Anh:

Điều tra vụ thao túng lãi suất Libor

Thứ Hai, 24/04/2017, 16:56
Vì là chỉ số các ngân hàng dựa vào để định ra mức lãi suất cho vay đối với khách hàng, nên thông tin có liên quan tới việc thao túng lãi suất Libor không những được dư luận “xứ sở sương mù”, mà giới chuyên môn cũng đặc biệt quan tâm.


Bởi theo tiết lộ của hãng BBC, 2 nhân viên cấp cao của Ngân hàng Barclays là Mark Dearlove và Peter Johnson từng trao đổi về việc Ngân hàng Trung ương Anh yêu cầu Barclays phải hạ lãi suất Libor.

Tuy cuộc trao đổi trên điện thoại của Mark Dearlove và Peter Johnson diễn ra từ năm 2008, nhưng ngay sau khi hãng BBC đăng tải, Ngân hàng Trung ương Anh lập tức từ chối công bố các thông tin liên quan.

Giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays Jes Staley.

Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố, thông tin về những cuộc trao đổi của họ với các ngân hàng có liên quan tới thao túng lãi suất chỉ có thể được tiết lộ sau khi cuộc điều tra nhiều năm, xung quanh vụ việc này được hoàn tất.

Theo hãng BBC, Ngân hàng Trung ương Anh dường như cố tình định hướng vụ thao túng lãi suất Libor cách đây 9 năm. Và tính đến nay đã có 11 ngân hàng bị điều tra và xử phạt (9 tỷ USD) do các hành vi thao túng lãi suất Libor, công cụ tham chiếu của hoạt động cho vay trên thế giới.

Theo giới chuyên môn, nội dung trao đổi qua điện thoại giữa 2 nhân viên ngân hàng Barclays liên quan đến vấn đề không mới, nhưng đây là lần đầu tiên có bằng chứng nhắc đến vai trò của Ngân hàng Trung ương Anh trong vụ bê bối này.

Ngân hàng Trung ương Anh từng tuyên bố, họ không biết gì về hoạt động đi đêm giữa các ngân hàng và cho rằng, lãi suất liên ngân hàng London (Libor) và các công cụ khác hoàn toàn không được sử dụng tại Anh trong thời gian kể trên (2005-2009).

Được biết, trong thời điểm từ 2005 đến 2009, các ngân hàng bắt tay nhau thao túng lãi suất Libor, gây tổn thất hàng nghìn tỷ USD trên thị trường phái sinh và thị trường tín dụng thế giới. Giới chuyên môn cho rằng, việc thao túng lãi suất Libor là bê bối lớn nhất trên thị trường tài chính thế giới bởi nó có thể chi phối hàng loạt tiền tệ phổ biến như bảng Anh, USD, Euro…

Giới truyền thông cho rằng, với những tiết lộ của hãng BBC, nhiều chính trị gia đang yêu cầu phải mở một cuộc điều tra toàn diện để xác định vai trò giám sát của Ngân hàng Trung ương Anh trong giai đoạn kể trên.

5 năm trước (2012-2017), Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh lúc đó là ông Paul Tucker từng phải điều trần về vấn đề này. Và với việc phủ nhận của ông Paul Tucker trong việc gây áp lực cho ngân hàng trong quy định lãi suất Libor, vụ việc đã bị khép lại.

Những tiết lộ kể trên của hãng BBC diễn ra đúng thời điểm Barclays thông báo, ngân hàng của họ và Giám đốc điều hành Jes Staley đang bị điều tra liên quan tới việc nhà lãnh đạo này tìm cách xác định danh tính của một người tố giác những sai trái trong nội bộ.

Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) và Cơ quan quản lý an toàn (PRA) đã tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào trách nhiệm quản lý của ông Jes Staley đối với chương trình tố giác những hành vi sai trái trong nội bộ ngân hàng Barclays.

Ông Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh.

Ngân hàng Barclays cam kết, tham gia đầy đủ quá trình điều tra và sẽ điều chỉnh khoản tiền thù lao dành cho ông Jes Stanley trong năm nay để bồi thường cho những thiệt hại mà vụ này gây ra. Trước đó, Ngân hàng Barclays từng bị phạt 100 triệu USD vì thao túng lãi suất Libor.

Theo tờ Financial Times, Ngân hàng Barclays đã thao túng lãi suất Libor từ năm 2005 đến năm 2009, bất chấp tác động tiêu cực mà nó gây ra đối với cơ quan quản lý và nhiều tổ chức trên thế giới. Gần 5 năm trước (tháng 6-2012), Ngân hàng Barclays đã phải nộp 452 triệu USD tiền phạt cho giới chức Anh và Mỹ sau khi bị phát hiện có hành vi thao túng lãi suất cho vay liên ngân hàng London.

Hãng BBC cho biết, khi được cử làm Giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays năm 2010, ông Bob Diamond kiếm được 11,5 triệu bảng Anh/năm và đó là mức thu nhập cao nhất thế giới thời điểm đó. Theo giới chuyên môn, chỉ cần 5/16 ngân hàng bắt tay với nhau để bóp méo lãi suất có thể ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất Libor. Lãi suất Libor có tác động tới những người tham gia trong thế giới tài chính, từ sinh viên đi vay, người cho vay, chủ doanh nghiệp nhỏ cho đến những công ty và ngân hàng lớn nhất thế giới. Và không chỉ Barclays, một số ngân hàng lớn của Anh như RBS, HSBC và Lloyds cũng từng bị điều tra về vấn đề này. Theo giới truyền thông, tòa án London từng tuyên án đối với 4 cựu chuyên viên đầu tư của Ngân hàng Barclays. Và vì bê bối thao túng lãi suất Libor nên ông David Walker đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Barclays năm 2012.

Mạnh Phong
.
.
.