiện Lân
.
.
.