Anh:

Điều tra bê bối ăn chặn tiền cứu trợ nạn nhân vụ cháy tháp Grenfell

Thứ Năm, 17/08/2017, 17:43
Theo tiết lộ của các nhà tài trợ, chỉ có khoảng 15% trong tổng số gần 19 triệu bảng Anh tiền quyên góp đến được với các nạn nhân vụ cháy tháp Grenfell tại London (Anh) 2 tháng trước.


Các con số thống kê của Ủy ban từ thiện cho thấy, khoảng 7,25 triệu bảng Anh được trao cho các tổ chức làm nhiệm vụ phân phối cho các nạn nhân và chỉ 2,8 triệu bảng Anh trong số tiền này đến với các nạn nhân còn may mắn sống sót.

Trong khi đó, hoạt động gây quỹ cứu trợ vẫn tiếp diễn trong suốt 2 tháng qua, sau khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại tòa tháp cao 24 tầng ở phía Tây thủ đô London. Ủy ban cứu trợ kêu gọi phải có sự minh bạch, rõ ràng hơn nữa về số tiền được chuyển đến và những khoản chia cho các nạn nhân trong vụ cháy này.

Phân phát thức ăn cho các nạn nhân vụ cháy may mắn sống sót.

Yvette Williams, phát ngôn viên của Justice 4 Grenfell cho phóng viên hãng AP biết: “Chắc chắn số tiền cứu trợ đã không đến nhanh với các nạn nhân như đã hứa. Các nạn nhân may mắn sống sót đang rất cần để sống và nuôi gia đình. Nhưng số tiền đó đi đâu, ai là người phân phối nó, tại sao họ không phân phối hay giả sử có làm thì đã phân chia như thế nào? Các tiêu chí để xét phân phối tiền cứu trợ có hợp lý không và những người làm nhiệm vụ này đã tiếp xúc với các nạn nhân và với những người cần cứu trợ gấp hay không?”.

Cũng theo bà Yvette Williams thì chính thông tin không minh bạch đã dẫn tới nhiều nghi ngờ và các nạn nhân còn sống trong vụ cháy rất khó khăn và có những người cực kỳ khó khăn nhưng họ lại ngại khi lên tiếng về điều này. 

Bà Yvette Williams nói: “Một số người vẫn còn bị chấn động mạnh. Họ không dám tiếp xúc với bên ngoài”. Hãng BBC cho biết, sau khi xảy ra đám cháy ở tháp Grenfell, các tổ chức cứu trợ như Hội chữ thập đỏ, Qũy Kensington và Chelsea đã tiến hành hàng loạt chiến dịch kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ, hỗ trợ những người may mắn sống sót. 

Một con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, 3 quỹ này vận động được 5,75 triệu bảng Anh trong khi quỹ Evening Standard thu được 6,7 triệu bảng Anh. Cùng với số tiền nhỏ hơn từ các tổ chức khác, tổng cộng người ta đã quyên góp được gần 19 triệu bảng Anh.

Cách đây 2 tháng, tòa tháp cao 24 tầng Grenfell chìm trong biển lửa.

Tờ Telegraph cho hay, cho đến nay, sự thiếu minh bạch trong việc chi tiêu tiền ủng hộ các nạn nhân vụ cháy tháp Grenfell đã khiến công chúng Anh trở nên tức giận. Nhiều người đưa ra các cáo buộc khác nhau về việc có thể có sự lũng đoạn, thậm chí là tham nhũng trong số tiền này. Nhiều người yêu cầu mở cuộc điều tra cụ thể và trước khi tiến hành điều tra, các quỹ từ thiện phải công khai số tiền mình quyên góp được cũng như những khoản đã chi trả. 

Điều đáng nói là việc tham nhũng tiền cứu trợ không phải là không có. Trên thế giới, trong những năm qua đã có rất nhiều vụ tham nhũng tiền cứu trợ bị phanh phui. Chẳng hạn như ở Thụy Sĩ, cựu Giám đốc truyền thông của tổ chức Chữ thập đỏ Thụy Sĩ Johan af Donner đã phải đối mặt với bản án 6 năm tù vì liên quan đến bê bối tiền cứu trợ các bệnh nhân mắc bệnh ung thư trị giá 1,13 triệu USD. 

Hai năm trước, cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Jack Warner cũng bị cáo buộc “xà xẻo” tiền cứu trợ của các nạn nhân động đất tại Haiti. 

Chuyện bắt đầu từ khi cựu Phó Chủ tịch FIFA thăm Haiti năm 2010, bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc với thân nhân 200.000 người thiệt mạng trong vụ động đất. Và số tiền quyên góp được từ các nhà hảo tâm trong làng túc cầu thế giới, từ FIFA và Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc là 750.000 USD. 

Khi đó, ông Jack Warner tuyên bố rằng, "số tiền nhỏ bé này sẽ hỗ trợ cho Haiti trong công cuộc tái thiết. Thế nhưng, không ai có thể ngờ rằng, sau chuyến thăm đó, ông Jack Warner đã yêu cầu các nhà tài trợ chuyển tiền vào 75 tài khoản ngân hàng và cuối cùng số tiền đó được sử dụng cho mục đích cá nhân. 

Ngay ở Thái Lan, mạng lưới chống tham nhũng đã yêu cầu chính phủ giải trình việc chi tiêu đối với số tiền 120 tỉ baht (3,8 tỉ USD) dành cho cứu trợ lũ lụt năm 2012 làm hơn 800 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 13,6 triệu người và làm gián đoạn kinh doanh ở một số khu công nghiệp được coi là lớn nhất thế giới tại nước này. 

Theo báo cáo của Trung tâm Hành động khẩn cấp về lũ lụt, bão và lở đất của Thái Lan, 65 trên tổng số 77 tỉnh, thành của Thái Lan đã phải ban bố khu vực thảm họa và hơn 20.000km2 đất nông nghiệp bị hủy hoại. 

Nhưng cho đến nay, nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa này vẫn không hề hay biết gì về chính sách này và chưa nhận được một đồng cứu trợ nào. 

Chi Anh
.
.
.