Công nghệ nhận dạng khuôn mặt “nhận nhầm” hàng ngàn trường hợp

Thứ Năm, 10/05/2018, 19:23
Tờ DailyMail (Anh) đưa tin, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được cảnh sát Anh sử dụng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đã “nhận nhầm” hàng ngàn người vô tội.

Một số chuyên gia cho rằng, công nghệ mới này là “công cụ nguy hiểm vì độ chính xác thấp”.

Tỷ lệ nhận dạng khuôn mặt thành công rất thấp

Thời gian gần đây, cảnh sát South Wales và cảnh sát một số khu vực ở Anh đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tự động ở những nơi công cộng để xác định tội phạm tiềm năng. 

Số liệu mà cảnh sát cung cấp cho thấy, tỷ lệ nhận dạng khuôn mặt chính xác thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ nhận dạng chính xác. Các chuyên gia cảnh báo, công nghệ này có thể dẫn đến việc bắt giữ sai người.

Cảnh sát South Wales tiến hành thử nghiệm hệ thống nhận dạng khuôn mặt tự động từ tháng 6/2017 tại các hoạt động tập trung đông người như hòa nhạc, sự kiện thể thao hay chuyến thăm của hoàng gia. 

Thống kê tại 15 sự kiện sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có 2.451 lần nhận diện sai, trong khi đó, số lần nhận diện chính xác nghi phạm tiềm năng là 234 lần. Dữ liệu chi tiết về việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt được Cảnh sát South Wales công bố trên trang web của mình.

Cảnh sát South Wales thử nghiệm công nghệ này lần đầu tiên tại trận chung kết Champions League năm ngoái ở Cardiff với 2.297 trường hợp hợp nhận dạng sai và 173 trường hợp nhận dạng đúng. 

Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết, tỷ lệ thất bại 92% là do hình ảnh trong cơ sở dữ liệu có chất lượng thấp và công nghệ được sử dụng lần đầu tiên.

Tiếp sau đó, cảnh sát South Wales cũng tiến hành triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại trận thi đấu bóng bầu dục giữa Wales và Scotland ở Cardiff và chuyến thăm xứ Wales của Hoàng tử Harry. 

Tại trận thi đấu bóng bầu dục, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đưa ra 6 trường hợp chính xác, 42 trường hợp sai, tỷ lệ thất bại là 86%. Trong khi đó, với chuyến thăm Wales của Hoàng tử Harry, công nghệ nhận dạng khuôn mặt không đưa ra được bất cứ thông tin gì. 

Tại trận đấu boxing giữa Anthony Joshua và Carlos Takam vào tháng 10/2017, 90% trường hợp được nhận dạng khuôn mặt là không chính xác.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt thực sự là mối đe dọa cho tự do dân sự?

Các chuyên gia cảnh báo rằng, công nghệ nhận dạng khuôn mặt mà cảnh sát Anh sử dụng thiếu quy định và sự minh bạch về quy trình hoạt động. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần đánh giá khách quan tính chính xác của hệ thống. 

Trong khi đó, các quan chức cảnh sát lập luận rằng, thông tin mà phần mềm nhận dạng khuôn mặt cung cấp đã giúp ích rất lớn cho các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và phần mềm liên tục được cải thiện.

“Tỷ lệ những người vô tội bị nhận dạng sai cao đáng báo động. Những con số thống kê cho thấy, công nghệ nhận dạng khuôn mặt thực sự là mối đe dọa cho tự do dân sự. 

Nó là một công cụ hết sức nguy hiểm”, Silkie Carlo, Giám đốc cơ quan giám sát nhân quyền Big Brother Watch nói. Big Brother Watch cho biết, đã sẵn sàng khởi động một chiến dịch chống lại hệ thống nhận dạng khuôn mặt.

Lần đầu tiên Cảnh sát South Wales thử nghiệm hệ thống nhận diện khuôn mặt tự động tại trận chung kết Champions League vào năm ngoái ở Cardiff.

Được biết, phần mềm nhận dạng khuôn mặt hoạt động bằng cách kết hợp hình ảnh thời gian thực với ảnh trước của một người đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu để xác định tội phạm tiềm năng. 

Mỗi khuôn mặt có khoảng 80 “điểm nút” trên mắt, mũi, má và miệng để phân biệt với người khác. Camera thu nhận hình ảnh tại hiện trường được kết nối với máy tính xách tay hoặc máy chủ có lưu trữ cơ sở dữ liệu hình ảnh.

Khuôn mặt từ camera hiện trường được truyền về máy chủ và phân tích xem có trùng khớp với hệ thống cơ sở dữ liệu hình ảnh đã được lưu trữ hay không. 

Cảnh sát South Wales đánh giá, công nghệ nhận dạng khuôn mặt có nhiều lợi ích trong công tác phòng chống tội phạm. Alexeis Garcia-Perez, một nhà nghiên cứu về an ninh mạng tại Đại học Coventry nhận định, công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp cảnh sát xác định tội phạm tiềm năng chỉ trong vài phút, qua đó có thể giảm thiểu những vụ bắt giữ sai người. 

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ sớm vượt qua công nghệ dấu vân tay trở thành công cụ hiệu quả nhất để xác định danh tính của con người.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.