Bắn chết bạn gái đúng ngày Lễ tình nhân

Thứ Tư, 11/03/2015, 18:00
Thêm một ngày Lễ tình nhân nữa đã đến, Oscar Pistorius, hung thủ của vụ giết hại bạn gái viết tâm thư trong tù nói rằng, bi kịch Lễ tình yêu tháng 2 năm 2013 sẽ ám ảnh anh đến hết phần đời còn lại. Nhưng trong bối cảnh xã hội đầy bạo lực ở Nam Phi mà nạn nhân phần lớn là phụ nữ như người mẫu Reeva Steenkamp, đó đâu phải là bi kịch của duy nhất mình anh ta?

Chiến thắng bản thân

Sinh ngày 22 tháng 11 năm 1986 tại Nam Phi, tuổi thơ của Oscar Pistorius trải qua những ngày tháng cơ cực và đau đớn của bệnh tật bởi khi 11 tháng tuổi, căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi chân của Oscar Pistorius khiến anh và cả gia đình suy sụp. Lớn lên bằng đôi chân giả nhưng Oscar Pistorius đã nỗ lực hết mình để trở thành một người tàn nhưng không phế.

Oscar Pistorius đã tham gia vào các câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật và đã đạt nhiều giải thưởng thứ hạng cao. Sau khi đạt giải cao nhất trong thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật, Oscar Pistorius đã thường xuyên tham gia vào các đấu trường quốc tế để chứng minh rằng anh không phải là một người bỏ đi, sống vô ích trên cuộc đời này.

Những thành tích, những giải thưởng đã chứng minh năng lực cũng như con người của Oscar Pistorius. Anh trở nên nổi tiếng và cũng giống như những người nổi tiếng khác, Oscar Pistorius có rất nhiều người hâm mộ nhất là những cô gái trẻ. Họ hâm mộ Oscar Pistorius bởi anh là một người có lòng quyết tâm cao, sự kiên trì và biết vượt lên chính mình.

Trong số những cô gái hâm mộ, Oscar Pistorius đã chọn cho mình được một người mà theo anh là hoàn hảo bởi họ hợp nhau từ tính cách để sở thích cũng như lối sống. Cũng giống như bao cặp tình nhân khác, họ hạnh phúc bên nhau, dành cho nhau những ngọt ngào của tình yêu.

Cuộc sống hạnh phúc cứ thế trôi đi cho đến một ngày mà đáng nhẽ ra ngày đó những cặp yêu nhau phải dành cho nhau những gì ngọt ngào nhất, hạnh phúc nhất thì với Oscar Pistorius và bạn gái của mình, đó lại là ngày đen tối nhất của cuộc đời.

Bi kịch

Oscar Pistorius và Reeva Steenkamp đã hẹn hò để kỷ niệm ngày Lễ tình nhân 14 tháng 2 năm 2013 và ngay buổi sáng của ngày Lễ tình nhân đó cảnh sát đã đưa tin rằng Oscar Pistorius đã bắn chết bạn gái của mình là Reeva Steenkamp bằng những phát súng oan nghiệt. Nguyên nhân của vụ xả súng dẫn đến cái chết của Reeva Steenkamp đã được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ.

Ngày 14 tháng 2 năm 2013, Oscar Pistorius đã bắn chết bạn gái của mình tại nhà riêng ở Pretoria. Khi cảnh sát có mặt tại hiện trường thì thấy thi thể của nạn nhân Reeva Steenkamp nằm trên vũng máu trong nhà tắm. Sau khi khám nghiệm hiện trường và tử thi, cảnh sát kết luận rằng nạn nhân đã bị giết bằng 4 phát đạn ở cự ly gần.

Tại hiện trường, Oscar Pistorius có mặt và khai báo toàn bộ sự thật. Oscar Pistorius nói rằng chính anh ta đã nổ súng nhưng không phải nổ súng để giết bạn gái mà vì anh ta cho rằng có kẻ lạ đột nhập vào nhà vào buổi sáng sớm ngày 14 tháng 2. Nghi phạm duy nhất có mặt tại hiện trường, Oscar Pistorius đã bị dẫn giải về trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ vụ án.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Oscar Pistorius đã thú nhận rằng khẩu súng gây án chính là của anh ta và chính anh ta đã bắn chết nạn nhân nhưng do nhầm lẫn chứ không phải chủ ý. Những chi tiết mà cơ quan cảnh sát điều tra thu lại tại hiện trường đều chống lại Oscar Pistorius bởi không có lý do gì để nhầm lẫn.

Oscar Pistorius và Reeva Steenkamp đã hẹn hò và yêu nhau được 3 tháng. Hai người thường xuyên ở qua đêm vói nhau trong căn hộ của Oscar Pistorius ở Pretoria thì không có lý do gì anh ta lại nhầm tưởng có kẻ lạ đột nhập vào nhà.

Một số bằng chứng thu được rằng, hai người đã ngủ cùng nhau tại căn hộ từ tối 13 tháng 2 và đến sáng sớm 14 tháng 2 thì bất ngờ vụ nổ súng diễn ra. Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Oscar Pistorius không một mực chối tội nhưng anh ta luôn khẳng định rằng mình không có cố ý giết người.

Dù cố ý hay không thì Oscar Pistorius vẫn phải đối mặt với phiên tòa xét xử. Phiên tòa bắt đầu diễn ra vào ngày 3 tháng 3 năm 2014 tại tòa án tối cao Pretoria nhưng tại phiên điều trần, ban hội thẩm vẫn chưa đưa ra đầy đủ chứng cứ để kết tội Oscar Pistorius nên phiên tòa phải hoãn sang ngày 30 tháng 6.

