Arab Saudi mạnh tay chống tham nhũng

Chủ Nhật, 12/11/2017, 11:35
"Vụ bắt giữ hôm 4-11 không đại diện cho sự bắt đầu, mà chỉ là hoàn thành giai đoạn 1 của chiến dịch chống tham nhũng của chúng tôi", Bộ trưởng Tư pháp Sheikh Saud Al Mojeb khẳng định khi được hỏi về vụ bắt giữ nhiều nhân vật "tai to mặt lớn" với cáo buộc tham nhũng. Đồng thời khẳng định, cuộc điều tra đối với những người bị bắt sẽ được tiến hành thận trọng và họ đang bị thẩm vấn.


Ông Sheikh Saud Al Mojeb cũng cho biết, tuy là hoàng tử và quan chức cấp cao, nhưng họ không được nhận bất kì sự đối xử ưu đãi nào ngoài việc gặp luật sư. Theo tờ Daily Mail, khách sạn 5 sao Ritz Carlton Hotel ở Riyadh đã trở thành nơi giam giữ những người bị bắt.

Arab Saudi đang chấn động sau khi 11 hoàng tử (cùng nhiều Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng) bị bắt từ hôm 4-11 với cáo buộc tham nhũng và đây là việc chưa từng có trong lịch sử nước này. Trong số 11 hoàng tử bị bắt có tỷ phú giàu nhất Arab Saudi Alwaleed bin Talal, người được mệnh danh là "Bill Gates hay Warren Buffet của thế giới Arab".

Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng mới của Arab Saudi.

Công ty Đầu tư Kingdom Holding, một trong những công ty lớn nhất Arab Saudi đã mất tới 9,9% giá trị cổ phiếu khi thị trường mở cửa hôm 5-11, sau khi hoàng tử Alwaleed bin Talal bị bắt. Sau khi bị bắt, khối tài sản hơn 17 tỷ USD của hoàng tử Alwaleed bin Talal đã mất tới 1,2 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán Arab Saudi bị biến động mạnh và sụt giảm nhiều nhất phải kể đến cổ phiếu của các công ty của hoàng tử Alwaleed bin Talal như Kingdom Holding hay Al Tayyar Travel.

Việc này diễn ra sau khi Ủy ban Chống tham nhũng được thành lập và do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu. Theo giới truyền thông, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud tuyên bố thành lập Ủy ban Chống tham nhũng, 11 hoàng tử, cùng nhiều Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng của nước này đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng.

Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud cho biết, Ủy ban Chống tham nhũng được thành lập để đối phó với những người có dính líu tới tham nhũng. Thành viên của Ủy ban Chống tham nhũng gồm Chủ tịch Ủy ban Giám sát & Điều tra, Chủ tịch Cơ quan Chống Tham nhũng Quốc gia, Bộ trưởng Kiểm toán, Tư pháp và An ninh.

Hoàng tử Miteb bin Abdullah, người vừa bị cách chức chỉ huy lực lượng Vệ binh quốc gia bị cáo buộc tham ô, lạm quyền để giành các hợp đồng béo bở cho mình như mua máy bộ đàm, mua thiết bị chống đạn cho quân đội trị giá hàng tỉ USD.

Theo tờ Aljazeera, doanh nhân Nasser bin Aqeel al-Tayyar, người sáng lập công ty du lịch Al Tayyar Travel vừa bị bắt hôm 6-11 và cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản của các nghi phạm. Còn theo tờ Al-Asharq Al-Awsat, danh sách cấm bay đã được ban hành, trong đó nêu rõ danh tính của những cá nhân không được rời phép khỏi Arab Saudi.

Ngoài ra, lực lượng an ninh ở các sân bay cũng được yêu cầu không cho phép những người có máy bay tư nhân rời khỏi đất nước mà không có giấy phép. Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng Khalid bin Abdulmohsen Al-Mehaisen cho biết, họ có quyền tiết lộ thông tin về tài khoản ngân hàng của các nghi phạm, đóng băng tài sản và những khoản tiền của họ, cũng như thực hiện nhiều biện pháp thích hợp khác để phục vụ công tác điều tra.

Đồng thời xác nhận, các nhà điều tra đã thu thập bằng chứng trong 3 năm qua và chính phủ đang chuẩn bị mở rộng chiến dịch truy quét lớn xung quanh vấn đề này.

Theo kênh truyền hình Al-Arabiya, vụ bắt giữ diễn ra sau khi Ủy ban Chống tham nhũng tái điều tra hàng loạt vụ việc như trận lụt tàn phá thành phố Jeddah năm 2009. Theo nhận định của ông Robert Jordan, cựu Đại sứ Mỹ tại Arab Saudi, công tác chống tham nhũng được đẩy mạnh có tác dụng nâng cao uy tín của Thái tử Mohammed bin Salman, khi ông thực hiện cải cách kinh tế.

Được biết, chương trình cải cách kinh tế "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman được phần đông thanh niên ủng hộ, nhưng lại không được lòng những thế hệ cao tuổi vốn ủng hộ truyền thống quyền lực dựa trên đồng thuận của hoàng gia.

Thái tử Mohammed bin Salman tuy mới 32 tuổi, nhưng được coi là nhân vật nắm quyền lực lớn thứ hai, chỉ sau Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud. Theo giới truyền thông, Thái tử Mohammed bin Salman muốn cổ phần hóa những tập đoàn nhà nước lớn như Aramco, đồng thời tăng cường tài sản và quỹ dự trữ quốc gia và muốn đầu tư 500 tỷ USD cho một siêu đặc khu hành chính, rộng hơn 20.000km2 bên bờ Biển Đỏ.

Cái chết của hoàng tử Abdul Aziz được truyền thông Arab Saudi đăng tải sau khi giới chức nước này xác nhận về việc qua đời của hoàng tử Mansour bin Muqrin (thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng hôm 5-11). Tuy nguyên nhân dẫn tới cái chết đột ngột của hoàng tử Abdul Aziz vẫn chưa được xác định, nhưng theo một số nguồn tin, ông đã chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát khi tìm cách chống lại lệnh bắt giữ hôm 6-11.
Phạm Huy Anh
.
.
.