Anh:

Tranh cãi về “thị thực vàng”

Thứ Tư, 12/12/2018, 08:07
Quyết định dừng cấp thị thực nhóm 1 (còn gọi là “thị thực vàng”) kể từ ngày 7-12 (cho tới khi quy định mới có hiệu lực vào năm tới) đang khiến cho những người muốn đầu tư và định cư ở Anh đứng ngồi không yên.


Bởi theo quy định mới của Bộ Nội vụ Anh, người muốn đầu tư và định cư sẽ không thể đầu tư vào trái phiếu chính phủ mà phải đầu tư vào các công ty Anh đang hoạt động. Và những người này phải cung cấp đầy đủ chứng từ kiểm toán về tài chính và những lĩnh vực kinh doanh liên quan của họ. Ngoài ra họ còn phải chứng minh được quỹ tài chính đầu tư 2 triệu bảng Anh đang nắm giữ có trong tài khoản từ 2 năm trở lại đây. 

Theo tờ The Guardian, “thị thực vàng” - còn gọi là "visa vàng" là loại visa khiến con đường xin định cư tại Anh trở nên ngắn nhất, nhưng do lo ngại liên quan đến tham nhũng, nạn rửa tiền và các hoạt động tội phạm có tổ chức nên Bộ Nội vụ Anh đã tạm ngừng chương trình cấp "thị thực vàng". 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhập cư Caroline Nokes cũng khẳng định, Anh luôn mở rộng cửa đối với những nhà đầu tư nước ngoài hợp pháp và có năng lực, nhưng không khoan nhượng đối với những người không tuân thủ các quy định và tìm cách lợi dụng hệ thống này. Chỉ trong tháng 7-2018, lượng đơn xin cấp “visa vàng” đã tăng 46%, với hơn 400 đơn của những nhà đầu tư nước ngoài giàu có. Và trong 1 năm qua (tính đến hết tháng 9-2018) đã có hơn 1.000 người được cấp “thị thực vàng” để định cư ở Anh.

Anh ngừng chương trình cấp thị thực vàng cho giới siêu giàu thế giới.

Quyết định kể trên của Bộ Nội vụ Anh diễn ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu dự kiến công bố báo cáo về vấn đề "thị thực vàng" trong tháng 12. Được biết, chương trình “visa vàng” đang được áp dụng tại 11 quốc gia (Hungary mới chấm dứt chương trình này) như Áo, Cyprus, Luxembourg, Malta, Hy Lạp, Latvia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Bulgaria, Hà Lan và Pháp. 

Tất cả những nước áp dụng chương trình “visa vàng”, trừ Anh, Ireland và Bulgaria, đều nằm trong khối thị thực chung Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu. Hơn 2 tháng trước (10-10), Tổ chức Minh bạch quốc tế và Nhân chứng toàn cầu công bố báo cáo cho thấy, chương trình cấp quốc tịch và định cư bằng đầu tư ở châu Âu (còn gọi là “golden visa - visa vàng” cho những công dân nước ngoài giàu có) đặt ra nhiều rủi ro về rửa tiền bởi không được quản lý đúng cách. 

Hãng Reuters dẫn lời bà Naomi Hirst của tổ chức này cho thấy, việc mua giấy phép cư trú hoặc quyền công dân Liên minh châu Âu (EU) đặt ra những rủi ro về tham nhũng và rửa tiền - nếu có nhiều tiền với nguồn gốc không rõ ràng thì việc đảm bảo một nơi ở mới, cách xa nơi bạn đánh cắp số tiền đó, đương nhiên không chỉ là điều hấp dẫn mà còn hợp lý. 

“Cách quản lý kém và nhiều lỗ hổng cho phép cá nhân tham nhũng đến làm việc và du lịch tự do trên khắp châu Âu và làm suy yếu an ninh tập thể của chúng ta”, chuyên gia chống rửa tiền tại Tổ chức Minh bạch quốc tế và Nhân chứng toàn cầu Laure Brillaud cảnh báo.

Giới siêu giàu đổ xô đổi tiền lấy quốc tịch thứ hai.

Vẫn theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế và Nhân chứng toàn cầu, các nước EU đã tạo ra khoảng 25 tỉ euro đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 1 thập kỷ từ việc bán ít nhất 6.000 hộ chiếu và gần 100.000 thẻ cư trú. 

Được biết, visa định cư ở “lục địa già” có giá trung bình khoảng 900.000 euro, nhưng ở Cyprus có thể lên đến 2 triệu USD - Cyprus đã thu được 4,8 tỉ euro (khoảng 5,5 tỉ USD) từ chương trình này. Tuy chỉ thu được 718 triệu euro từ chương trình “visa vàng”, nhưng Malta đang bị chỉ trích bởi đã cho phép cả người có hồ sơ phạm tội hoặc đang bị điều tra “nhập tịch”. 

Theo giới truyền thông, Malta mở chương trình dành cho các cá nhân đầu tư vào Malta (IIP) từ đầu năm 2014, sau khi sửa chương 188 của Luật Quốc tịch năm 2013 và ban hành nghị định LN47 để cấp quốc tịch. Chương trình này bị chỉ trích bởi tiềm ẩn nhiều nghi vấn về trốn thuế, hối lộ và sử dụng địa chỉ giả. Được biết, Chính phủ Malta giữ bí mật về quốc tịch và danh tính của các cá nhân được cấp quốc tịch Malta. 

Theo giới truyền thông, người có nhu cầu cấp quốc tịch Malta chỉ phải chi khoảng 1,2 triệu euro. Và từ năm 2014 đến nay, đã có khoảng 800 gia đình gồm 3.200 người nhận được quốc tịch Malta theo chương trình IIP. Hơn 3 năm trước (2-7-2015), người phát ngôn Cơ quan công tố Bồ Đào Nha cho biết, họ đã quyết định truy tố cựu Bộ trưởng Nội vụ Miguel Macedo về vai trò của ông trong vụ bê bối rửa tiền liên quan tới việc cấp "thị thực vàng" cho các đại gia nước ngoài. 

Ông Miguel Macedo phải từ chức Bộ trưởng Nội vụ hôm 16-11-2014, sau khi 11 người bị bắt giữ, trong đó có quan chức cấp cao, do bị tình nghi khai man giá trị các khoản đầu tư để giúp những người nước ngoài giàu có nhận giấy phép cư trú đặc biệt tại Bồ Đào Nha. 

Mạnh Phong
.
.
.