Anh hùng chống tham nhũng “xơi” hối lộ

Thứ Năm, 16/03/2017, 10:26
Cựu Tổng thống Alejandro Toledo một thời được người dân Peru thương mến, ca ngợi là anh hùng chống tham nhũng, nhưng nay ông bị Cảnh sát Peru truy nã quốc tế, bị cáo buộc ăn hối lộ 20 triệu USD.


Ngày 9-2 vừa qua, một tòa án ở Peru đã ký lệnh truy nã quốc tế và quốc nội đối với ông Toledo, 70 tuổi; đồng thời phê chuẩn đề xuất của ngành công tố: khi bắt được Toledo sẽ tạm giam ông 18 tháng để điều tra “khả năng cao ông ấy nhận hối lộ”. Quan tòa tuyên bố: “Dù từng là Tổng thống thì ông ấy cũng là đối tượng của pháp luật và có nhiều khả năng ông ấy dính líu đến chuyện rửa tiền, dùng tầm ảnh hưởng gồm bán công trình xây dựng đường cao tốc để nhận một khoản tiền đút lót”.

Cùng ngày, căn hộ của gia đình ông Toledo ở thủ đô Lima cũng bị ngành công tố và cảnh sát khám xét, tịch thu một số tài liệu, phim video, điện thoại di động và hơn 30.000 USD.

Ngày 10-2, Chính phủ Peru treo số tiền thưởng 30.000 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp bắt ông Toledo. Ông đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Stanford (Mỹ). Đấy cũng là nơi ông lấy bằng cao học Kinh tế. Người phát ngôn của đại học này nói ông Toledo không phải là nhân viên của trường,  nhưng là một học giả được cấp văn phòng và có quyền vào thư viện để nghiên cứu nhằm viết một cuốn sách về nền giáo dục ở Mỹ Latinh. Trường không trả lương, nhưng ông được hưởng một khoản thù lao từ công trình nghiên cứu này.

Ông Toledo và vợ khi đắc cử Tổng thống Peru.

Chính phủ Tổng thống Peru Pedro PabloKuzinski cho biết có thể ông Toledo đang ở San Francisco (Mỹ) và ông ấy có thể trốn qua Israel, nên họ đã liên lạc với nước này, vì ông Toledo có thể tranh thủ lợi thế quốc tịch kép Bỉ - Israel của vợ ông, bà Eliane Karp, để xin tị nạn ở Israel vốn không có thỏa thuận dẫn độ với Peru. Mỹ có thỏa thuận dẫn độ nên Peru đã đề nghị Mỹ và Israel hỗ trợ bắt ông Toledo về xét xử.

Trong khi đó, Cảnh sát Interpol phát mức cảnh báo đỏ đến 190 nước thành viên để truy nã và bắt giữ ông Toledo. Cuộc truy nã quốc tế diễn ra một ngày sau khi một quan tòa ra trát bắt ông Toledo, người bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền “khủng” 20 triệu USD của Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil) để họ được phép xây một tuyến đường xa lộ Brazil với bờ biển Peru.

Đây được xem là vụ tai tiếng tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latinh, và sự cáo buộc ông Toledo bắt đầu từ vụ tai tiếng khổng lồ của Công ty Dầu khí quốc gia Petrobras (Brazil). Ngành công tố Brazil phát hiện công ty này đã đút lót hàng tỉ USD cho các quan chức, chính khách tham nhũng suốt 10 năm. Các nhà thầu cũng nhận tiền hối lộ, như Oderbrecht đã bí mật lập một “tổ hối lộ” các chính khách Mỹ Latinh suốt nhiều năm.

Năm 2016, trong một thỏa thuận nhận tội (và được xử tội nhẹ) với Bộ Tư pháp Mỹ, “gã khổng lồ” Odebrecht đã thú nhận chi gần 800 triệu USD để hối lộ nhiều quan chức cấp cao của 12  chính phủ ở khu vực Mỹ Latinh. Các chính phủ này đã nhanh chóng buộc tội những quan chức “xơi bẩn”, nhưng ông Toledo là cựu Tổng thống đầu tiên bị truy nã.

