Anh: Chuyện về những nữ quân nhân "dính bầu" ở chiến trường Afghanistan

Thứ Tư, 26/02/2014, 16:34

Thông tin được đăng tải hôm 15/2 trên trang Daily Mail của Anh cho hay, tính từ tháng 1/2006 đến tháng 12/2013 đã có 99 nữ quân nhân Anh phục vụ ở chiến trường Afghanistan mang bầu và phải quay trở về Anh. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do việc quá trình kiểm tra trước khi đưa quân sang Afghanistan chưa chặt chẽ nhưng cũng không loại trừ khả năng, các nữ binh sĩ mang thai trong quá trình công tác.

Trung bình, khoảng 20 trường hợp mang thai/năm

Một câu chuyện hy hữu đã xảy ra vào tháng 9/2012, Lance Bombardier Lynette Pearce, 28 tuổi, một nữ quân nhân đã sinh con tại bệnh viện dã chiến ở Camp Bastion, đúng 4 ngày sau, khu vực này bị Taliban tấn công. Lance Bombardier Lynette Pearce đã hạ sinh một bé trai khỏe mạnh và trở thành người lính đầu tiên của Vương quốc Anh sinh nở ngay tại chiến trường, cậu bé được đặt tên là Immanuel Izadore Pearce. Sau khi sinh, cô Lance Bombardier Pearce và em bé Immanuel được đưa về Bệnh viện John Radcliffe ở Oxford, Anh chăm sóc.

Trả lời báo giới, bà Sugar, mẹ của cô Lance Bombardier Pearce cho biết, con gái bà đã gặp cha đứa trẻ ở Anh sau khi gia nhập quân đội. Điều đáng nói là, rất nhiều nữ quân nhân Anh thậm chí không hay biết mình đã mang thai khi phục vụ ở chiến trường. Câu chuyện của Kayla Donnelly, 21 tuổi, làm việc tại tỉnh Helmand, Afghanistan là một ví dụ.

Vào tháng 2/2011, cô Kayla Donnelly phát hiện mình mang thai, khi đó thai nhi đã ở tháng thứ bảy. Thai nhi này là kết quả mối tình giữa cô và bạn trai trước khi cô đến Afghanistan. Pte Donnelly, nữ quân nhân làm việc tại bộ phận hậu cần không hề hay biết mình mang thai cho đến khi gần kỳ sinh nở. Pte Donnelly cho rằng, những thay đổi của cơ thể về cân nặng là do khẩu phần ăn giàu năng lượng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng, 16 nữ binh sĩ đã buộc phải rời khỏi chiến trường Afghanistan vào năm 2013 do mang thai và con số này là 18 người vào năm 2011. Theo thông tin đăng tải trên tờ The Sun thì những nữ quân nhân có bầu thường được bố trí trở lại Anh trên các chuyến bay dành riêng cho cán bộ bị thương, điều này có nghĩa là, con số thực tế có thể cao hơn nếu các nữ quân nhân trở về nhà qua các chuyến bay thường xuyên.

Đâu là nguyên nhân?

"Phụ nữ mang thai không được phép phục vụ tại chiến trường. Một số lượng nhỏ nữ quân nhân bị phát hiện mang thai đều được đưa về Anh ngay lập tức", phát ngôn viên của quân đội Anh nói với MailOnline. Các quan chức cấp cao trong quân đội Anh thường xuyên nhắc nhở đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng sức khỏe quân nhân trước khi đưa ra tiền tuyến. Họ phải trải qua kỳ kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo có thể đối phó với sự khắc nghiệt của điều kiện chiến đấu. Các bài kiểm tra bao gồm: Kiểm tra thể chất như chạy bền tám dặm, chạy tốc độ 1,5 dặm; kiểm tra y tế về chức năng thính giác, thị giác, răng miệng, huyết áp, nhịp tim, dung tích phổi... Các sỹ quan được tiêm phòng các bệnh thường xuất hiện ở vùng nhiệt đới chẳng hạn như sốt rét. Tuy nhiên, các quân nhân nữ không buộc phải tiến hành xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra có mang thai hay không vì họ cho rằng, hành động này "xâm phạm quyền tự do cá nhân".

"Các sỹ quan quân đội không được khuyến khích quan hệ tình dục trong quá trình công tác. Nhân viên của chúng tôi được giáo dục cách ứng xử phù hợp với quy định của lực lượng vũ trang", phát ngôn viên của quân đội Anh nói. Tất cả những phụ nữ phát hiện mang thai ở Afghanistan đều được đưa trở về Anh.

Thời điểm của việc mang thai thường diễn ra trước khi các quân nhân đến Afghanistan, mặc dù không loại trừ khả năng có những đứa trẻ được thụ thai ở Afghanistan. Quân đội Anh không chấp nhận hành vi quan hệ tình dục giữa nam nữ trong quân đội và bất kỳ hành vi nào vi phạm quy tắc này đều bị xử lý. Những người bị bắt vì quan hệ tình dục thường phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách, thậm chí là biện pháp kỷ luật nghiêm khắc hơn phụ thuộc vào mức độ vi phạm và vị trí của quân nhân. Một nguồn tin cho biết, cuộc sống ở những chiến tuyến vất vả, khó khăn khiến nhiều quân nhân cảm thấy chán nản và sợ hãi.

Nữ quân nhân hiện chiếm khoảng 10% lực lượng vũ trang Anh, chiếm 14% Không quân Hoàng gia, 9% lực lượng Hải quân và 8% quân đội. Theo thống kê, hiện có 8.340 phụ nữ phục vụ trong quân đội Anh, 3.010 người trong Hải quân Hoàng gia và 4.950 người trong Không quân Hoàng gia. Năm 1949, phụ nữ được chính thức công nhận là một phần của lực lượng vũ trang Anh nhưng phải cho đến Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 thì nữ quân nhân mới được tham gia vào lực lượng chiến đấu. Nữ quân nhân đầu tiên đủ điều kiện tham gia đội bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia vào năm 1989 và sau đó, nữ quân nhân cũng được phép phục vụ trong đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia. Mặc dù vậy, theo quy định của quân đội Anh, phụ nữ không được phép tham gia lực lượng có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù như bộ binh, kỵ binh, Thủy quân lục chiến… Trên chiến trường Afghanistan, nữ quân nhân thường là nhân viên y tế, hậu cần

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.