Australia:

Mạnh tay với tội phạm xuyên quốc gia

Chủ Nhật, 13/05/2018, 16:00
Ủy ban Tội phạm Australia từng cảnh báo, các loại hình tội phạm có tổ chức đã gây thiệt hại cho đất nước chuột túi khoảng 27,14 tỷ USD/năm, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó vào khoảng 11,31 tỷ USD/năm. 

Và hiện các cơ quan cảnh sát, an ninh nước này đang phải đối phó với các loại hình tội phạm chưa từng xuất hiện trước đây, và 70% trong đó là mối đe dọa đến từ tổ chức tội phạm có tổ chức đặt cơ sở ở nước ngoài, hoặc có mối liên hệ chặt chẽ với nước ngoài. 

Để đối phó có hiệu quả với vấn nạn kể trên, ngày 2-5, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã quyết định bổ nhiệm Phó Chỉ huy Cảnh sát Liên bang Karl Kent làm Trưởng bộ phận Điều phối chống tội phạm có tổ chức, nghiêm trọng và xuyên quốc gia. 

Ông Karl Kent.

Và cơ quan mới được thành lập nằm dưới sự lãnh đạo của Bộ Nội vụ. Theo giới truyền thông, việc thành lập cơ quan mới để tăng cường hoạt động điều tra chống lại các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Bởi Australia đang phải đối mặt với nhiều cảnh báo ngày càng gia tăng về bóc lột trẻ em, tội phạm mạng, buôn lậu ma túy, rửa tiền... 

Phát biểu tại lễ bổ nhiệm ông Karl Kent, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nhấn mạnh, các cơ quan cảnh sát và an ninh Australia đang phải đối phó với nhiều loại hình tội phạm chưa từng có tiền lệ. Do đó, ông Karl Kent có nhiệm vụ tập hợp và điều phối hoạt động của các cơ quan thuộc liên bang, bang và vùng lãnh thổ, kể cả khu vực tư nhân, trong đó có Cảnh sát Liên bang Australia, Ủy ban Tội phạm Australia. 

Ngoài ra, ông Karl Kent còn được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm Liên bang Australia chống bóc lột trẻ em. Gần nửa năm trước (29-11-2017), cảnh sát từng buộc tội 2 thiếu niên sử dụng súng và chất nổ, chuẩn bị tấn công một ngôi trường trong khu vực Riverland, và có ý định làm hại nhiều người.

Quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Malcolm Turnbull diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton vừa cảnh báo về nguy cơ khủng bố sử dụng công nghệ cao. Bởi việc sử dụng các ứng dụng tin nhắn mã hóa để lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công khủng bố là mối đe dọa lớn nhất mà các cơ quan chức năng đang phải đối mặt, nên cần có các biện pháp phòng chống thống nhất và toàn diện. 

Theo ông Peter Dutton, sẽ là một sai lầm nếu chỉ tập trung đối phó với mối đe dọa khủng bố trong phạm vi quốc gia mình, trong khi khủng bố và bạo lực cực đoan đã vượt ra ngoài biên giới các nước. Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton vẫn đang tiếp tục làm mọi cách để Thượng viện ủng hộ đối với đề xuất sửa luật quốc tịch vốn gây nhiều tranh cãi. 

Được biết, trước khi được Thủ tướng Malcolm Turnbull bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, ông Peter Dutton là Bộ trưởng Nhập cư, nên rất quan tâm tới vấn đề này. Và theo ông Peter Dutton, nếu luật quốc tịch được sửa đổi theo đề xuất của Bộ Nội vụ, cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn trong việc phòng chống các loại tội phạm xâm nhập vào Australia. 

Thủ tướng Malcom Turnbull cũng muốn siết chặt việc đăng ký nhập cư mới, được áp dụng đối với những người nộp đơn từ tháng 4-2018. Theo đó, mỗi cá nhân muốn nộp đơn bảo lãnh cho cha mẹ tới định cư tại Australia phải có mức thu nhập từ 86.606 AUD/năm thay vì mức 45.185,4 AUD/năm như trước đây.

Gần 2 năm trước (25-7-2016), Thủ tướng Malcolm Turnbull từng công bố một số biện pháp nhằm siết chặt Luật Chống khủng bố, trong đó cho phép các cơ quan chức năng giam giữ vô thời hạn đối với những phần tử bị buộc tội liên quan tới khủng bố, nếu họ bị cho là còn tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội sau khi mãn hạn tù. 

Cảnh sát chống khủng bố của Australia.

Sau đó (18-7-2017), Thủ tướng Malcolm Turnbull đã coi việc thành lập Bộ Nội vụ là sự thay đổi lịch sử nhằm giải quyết vấn đề khủng bố. Bởi Bộ Nội vụ được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất của 3 cơ quan tình báo nội địa, lực lượng biên phòng và cảnh sát liên bang nhằm đối phó hiệu quả hơn với mối đe dọa khủng bố, đặc biệt từ “sói đơn độc”. 

Ngoài ra, Australia cũng muốn xây nhà tù riêng để cách ly các phần tử khủng bố, cũng như ngăn chặn sự lan truyền tư tưởng cực đoan. Tổng Chưởng lý George Brandis từng tuyên bố, việc giam giữ vô thời hạn đối với những kẻ bị kết án liên quan tới khủng bố sau mãn hạn sẽ do tòa quyết định và giám sát. 

Gần 2,5 năm trước (11-12-2015), tại cuộc họp với các thủ hiến bang và bộ trưởng chủ chốt ở thành phố Sydney, Thủ tướng Malcolm Turnbull từng đề xuất giam giữ, cách ly vô thời hạn đối với những đối tượng bị buộc tội khủng bố. 

Giới chuyên môn cũng rất quan tâm tới động thái trao thêm quyền cho cảnh sát - được phép bắn hạ những kẻ tình nghi trong các vụ việc có liên quan tới khủng bố, ngay cả khi các đối tượng này không gây ra mối đe dọa tức thời.

Thiện Lân
.
.
.