"Bói gà" chính trị thế giới

Thứ Hai, 06/02/2017, 10:20
Chuyện gì sẽ xảy ra trong năm 2017?, là câu hỏi của báo International Business Times (Mỹ) và dẫn nhận định của một số chuyên gia chính sách đối ngoại cảnh báo rằng có rất nhiều điều đáng lo ngại trong năm Con Gà.


Khi được mời dự báo “Năm Gà”, các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi, chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ và các vấn đề quốc tế) đề cập có những kịch bản nghiêm trọng trong năm 2017 là nguy cơ xung đột quân sự cố tình hoặc vô tình, giữa Nga và các nước thành viên NATO “từ việc Nga có những hành vi hung hăng ở Đông Âu”, cùng một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở CHDCND Triều Tiên.

Những nỗi sợ hãi khác gồm việc cơ sở hạ tầng Mỹ bị tấn công mạng, một cuộc tấn công khủng bố xảy ra ngay trên đất Mỹ, Chính phủ Afghanistan sụp đổ và xảy ra nội chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các sự kiện này thuộc nhóm các sự kiện có thể tác động mạnh đến Mỹ vốn có thể phải chịu đựng nhiều vụ tấn công khủng bố cấp độ lớn ngay trên lãnh thổ Mỹ, gồm nguy cơ các cơ sở hạ tầng nhạy cảm của Mỹ bị tấn công mạng để gây rối loạn.

Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ - Iran cũng hứa hẹn sẽ là một chủ đề nóng, không chỉ vì tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thề sẽ “giật sập” thỏa thuận hạt nhân mà chính phủ Obama đạt được với Iran, mà còn vì sẽ có cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 5-2017. Nói chung, chính phủ Trump sẽ có thể đi đến “một cuộc đối đầu thường trực”, theo nhà báo nữ Margaret Brennan chuyên về mảng đối ngoại của Hãng tin CBS News (Mỹ).

Tình hình năm 2017 cũng sẽ xoay quanh những sự kiện ở châu Âu. Như đến cuối tháng 3, Chính phủ Anh có thể kích hoạt điều khoản 50, mở đầu giai đoạn 2 năm cho chương trình Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU).

Cũng trong tháng 3, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở Hà Lan, nơi ứng viên cực hữu chống Hồi giáo Geert Wilders có nhiều khả năng trở thành thủ tướng dù bị cáo buộc kích động kỳ thị chủng tộc. Qua tháng 4 là cuộc bầu cử tổng thống Pháp với thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen là ứng cử viên hàng đầu.

Đến tháng 10 sẽ là cuộc bầu cử quốc hội Đức, vào lúc nữ Thủ tướng Angela Merkel (từng là một thế lực tạo ổn định trong chính trường châu Âu) đang chịu nhiều sức ép, nhất là sức ép từ đảng Thay đổi nước Đức vốn chống dân nhập cư.

Các chuyên gia cũng bày tỏ sự quan ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên, từ chuyện Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. 

Vào tháng 10-2016,  James R. Clapper, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NSA) nói dù bị quốc tế cấm vận nặng, CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa gắn đầu đạn phóng thẳng qua Mỹ. Ông nói: “Tôi cho rằng sẽ không có chuyện Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tấm vé để họ sống sót”. Ông cũng nói Nga dư khả năng bắn hạ máy bay Mỹ ở nội chiến Syria, khi Nga đứng về phía chính phủ Tổng thống Syria Bashar Assad trong khi Mỹ “chống lưng” cho quân nổi dậy.

Quan hệ NGA - NATO Sẽ Vỡ TAN?

Theo báo Russia beyond the headlines (Nga), các chuyên gia Nga cũng nói có 4 kịch bản xung đột giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) dưới đây:

1- Xung đột quân sự ở các nước vùng biển Baltic

Rất có khả năng xảy ra vì quân NATO trú đóng ở Đông Âu. Nhà nghiên cứu Pyotr Topychkanov thuộc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) lưu ý: “Vì kề cận nhau, các lực lượng quân sự có thể đánh nhau vì một sai lầm hoặc là hậu quả của một sự khiêu khích”. Ông cho rằng trong kịch bản này, nếu Nga đánh Latvia thì phương tây sẽ phải quyết có nên sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông nói có thể xảy ra kịch bản này nhưng cũng “cực kỳ không thể vì cả Nga lẫn phương Tây không muốn bùng nổ một cuộc chiến tranh ở châu Âu”.

