Australia muốn kiểm soát súng

Thứ Năm, 26/10/2017, 15:45
"Nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ của Thủ tướng John Howard hơn 20 năm trước, Australia đã có bộ luật kiểm soát súng chặt chẽ nhất thế giới và chúng ta phải luôn thận trọng để duy trì bộ luật này", Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố tại cuộc họp báo ở thành phố Sydney, bang New South Wales hôm 3-10.


Đồng thời cho biết, Hội đồng đặc biệt của nội các sẽ thảo luận các phương pháp nhằm "tăng cường hơn nữa và làm hài hòa" phản ứng của Chính phủ đối với những mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và các vụ giết người hàng loạt.

Thủ tướng Malcolm Turnbull còn nhấn mạnh, Australia phải cảnh giác hơn bao giờ hết để duy trì luật kiểm soát súng chặt chẽ ở nước này.

Ông Malcolm Turnbull cũng vừa thông báo, hơn 51.000 khẩu súng (sẽ bị tiêu hủy thời gian tới), chiếm 1/5 số súng bị sở hữu trái phép ở Australia, đã được giao nộp cho nhà chức trách lần đầu tiên trong 20 năm qua theo một luật ân xá về súng đạn kéo dài 3 tháng (từ ngày 1-7 đến 30-9) và kết thúc hôm 6-10.

Theo ông Malcolm Turnbull, các đạo luật khắt khe về cấm sở hữu súng đạn được áp dụng ở Australia đã hạn chế đáng kể nguy cơ xảy ra các vụ xả súng giết người hàng loạt tương tự như tại TP Las Vegas, Mỹ khiến gần 600 người thương vong.

Tiến sĩ Wayne Petherick, Phó giáo sư ngành tội phạm học tại Đại học Bond ở Gold Coast, Australia cũng cảnh báo nguy cơ xả súng tiếp diễn sau vụ việc ở Las Vegas, Mỹ.

Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Theo giới truyền thông, Australia cấm vũ khí tự động và bán tự động năm 1996 theo Thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc gia do cựu Thủ tướng John Howard đưa ra.

Việc này diễn ra sau khi hung thủ Martin Bryant cướp đi sinh mạng của 35 người trong vụ xả súng ở Port Arthur, bang Tasmania năm 1996. Và từ đó đến nay, Australia không xảy ra một vụ xả súng giết người nào.

Nhưng theo báo cáo mới đây của Tổ chức Kiểm soát súng cho thấy, không bang nào tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận này - dù những điều khoản quan trọng nhất của thỏa thuận được duy trì.

Cựu Phó thủ tướng Tim Fischer vừa cảnh báo, Australia đang có nguy cơ "buông lỏng" luật kiểm soát súng. Cảnh báo của ông Tim Fischer được đưa ra sau khi có ý kiến cho rằng, các chủ sở hữu vũ khí hợp pháp đang bị kiểm soát quá mức.

"Liệu chúng ta có muốn nhập khẩu các thuật ngữ của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ? Tôi chắc chắn sẽ phản đối điều đó", ông Tim Fischer nhấn mạnh.

Gần 20 ngày trước (5-10), tại Hội nghị an ninh quốc gia diễn ra ở Canberra, lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã nhất trí thông qua các đề xuất sửa đổi luật để chống khủng bố có hiệu quả do Thủ tướng Malcolm Turnbull đề xuất.

Theo đó, tạm giam các đối tượng tình nghi khủng bố trong 14 ngày trước khi có cáo buộc, đồng thời bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia của nước này những thông số sinh trắc học. Theo ông Malcolm Turnbull, việc tạm giam các nghi phạm trong thời gian thu thập chứng cứ là quan trọng.

Và việc chuẩn hóa luật này trên toàn liên bang sẽ mang lại cho cảnh sát và các cơ quan chức năng công cụ quan trọng, cần thiết để nhanh chóng xác định được đối tượng tình nghi. Lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ cũng nhất trí bổ sung ảnh chụp bằng lái xe vào dữ liệu quốc gia.

Quan chức cảnh sát hàng đầu về chống khủng bố Mark Murdoch cảnh báo, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công lớn ơ nơi này là "không thể tránh được và mọi chuyện đều có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào".

Theo ông Mark Murdoch, bọn khủng bố có thể hoạt động theo kiểu "sói đơn độc", theo từng nhóm nhỏ, sử dụng vũ khí đơn giản như dao, súng cầm tay hay ôtô. Được biết, cảnh sát sẽ được phép bắn hạ những nghi can trong các vụ việc có liên quan tới khủng bố, kể cả khi họ không gây ra mối đe dọa tức thời.

Trước đó, ông Malcolm Turnbull đã cho phép các cơ quan chức năng giam giữ vô thời hạn những phần tử bị buộc tội liên quan tới khủng bố, nếu họ bị cho là còn tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội sau khi mãn hạn tù.

Ngày 19-10, Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 3 triệu người dân Mỹ mang theo súng ngắn hằng ngày, 9 triệu người mang theo loại vũ khí nguy hiểm này ít nhất 1 lần trong tháng, trong đó hầu hết là nam thanh niên sống ở miền Nam "để tự vệ". 

Đáng chú ý, chỉ 80% trong số những người sở hữu súng ngắn có giấy phép. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trong 20 năm qua về thói quen mang súng ngắn tại Mỹ. 

Phó Giáo sư chuyên ngành dịch tễ học Ali Rowhani-Rahbar đang làm việc tại Viện Sức khỏe Cộng đồng, Đại học Washington, đứng đầu nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu hành vi mang súng ngắn của người dân Mỹ khi các vụ phạm tội liên quan tới súng ngắn chiếm tới 90% số vụ giết người bằng súng và tội phạm liên quan tới súng, nhưng chưa gây chết người.

Trọng Hậu
.
.
.