Anh giải mật hồ sơ về các điệp viên phát xít

Thứ Sáu, 18/11/2011, 17:50

Sau nhiều thập kỷ nằm trong vòng bí mật, hàng loạt tài liệu của Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5) mới được tiết lộ đã cung cấp những thông tin hết sức đặc sắc và thú vị về hoạt động của các điệp viên phá hoại của phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2.

Tập tài liệu mật được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh công bố, bao gồm rất nhiều biên bản ghi lại các cuộc thẩm vấn của Cơ quan Tình báo nội địa (MI5) với những điệp viên phá hoại của Đức bị quân đồng minh bắt giữ. Mặc dù những kế hoạch chi tiết và tinh vi, nhưng rồi gieo nhân nào thì vẫn gặt quả ấy.

Những kế hoạch đầu độc tinh vi

Những tập tài liệu này cho thấy lực lượng an ninh phát xít Đức (RSHA) đã có trong tay một đơn vị chuyên lên kế hoạch tổ chức các hoạt động phá hoại ngầm ở nhiều quốc gia đồng minh. Các điệp viên thuộc đơn vị này rất chuộng sử dụng chiến thuật ám sát và đầu độc. Trong một vụ mang tính điển hình, quân đồng minh đã bắt được một nhóm 4 điệp viên Đức, bao gồm một phụ nữ, khi họ nhảy dù xuống vùng Ayon, gần St. Quentin ở Pháp vào tháng 3 năm 1945, khoảng 2 tháng trước khi chiến tranh kết thúc. Những người này đã bay thẳng từ Stuttgart qua Pháp trong một chiếc B17 Flying Fortress bị đánh cắp. Chiếc máy bay đã thả họ vào sau chiến tuyến của quân đồng minh, trước khi bị bắn hạ.

Qua cuộc thẩm vấn, các điệp viên khai rằng họ được cử đi thực hiện các nhiệm vụ đầu độc và ám sát. Họ mang theo các lọ thủy tinh chứa thuốc aspirin do Công ty Bayer sản xuất, với 1 hoặc 2 viên bị tẩm độc và cái chết sẽ diễn ra sau chừng 10 phút hoặc hơn nếu ai đó nuốt phải viên thuốc tẩm độc này. Các điệp viên nói rằng họ sẽ tìm cách tiếp cận mục tiêu dự định ám sát và mời hút một loại thuốc đặc biệt, khiến nạn nhân đau đầu. Tiếp đó các điệp viên sẽ lấy thuốc aspirin tẩm độc và mời mục tiêu uống. Bản thân họ cũng hút thuốc gây đau đầu và uống aspirin, nhưng là loại không tẩm độc. Anna Marguerite Prelogar, nữ điệp viên nằm trong nhóm bị bắt khai rằng phương thức ám sát này dành cho các mục tiêu đang di chuyển trên tàu hỏa.

Ngoài aspirin tẩm độc, các điệp viên còn được trang bị một loại bột độc có thể được sử dụng để bôi lên các tay nắm cửa, sách vở và mặt bàn. Bột độc này làm từ bột thủy tinh trộn lẫn với thuốc độc. Nếu nạn nhân vô tình chạm vào bột, các mảnh thủy tinh có thể làm da họ bị xước và thuốc độc theo đó đi sâu vào cơ thể, gây tử vong.

Một loại bột khác chỉ được các điệp viên trong vai bồi bàn dùng để rắc vào trong một căn phòng ăn của khách sạn hoặc nhà hàng. Nó có thể khiến người ta mất mạng nếu chẳng may nuốt phải, nhưng sẽ không làm họ chết khi tiếp xúc qua đường hô hấp. Ngoài ra còn phải kể tới loại vũ khí đặc biệt khác là một khối cầu độc hình tròn, đường kính chừng 1mm. Khối cầu độc này sẽ được đặt vào khay gạt tàn và nhiệt từ thuốc lá hoặc một điếu xì gà tỏa ra có thể khiến nó bốc hơi độc, giết chết tất cả những người ngồi xung quanh. Nhóm điệp viên còn mô tả về một chiếc bật lửa có một hốc chứa đặc biệt đặt gần phần bấc, nơi khối độc được thả vào. Nếu ai đó vô tình sử dụng chiếc bật lửa này, họ sẽ chắc chắn mất mạng.