Tại Peru, Oderbrech khai nhận đã đút lót 29 triệu USD từ năm 2005 đến 2014, để có được những hợp đồng xây dựng trong thời gian cầm quyền của ông Toledo và 2 tổng thống kế tiếp là ông Alan Garcia (từ năm 2006 đến 2011) và ông Ollanta Humala (từ năm 2011 đến 2016). 

Các khoản hối lộ giả định cho ông Toledo do “cò” Josef Maiman nhận việc chuyển tiền. Doanh nhân người Peru gốc Israel này được cho là bạn thân của vợ chồng Toledo. Ngành công tố Peru đang điều tra Maiman và Jorge Barata, cựu lãnh đạo nhánh Brazil  của Odebrecht. Lời khai của Barata đã kích hoạt cuộc điều tra ông Toledo.

“Rửa tiền” mua nhà cho mẹ vợ?

Ông Toledo phủ nhận các cáo buộc, nhưng ông không thể chứng minh nguồn gốc số tiền. Ông bảo đó là tiền vay của mẹ vợ, một công dân Bỉ được hưởng tiền đền bù của Chính phủ Đức, do bà là một nạn nhân người Do Thái  thoát chết khỏi lò hơi ngạt của phát xít Đức hồi Thế chiến 2.

Nhưng theo David Waisman, cựu Phó tổng thống của ông Toledo và là một thành viên nổi bật trong cộng đồng Do Thái ở Peru thì tuyên bố của “sếp cũ” là không đúng. Vị này nói: “Ông ta toàn nói những lời dối trá”.

Ban đầu, có tin ông Toledo sang Paris (Pháp) dự hội nghị và ở lại đó. Ông Toledo giận dữ bác bỏ cáo buộc với  các nhà báo Peru: “Cho tôi biết họ đưa tôi 20 triệu USD khi nào, ở đâu, như thế nào và tiền nằm trong ngân hàng nào”. Ông nói đây là “trò bẩn của các kẻ thù truyền thống”. Toledo nói ông sẵn sàng trở về Peru nếu nhý ðýợc bảo ðảm ðýợc xét xử công minh.

Luật sý của ông nói không cần tòa ra trát bắt, vì ông Toledo sẽ tự trình diện để thực hiện qui trình tố tụng, nhưng việc trát bắt mang tính ngăn chặn là quá đáng, là dấu hiệu của một chế độ chuyên quyền.

Luật sư nói sẽ khuyên ông khoan về nước để không phải đối mặt với “một hệ thống tư pháp không biết tha thứ”, và khẳng định ông Toledo sẽ không bỏ trốn, nhưng không cho biết ông đang ở đâu.

Bộ Tư pháp Peru cam kết ông Peru sẽ được xét xử công bằng. Tổng thống Kuczynski từng là Bộ trưởng Kinh tế và là Thủ tướng thời ông Toledo, đã kêu gọi vị cựu Tổng thống về nước.

Năm 2013, một cuộc điều tra ông Toledo được mở, sau cáo buộc ông Toledo làm giàu trái phép, sau đó nhờ mẹ vợ đứng tên mua nhà: tháng 9-2012, mẹ vợ Eva Fernenburg, (một công dân Bỉ) đã mua một ngôi nhà ở khu thượng lưu thủ đô Lima với giá gần 3,75 triệu USD, và mua một văn phòng với giá 882.400 USD.

Lúc đó, ông Toledo cũng nói mẹ vợ ông có thể mua ngôi nhà bằng tiền thừa kế và tiền đền bù của Chính phủ Đức cho bà. Sau đó, kênh truyền hình Panorama thực hiện cuộc điều tra, cho biết số tiền mua nhà chuyển cho bà Fernenburg là từ một công ty “ảo” ở Costa Rica (do mẹ vợ ông Toledo lập năm 2012) và một công ty “ảo” ở Panama và công ty này có liên quan đến doanh nhân Maiman, bạn ông Toledo.

