Anh muốn thành lập lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh

Thứ Hai, 17/10/2016, 12:30
Vì có những phản ứng khác nhau nên kế hoạch thành lập lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh của Chính phủ Anh đang thu hút sự quan tâm của dư luận “xứ sở sương mù”.


Bởi một số chỉ huy cảnh sát phản đối kế hoạch này vì theo họ, từ trước tới nay, lực lượng cảnh sát vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình và luôn tới hiện trường một cách nhanh chóng. Do đó, không cần phải thành lập lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh.

Tuy nhiên tác giả của kế hoạch này lại coi việc thành lập lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh với khoảng 4.000 nhân viên, được tuyển chọn từ các đơn vị cảnh sát giao thông, cảnh sát bảo vệ cơ sở hạt nhân dân sự và Bộ Quốc phòng, để tăng cường bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu cấp quốc gia và đối phó hữu hiệu với nguy cơ tấn công khủng bố.

Cảnh sát Đức bao vây căn hộ tại quận Paunsdorf ở thành phố Leipzig, Đức, nơi trú ẩn của nghi phạm IS.

Và để mở rộng phạm vi hoạt động, lực lượng này sẽ tăng cường phối hợp với các đối tác châu Âu, đặc biệt là tại đường hầm qua eo biển Anh và một số cảng trên khắp “xứ sở sương mù”.

Những người ủng hộ kế hoạch này coi đây là lực lượng phản ứng nhanh với khả năng cơ động cao, thống nhất về thông tin liên lạc và có một sở chỉ huy chung điều phối mọi hoạt động tác chiến, để ngăn chặn nguy cơ khủng bố từng xảy ra ở Paris và Nice (Pháp) hay Munich (Đức).

Theo giới truyền thông, kế hoạch thành lập lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh đang được Ủy ban các vấn đề đối nội trực thuộc Nội các và các chỉ huy cảnh sát nghiên cứu, xem xét.

Trong khi đó, người phát ngôn của cảnh sát Đức thông báo, lực lượng này phải sơ tán và phong tỏa một ga tàu hỏa ở thị trấn Rastatt, thuộc bang Baden - Wurttemberg, sau khi nhận được đe dọa đánh bom tại khu vực này.

Lời đe dọa được đưa ra lúc 9 giờ 15 sáng 11-10 (theo giờ địa phương) và hiện cảnh sát vẫn chưa phát hiện được manh mối khả nghi nào, trong khi chuyên gia về chất nổ, cùng chó nghiệp vụ đang lục soát tại ga tàu kể trên.

Việc này diễn ra sau khi Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang (BfV) cho biết, nghi can khủng bố Jaber Albakr, vừa bị cảnh sát Đức bắt ở thành phố Leipzig từng có kế hoạch tấn công sân bay ở thủ đô Berlin dưới sự chỉ đạo của IS.

Giám đốc BfV Hans-Georg Maassen cho biết, họ nhận được tin nói rằng, Jaber Albakr dự định tấn công vào tàu điện ở Đức, nhưng tên này muốn tấn công vào các sân bay ở Berlin. Jaber Albakr bị bắt hôm 10-10 tại thành phố Leipzig, đã đăng ký tị nạn tại thành phố Munich ngày 18-2-2015, sau đó được đưa tới Chemnitz.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, nghi can này có thể đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công khủng bố giống như đã xảy ra ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ).

Trước đó, ông Thomas de Maizere công bố báo cáo, theo đó tính đến hết tháng 12-2015, chỉ có 890.000 người tới Đức xin đăng ký tị nạn, giảm so với con số thống kê hồi tháng 1-2016 là trên 1,1 triệu người di cư.

Được biết, cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở của Jaber Albakr và phát hiện một lượng chất nổ cực mạnh lên tới 1,5kg cùng nhiều vật liệu có thể chế tạo áo vét gài chất nổ.

Sau khi phát hiện Jaber Albakr, 22 tuổi, chế tạo bom ở Chemnitz, cảnh sát đã tổ chức vây bắt ở thành phố này, nhưng đối tượng đã trốn thoát và bị bắt hôm 10-10. Thủ tướng Angela Merkel đã đánh giá cao lực lượng cảnh sát và an ninh trong việc vây bắt Jaber Albakr.

Cùng ngày 11-10, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha thông báo, cảnh sát nước này vừa bắt 3 đối tượng có liên quan đến IS. Kể từ đầu năm đến nay, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt tổng cộng 37 đối tượng tình nghi có quan hệ với IS.

Trước đó (9-10), tờ Le Journal du Dimanche đưa tin, cảnh sát và cơ quan tình báo Pháp đã lập một hồ sơ mang tên "Danh sách nhận biết nhằm phòng ngừa sự cực đoan hóa có tính chất khủng bố" (FSPRT) bao gồm 15.000 đối tượng Hồi giáo cực đoan cần theo dõi.

Cảnh sát Anh thực thi nhiệm vụ.

Hồ sơ FSPRT được lập từ tháng 3-2015 với những cơ sở dữ liệu cập nhật hơn để đưa vào diện theo dõi các đối tượng Hồi giáo cực đoan là người Pháp hay những người cư trú trên lãnh thổ Pháp. Đối tượng nằm trong danh sách FSPRT được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Được biết, trong số 15.000 đối tượng kể trên có 4.000 người cần theo dõi đặc biệt vì họ có thể chuyển sang "hành động" với các hành vi khủng bố tàn bạo. Và họ được giao cho Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) theo dõi.

Những đối tượng ít nguy hiểm hơn sẽ được giám sát bởi Cơ quan Trung ương Tình báo lãnh thổ (SCRT). Còn những kẻ ít nguy hiểm nhất được giao cho cảnh sát tư pháp, cảnh sát địa phương và lực lượng hiến binh phụ trách.

Mạnh Phong
.
.
.