Cà phê hiệu "Nescafe", đường, thuốc lá và sôcôla hiệu "Sarotti" của Đức cũng được huy động vào cuộc chiến ngầm của phát xít Đức. Các loại đồ ăn và uống này đều được pha với thuốc độc và một điệp viên đã đặc biệt nhấn mạnh tới tính hiệu quả của vũ khí sôcôla độc, như thể anh ta đã tự tay chế ra nó.

Mỹ nhân kế

Marina Lee được tin là một trong những điệp viên xuất sắc nhất của phát xít Đức. Từng là một cựu nghệ sĩ múa ba lê, Marina Lee được các tài liệu tình báo miêu tả là sở hữu thân hình chuẩn, cao ráo, mái tóc vàng óng tự nhiên và đặc biệt đôi chân rất đẹp. Cô này ăn nói nhã nhặn và từ tốn. Lee đã thâm nhập vào Ban chỉ huy quân sự Anh và thu thập các thông tin về kế hoạch chiến đấu tối mật trong thời điểm quan trọng của Thế chiến 2.

Lee sinh tại St. Petersburg nhưng rời Nga năm 1917 sau khi cha mẹ qua đời. Sau khi định cư tại Na Uy, cô kết hôn với một kỹ sư Na Uy có tên là Einer Andreas Lee và trở thành người đứng đầu Trường múa ba lê tại Oslo. Tình báo Anh cho rằng Lee được cơ quan tình báo Đức Quốc xã Abwehr chiêu mộ vào khoảng năm 1935. Lee nhanh chóng trở thành điệp viên có kinh nghiệm và được đánh giá cao. Cô này nói được 6 thứ tiếng và sử dụng các tên khác nhau. Phía Anh cũng khẳng định rằng cô này có niềm đam mê là "đoán vận mệnh qua các lá bài".

Là một gián điệp hoạt động rất hiệu quả của phát xít Đức, Lee đã thâm nhập vào Ban chỉ huy quân sự của Anh tại Na Uy năm 1940, giúp phát xít Đức giành chiến thắng trong một trận chiến quan trọng, gây ra sự thất bại của quân đồng minh trong chiến dịch ở Na Uy. Đức xâm chiếm Na Uy ngày 9 tháng 4 năm 1940. Trong vòng ít ngày, Anh đã phát động một cuộc phản công nhằm vào khu cảng quan trọng Narvik.

Vào cuối tháng 5, khoảng 2.000 binh lính và 2.500 lính thuỷ do Tư lệnh Đức tại Narvik, Trung tướng Eduard Dietl, đứng đầu đã hứng chịu một cuộc tấn công của 20.000 quân đồng minh dưới sự chỉ huy của Trung tướng Anh Claude Auchinleck. Sau đó, tổ chức tình báo Abwehr đã triển khai một "vũ khí bí mật": nữ gián điệp xinh đẹp 30 tuổi Marina Lee.

Theo các tài liệu của tình báo Anh, Lee đã xâm nhập vào trụ sở văn phòng của Trung tướng Anh Claude Auchinleck. Không rõ điệp viên này lấy thông tin bằng cách nào nhưng Lee đã trở về gặp Tướng Đức Dietl. Với thông tin lấy được, Tướng Dietl đã đánh bại đối thủ. Các binh sĩ Anh, Pháp cuối cùng đã rút khỏi Narvik ngày 8 tháng 6 và hai ngày sau đó, Na Uy đầu hàng.