Chuyên gia Alexei Fenenko ở Viện An ninh thế giới (thuộc Viện  Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng có thể nghĩ đến chuyện Nga đánh các nước vùng biển Baltic, nếu NATO toan bao vây Kaliningrad, vùng đất thuộc Nga nằm giữa các nước vùng Baltic.  

2- Nga - NATO đụng trận ở Syria

Nội chiến ở quốc gia này có thể tăng cao, nếu các nước phương Tây quyết chuyển những đe dọa Tổng thống Assad thành hành động và bắt đầu các chiến dịch quân sự chống lại quân Chính phủ Syria. 

Các nhà phân tích nói trong trường hợp này, có thể xảy ra chuyện xung đột quân sự với binh lính Nga “chống lưng” cho Tổng thống Assad. Nhưng theo chuyên gia quân sự Anatoly Tsyganok thuộc khoa Chính trị thế giới ở Đại học Moscow, chuyện này cũng “cực kỳ không thể xảy ra trong vài tháng tới”. 

Ông giải thích trong tương lai gần, chính quyền Mỹ sẽ “chuyển giao các vấn đề” cho tân Tổng thống Donald Trump, người sẽ không có thời gian giải quyết chuyện Syria. Kế nữa là mùa bão bụi sẽ bắt đầu ở Syria. Vì những lý do này, nếu có leo thang xung đột thì sẽ không thể xảy ra trước tháng 3-2017.

Chuyên gia quân sự độc lập Alexander Golts cũng gắn tình hình Syria với sự đổi chủ Nhà Trắng. Ông Trump luôn nói cần xem xét lại chính sách đối ngoại của Washington, nên hiện rất khó dự báo các hành động của ông Trump, một trong những vị Tổng thống Mỹ khó đoán trước được của thời hiện đại.

Chuyên gia Golts cho rằng các nhà phân tích Mỹ nói đến nguy cơ xung đột quân sự ở Đông Âu là dựa theo nhận định chống Nga của họ, và các nhận định này nằm trong những chính sách của Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama. Nhưng tình hình chính trị hiện thay đổi đáng kể khi ông Trump trúng cử. Ông đã chọn một ứng viên Ngoại trưởng thân Nga, hứa sẽ cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Nga và với CHDCND Triều Tiên, nên ông bị chỉ trích quá thân với Điện Kremlin cũng như việc ông chỉ trích NATO, đòi khối này phải tự bỏ tiền ra tự vệ.

3- Leo thang căng thẳng vì chuyện Ukraine

Nhưng khả năng leo thang này giữa Nga và NATO không cao, chính từ xung đột ở đông Ukraine: Nga đã chính thức phủ nhận sự hiện diện của quân nhân Nga ở khu vực này. Các lý do chính trị cũng giữ phần quan trọng: Đức và Ukraine (hai trong những nước tham gia cuộc thương lượng 4 bên để giải quyết xung đột đông Ukraine) sẽ sớm tổ chức bầu cử tổng thống. Trong điều kiện này, họ không muốn leo thang căng thẳng xung đột ở Ukraine.

4- Những cuộc tấn công mạng

Các nhà phân tích Nga cho rằng một trong những kịch bản gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga - NATO không liên quan địa lý, mà là những đe dọa chiến tranh mạng. Gần đây, chính phủ Obama liên tục tố cáo tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để ông Trump đắc cử. Ông Topychkanov nói rất có thể xảy ra chiến tranh mạng giữa Nga với NATO, như đã thường xuyên xảy ra giữa Ấn Độ với Pakistan.

Trung Trực (tổng hợp)
.
.
.