BRICS sẽ cứu giúp Hy Lạp?

Thứ Ba, 07/07/2015, 09:00
Chiều 1/7 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, trong đó kêu gọi người dân Hy Lạp nói "không" với cuộc trưng cầu ý dân - nói "không" với sức ép của các chủ nợ quốc tế, dự kiến diễn ra vào ngày 5/7.

"Họ đã khiến các ngân hàng đóng cửa do Chính phủ Hy Lạp muốn trao quyền phán quyết cho người dân của mình", ông Alexis Tsipras nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, việc bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu không đồng nghĩa với việc muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Ông Alexis Tsipras cũng phê phán những cáo buộc cho rằng, cá nhân Thủ tướng và Bộ Tài chính Hy Lạp muốn đưa Athens ra khỏi Eurozone.

Thủ tướng Hy Lạp cam kết, sẽ không để tình hình hiện nay tiếp tục kéo dài và người hưởng lương, người nhận lương hưu hay các tài khoản tiết kiệm sẽ không bị mất tiền của mình.

Giới truyền thông Đức dẫn lời phê phán của ông Alexis Tsipras đối với 3 chủ nợ quốc tế, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - bởi họ đã gây ra tình trạng hiện nay ở Hy Lạp. Trong khi đó, tờ The Financial Times cho biết, Thủ tướng Alexis Tsipras đã viết thư tới 3 chủ nợ kể trên cùng tuyên bố, sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của gói cứu trợ tài chính được công bố hôm 28/6, với một số điều kiện đi kèm. Theo đó, giữ nguyên việc giảm trừ thuế giá trị gia tăng (VAT), hoãn tăng lương hưu, hoãn việc cắt giảm dần tiền trợ cấp cho những đối tượng đang thụ hưởng.

Người dân chờ rút tiền tại ngân hàng.

Về phần mình, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis khẳng định (1/7), Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể trụ vững trước hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp do đã triển khai các biện pháp trong mấy năm qua để củng cố khối này. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng trấn an rằng, tương lai của châu Âu sẽ không bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Bà Angela Merkel cũng cho biết, Đức sẵn sàng khôi phục đàm phán về cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, nhưng sẽ không tiến đến thỏa thuận bằng mọi giá. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng, đề nghị của Hy Lạp "không thể là nền tảng cho các giải pháp nghiêm túc", do thiếu "sự rõ ràng".

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ quan ngại trước tiến triển chậm chạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Còn nước Anh đã hối thúc một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh, London đã chuẩn bị "cho tình huống xấu nhất" và sẵn sàng bảo vệ an ninh kinh tế của xứ sở sương mù sau khi Hy Lạp không trả nợ đúng hạn cho IMF.

Phát biểu sau cuộc họp hôm 1/7, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselboem cho biết, sẽ không có cuộc đàm phán nào trong những ngày tới bởi họ chờ kết quả bỏ phiếu của Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Slovakia Peter Kazimir cũng thông báo, các Bộ trưởng tài chính Eurozone đã nhất trí không thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cho tới khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân của nước này về gói cứu trợ gây tranh cãi.

Hãng AFP cho biết, hội đồng điều hành ECB đã quyết định không nâng trần quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của Hy Lạp, và chỉ can thiệp nếu cần thiết. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Washington đang giám sát chặt chẽ tình hình Hy Lạp và sẽ tiếp tục hối thúc tất cả các bên hỗ trợ đưa Athens vào con đường tăng trưởng trong Eurozone.

Theo giới truyền thông, nếu đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu chống lại đề nghị của các chủ nợ thì Athens chỉ còn con đường bỏ đồng euro và khẩn cấp thay thế bằng đồng nội tệ drachma trước đây. Việc ra khỏi Eurozone sẽ là thảm họa cho Hy Lạp. Ngân hàng Hy Lạp đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm có thể diễn ra sau đó - suy thoái trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập giảm mạnh, các khoản tiền tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá, và Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế…

Giới chuyên môn quan tâm tới việc Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua (1-7) thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Theo đó, NDB sẽ có vốn ủy quyền ban đầu là 100 tỷ USD và vốn góp ban đầu 50 tỷ USD sẽ được phân bổ đều cho các thành viên sáng lập, sẽ cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khối này và các nền kinh tế đang phát triển khác. Và Hy Lạp có thể được BRICS hỗ trợ trong tình cảnh hiện nay. Bởi trước đó Hy Lạp được mời tham gia với tư cách thành viên của Ngân hàng Phát triển BRICS.

PV
.
.
.