Phía Anh thậm chí không phát hiện ra sự tồn tại của Lee cho tới tận cuối năm 1940 khi các gián điệp Đức đóng giả các nhà khí tượng học bị Hải quân hoàng gia Anh bắt giữ trên một hòn đảo ở Bắc Cực. Một gián điệp bị bắt đã tiết lộ danh tính của Lee. Lee có vẻ như đã được tặng thưởng xứng đáng cho công lao của mình. Chỉ trong vòng 1 năm, cô này đã nhận được hộ chiếu Đức. Lee đã chuyển tới Tây Ban Nha và lần cuối cùng MI5 thấy điệp viên này là tại khách sạn Ritz ở Madrid năm 1948. Tài liệu của Anh cũng bao gồm một lệnh cảnh giác năm 1947, cảnh báo cảnh sát và các nhân viên hải quan rằng nếu cô này đến Anh thì cần phải báo khẩn cấp cho MI5. Nhưng tài liệu không có thông tin gì về Lee sau đó nữa. Đến năm 1960, tài liệu về điệp viên phát xít Đức xinh đẹp được "khoá sổ".

Gieo gió gặt bão

MI5 đã rất lo ngại trước lời khai của các điệp viên trên, tới mức họ yêu cầu phải tìm kiếm mọi loại thực phẩm, thuốc men, bật lửa và thuốc lá nghi là phương tiện gây độc trên người các điệp viên Đức bị bắt. Lord Rothschild, người khi đó đang lãnh đạo bộ phận phản gián của MI5 đã thu được một thanh sôcôla và một hộp Nescafe từ điệp viên Đức và quyết định đem chúng đi thử nghiệm tìm chất độc. Từ kết của kiểm tra, MI5 khuyến cáo rằng "việc ăn đồ ăn và hút thuốc lá Đức bị cấm tuyệt đối, ai vi phạm sẽ chịu sự trừng phạt nặng".

Một tài liệu khác đề dấu "mật" và chỉ dành riêng cho phòng phản gián thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Lực lượng Viễn chinh đồng minh nằm ở London có chứa nội dung nhấn mạnh tới "các phương thức khủng bố" của phát xít Đức. Tài liệu đó cho biết năm 1943, lực lượng đặc vụ Đức Abwehr đã trình lên cấp trên ý tưởng về một kế hoạch nhằm làm giảm nhuệ khí của lính Mỹ ở Bắc Phi bằng cách "phân phối rộng rãi chất gây nghiện". Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì không khả thi.

Một tài liệu khác của Đức gửi đi tháng 10 năm 1944 có đề dấu "bí mật quốc gia" và rơi vào tay quân đồng minh cho thấy, tình báo Đức đã thảo luận về việc bơm thuốc độc vào các chai rượu whisky, rượu mùi, rượu vang và rượu schnapp của đối phương. Tài liệu cũng nói tới việc tiêm các liều thuốc độc mạnh vào nhiều loại thực phẩm khác nhau như xúc xích. Các loại thuốc độc này sẽ chỉ có tác dụng từ vài giờ hoặc vài ngày sau khi nạn nhân sử dụng thực phẩm và như thế sẽ vừa tránh không làm lộ các điệp viên phá hoại, vừa gây nhiều khó khăn và rối loạn cho đối phương.

Ngoài thuốc độc, mỹ nhân kế, các điệp viên phá hoại Đức còn ưa chuộng sử dụng vũ khí ám sát bí mật. Quân đoàn 20 của Mỹ báo rằng họ đã tìm thấy một khẩu súng ám sát, được giấu kỹ trong phần mặt khóa của một chiếc thắt lưng bình thường. Khi điệp viên nhấn một nút bí mật, một khẩu súng 2 nòng bắn đạn cỡ 22mm sẽ xuất hiện. Điệp viên nhấn thêm nút nữa và khẩu súng sẽ khai hỏa.

Tuy nhiên trong khi âm mưu đi đầu độc quân đồng minh, người Đức cũng đã nếm đòn đầu độc từ kẻ khác. Trong một tài liệu của Đức rơi vào tay đối phương hồi tháng 2 năm 1944 có nói rằng họ đang đối diện với một cuộc chiến đầu độc, với đối thủ là lực lượng kháng chiến Ba Lan. Phương thức của các du kích Ba Lan là trộn kem bôi dưỡng da Nivea với chất độc mù tạt và có vẻ như hoạt động đầu độc này đã diễn ra hết sức hiệu quả

Nam Phong (tổng hợp)
.
.
.