Anh:

240 trẻ châu Á được giải thoát khỏi các trại trồng cần sa của tội phạm

Thứ Năm, 08/02/2018, 14:00
Báo chí Anh ngày 30-1 cho hay, ít nhất 150 trẻ châu Á đã biến mất khỏi các trung tâm nuôi dưỡng tình thương kể từ năm 2015. Cơ quan chức trách lo ngại, các em tiếp tục là nạn nhân của những vụ bắt cóc.


“28% trong tổng số những trẻ em bị buôn bán ở trung tâm đã bị mất tích ít nhất 1 lần, và trẻ em châu Á là những đối tượng có khả năng bị mất tích cao nhất” - Tổ chức Chấm dứt mại dâm, khiêu dâm và buôn bán trẻ em nhằm bóc lột tình dục Anh (ECPAT UK) cho biết. 

Chloe Setter, người đứng đầu bộ phận trên nhấn mạnh, con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rất nhiều vấn đề bị che giấu. Nhiều trẻ em các nước châu Á, trong đó có Việt Nam thường bị tội phạm buôn người bán cho các trang trại trồng cần sa, lao động tình dục. Nhiều em được giải cứu vài ngày thì lại biến mất khỏi trung tâm.

Phanh phui đường dây trẻ em bị bắt làm nô lệ tại các trang trại trồng cần sa ở Anh.

Vấn nạn nghiêm trọng tồn tại đã lâu

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Hugo Swire xác nhận việc người lao động nước ngoài bị ép làm việc trong các trại cần sa tại Anh. Theo thứ trưởng, buôn người là một vấn nạn nhức nhối tại Anh trong một thời gian dài. 

Trong năm 2014, Anh đã phải trục xuất đến 3.000 người có dính líu đến các đường dây tội phạm hay buôn bán cần sa. Người từ rất nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Phi được đưa vào Anh bằng các biện pháp trái phép lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn người. 

"Đây là một vấn nạn nghiêm trọng tồn tại đã lâu và nay chúng tôi đang thảo luận một dự luật để ngăn chặn nạn buôn người" - ông Swire nói. Vị chính khách cho biết, dự luật chống buôn người đã được trình lên Quốc hội Anh phê duyệt. Việc ngăn chặn nạn buôn người hiện là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu ở Anh.

Bên trong một trại trồng cần sa trị giá 2,3 triệu USD ở Hull.

Hành trình để trở thành nô lệ

Trong những năm gần đây, văn phòng của luật sư Philippa Southwell ở phía Nam Thủ đô London - Anh luôn chất đống các hồ sơ vụ án. Nữ luật sư này chuyên theo các vụ kiện liên quan tới nạn nhân bị những đường dây buôn người đưa từ các nước sang Anh để lao động trong các trại trồng cần sa. 

Bộ Nội vụ Anh ước tính, có tới 13.000 người bị ép làm nô lệ ở nước này trong năm 2015. Phần lớn nạn nhân là người Việt Nam, Albania, Nigeria và Romania. 

Nhiều nạn nhân rời khỏi quê hương khi còn là những đứa trẻ ôm giấc mộng đổi đời, gian nan vượt qua hàng ngàn dặm suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi tới được bờ biển nước Anh. 

Theo lời bà Southwell, các nạn nhân này thường được vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp và không ít trong số họ phải đi bộ ròng rã qua những cánh rừng nhiều ngày. 

“Họ ngủ trong lán trại dựng tạm và sau đó được giấu trong những chiếc thùng xe tải đáng sợ. Phải tuyệt đối giữ im lặng, không được cử động, thiếu không khí để thở, họ thậm chí phải tiểu tiện ngay trong thùng xe tải chật chội” - nữ luật sư nói với hãng tin Reuters.

Khi tới Anh, các nạn nhân bị giam cầm, không có hộ chiếu và làm việc quần quật như tù nhân khổ sai trong những trại cần sa bất hợp pháp rải rác trên cả nước để trả khoản nợ cắt cổ cho bọn buôn người, có thể lên tới 30.000 bảng Anh (995 triệu đồng). 

Tại đây, trang bị hệ thống sưởi và đèn cao áp phức tạp thích hợp với cần sa nhưng lại cực kỳ nguy hiểm với tính mạng con người. Không những thế, nhiều người còn bị lạm dụng tình dục, đánh đập và ngược đãi. 

Các trại cần sa thường cách xa thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát. Tuy nhiên, dù các đợt truy quét của cảnh sát có tìm ra chúng thì những người bị ép trồng cần sa cũng bị đầy đọa. Chloe Setter, chỉ rõ chưa có một băng đảng buôn bán trẻ em nào trong trường hợp này bị khởi tố nhưng bọn trẻ lại “bị nhốt, bị truy tố và bị kết tội”.

Bà Mimi Vu thuộc Quỹ Pacific Links làm việc với các nạn nhân của bọn buôn người cho biết, sau khi thụ án xong, các nạn nhân thường bị trục xuất về nước. 

Tuy nhiên, với tiền án và thiếu sự hỗ trợ, họ thường quay lại đường dây buôn người cũ. Tại Anh, mặc dù cần sa bị cấm tiêu thụ từ năm 1928 nhưng đây vẫn là loại ma túy phổ biến trong nước. 

Thống kê của Cơ quan Theo dõi Ma túy Độc lập (IDMU) cho thấy mỗi năm có khoảng 2,7 triệu người sử dụng hơn 1.000 tấn cần sa với giá trị 5,9 triệu USD. 

London thừa nhận cần sa chủ yếu được trồng trong nước và trong quãng thời gian 4 năm từ 2008-2012, số lượng nhà máy cần sa “cây nhà lá vườn” đã tăng gấp đôi lên 8.000.

Trường Vân
.
.
.