Panorama cho rằng hai vụ mua nhà  và văn phòng có thể là một vụ “rửa tiền”. Sau đó, ông Toledo tuyên bố mẹ vợ ông mua được nhà là từ tiền tiết kiệm và vay tiền của Ngân hàng Scotiabank ở Costa Rica. Ông giải thích mẹ vợ mua nhà ở Peru vì muốn gần con gái và “để có thể cho thuê nhà”.

Ông còn nói sẽ tạo điều kiện để ngành công tố kiểm tra các bí mật tài khoản ngân hàng của ông. Các chính khách đối lập với ông Toledo cũng xin tòa cho công bố bí mật tài khoản ngân hàng của bà mẹ vợ ông Toledo.

Ông Toledo cũng đã giải trình trước Quốc hội Peru: ông công nhận gia đình có tính toán sai thời điểm mua nhà: “Có lẽ tôi phạm một sai lầm nhưng tôi không phải hạng người tham nhũng. Tôi minh bạch, không phải triệu phú và tôi luôn cảm thấy bình an”.

Ông Toledo nói tất cả tiền mua nhà đều hợp pháp, và ông “thề” sẽ rút lui khỏi diễn đàn chính trị, nếu có chứng cứ nào cho thấy ông sử dụng công ty “ảo” để chuyển tiền mua nhà. Toledo cho biết ông có một ngôi nhà ở Lima và một nhà nghỉ ở miền Bắc Peru, đều là tiền túi ông bỏ ra để mua trước khi nhận chức tổng thống.

Nếu như bị bắt giam, ông Toledo sẽ là cựu Tổng thống thứ hai của Peru bị ngồi tù, sau Tổng thống tiền nhiệm Alberto Fujimori, người đã bỏ trốn sang Nhật Bản khi bị điều tra tham nhũng hồi năm 2000. Sau này, ông Fujimori đã về nước với ý định tranh cử, nhưng lại bị bắt và đang thụ án 25 năm tù vì tội “rút ruột công quỹ” và sử dụng “biệt đội tử thần” Colina để truy diệt các tay súng nổi dậy trong 10 năm cầm quyền.

Trong 10 năm này, ông Fujimori đã thắng cuộc nội chiến đẫm máu ở Peru hồi những năm 1980 - 1990 khiến hơn 69.000 người chết, giải tán lực lượng du kích Con đường sáng.

Nhờ lên án tình trạng tham nhũng trong chính quyền Tổng thống Fujimori, ông Toledo đắc cử, trở thành Tổng thống Peru gốc da đỏ đầu tiên. Nhiều người dân Peru xem ông là người hùng chống tham nhũng, nên họ bị sốc trước khả năng hai kẻ kình địch cùng chịu cảnh tù đày.

Ông Toledo xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở dãy núi Andes, là con thứ 8 trong 16 anh chị em. Ngay từ bé, Toledo phải đi chăn cừu rồi bỏ nhà đi bụi đến thành phố cảng Chimbote, nơi cậu sống bằng công việc bán báo dạo và đánh giày.

Nhờ học giỏi ở trường công, Toledo được một suất học bổng ở Đại học San Francisco và lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Stanford.

Nhưng ngay cả khi có được vị trí cao ở Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Ngân hàng Thế giới, ông Toledo vẫn thường nói đùa rằng ông “có được bằng tiến sĩ trong cảnh cực kỳ nghèo”.

Ông Toledo từng hai lần không thành công với ý định tái tranh cử tổng thống vào năm 2011 và 2016, nhưng ông đã tính đến chuyện sẽ lại tái tranh cử lần thứ ba vào năm 2021, khi ông 74 tuổi. 

Anh Thái
.
.
.