Thẩm phán Thokozile Masipa đồng ý với ý kiến của công tố viên Gerrie Nel rằng, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân có tiền sử bệnh rối loạn thần kinh, lo âu lan tỏa. Chính vì vậy mà cũng có thể do bệnh tật nên Reeva Steenkamp đã có những hành động bất thường khiến Oscar Pistorius đã không nhận ra cô mà nhầm tưởng là có một kẻ lạ mặt đang đột nhập vào nhà.

Ngày 30 tháng 6 năm 2014, phiên tòa xét xử Oscar Pistorius đã diễn ra với những chứng cứ đưa ra có thể kết Oscar Pistorius tội giết người.

Oscar Pistorius là một người đàn ông khuyết tật, anh ta chỉ bị ảnh hưởng phần xương chân chứ không có bất cứ một dấu hiệu nào của việc rối loạn thần kinh nhưng với những chứng cứ như trước đây Oscar Pistorius đã sử dụng súng và bắn súng tại một nhà hàng trong thành phố, ngày 21 tháng 10 năm 2014, tòa án thành phố Pretoria đã kết tội Oscar Pistorius giết người với bản án 5 năm tù giam và 3 năm tù treo.

Tại phiên tòa, Oscar Pistorius đã được ban thư ký đưa ra rất nhiều những thành tích cũng như cống hiến cho thể thao nước nhà và thế giới. Không những thế Oscar Pistorius còn tham gia rất nhiều công việc từ thiện bằng tiền thu được từ các giải thưởng của mình. Oscar Pistorius còn tham gia vào các chương trình quảng cáo nước hoa, sản xuất đĩa CD âm nhạc. Những thành tích mà Oscar Pistorius đạt được không hề nhỏ. Với ngoại hình thì không ai biết Oscar Pistorius đang sống và làm việc bằng đôi chân giả.

Theo thẩm phán thì những gì mà Oscar Pistorius đã làm được trước đây cũng có thể giúp anh ta giảm được bản án dành cho mình chứ không thể bao che được tội lỗi mà anh ta đã gây ra.

Phiên tòa có phải là một màn kịch?

Theo nhiều nguồn tin thì Oscar Pistorius sau khi vào tù đã được sống một cuộc sống đặc biệt hơn so với những tù nhân khác nhưng anh trai của Oscar Pistorius nói rằng em mình không nhận được bất cứ một ưu đãi đặc biệt nào trong suốt thời gian ở trong tù.

Oscar Pistorius cũng bị giam giữ 17 giờ mỗi ngày trong nhà giam và được một giờ tập thể dục ngoài trời. Oscar Pistorius đã không thấy buồn phiền và chán nản mà ngược lại anh ta còn tư vấn và động viên các tù nhân khác tham gia các hoạt động thể thao như điền kinh, bóng rổ.

Oscar Pistorius đã bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình và nhất là xảy ra vào đúng ngày Lễ tình nhân. Oscar Pistorius đã viết tâm thư kể rằng, bi kịch xảy ra vào ngày Lễ tình nhân năm 2013 sẽ ám ảnh anh hết quãng đời còn lại. Anh không biết làm gì để có thể chuộc lại tội lỗi của mình chỉ còn cách sống và ân hận.

Khi Oscar Pistorius gây ra vụ án này, những người biết đến anh tỏ ra vô cùng phẫn nộ, những người hâm mộ anh thì thất vọng bởi thần tượng sụp đổ nhưng điều khiến nhiều người quan tâm hơn cả đó là tình hình an ninh ở Nam Phi luôn ở tình trạng báo động bởi sự hỗn loạn và coi thường luật pháp.

Những người phụ nữ ở Nam Phi tính mạng luôn bị coi thường, không riêng gì nạn nhân Reeva Steenkamp mà những người phụ nữ khác cũng vậy, sẵn sàng là nạn nhân của những người đàn ông là chồng hay là bạn trai của mình.

Trước khi vụ án mà nạn nhân là Reeva Steenkamp xảy ra thì chỉ trước đó vài ngày là vụ án của cô gái 17 tuổi bị hãm hiếp và sát hại dã man. Dư luận vô cùng hoang mang và bức xúc, nhiều cuộc biểu tình chống lại nạn bạo lực đã diễn ra khiến Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma phải lên tiếng kêu gọi tuyên án thật nặng những kẻ có liên quan. Nhưng có điều, vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ dường như vượt quá khả năng và tầm kiểm soát của Chính phủ, đến mức các cô gái sợ bị cướp, bị giết và bị hiếp tới “mức độ hoang tưởng”.

Sau khi vụ thảm án xảy ra, trên trang mạng xã hội Twitter, Reeva Steenkamp đã chia sẻ rằng, cô cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc, khi mỗi sáng được thức giấc trong ngôi nhà an toàn. Cô kêu gọi toàn xã hội Nam Phi chung tay loại bỏ bạo lực. Nhưng Reeva đâu có ngờ chỉ vài ngày sau, số phận của cô cũng đã bị rơi vào thảm cảnh, nếu như không muốn nói là bi kịch hơn bởi cô bị giết chết trong ngày lễ của những cặp tình nhân, trong “ngôi nhà an toàn” và kẻ sát hại là người cô yêu.

Những vụ án mạng liên tiếp xảy ra khiến người dân hoang mang nhất là những người phụ nữ. Họ mất lòng tin vào bộ máy luật pháp và họ không còn tìm thấy sự an toàn. Phiên tòa xét xử Oscar Pistorius kéo dài trong suốt một năm nhưng những diễn biến của phiên tòa đã khiến nhiều người phẫn nộ. Họ cho rằng những người phụ nữ đang sống một cuộc sống luôn bị đe dọa đến tính mạng.

Phiên tòa xét xử Oscar Pistorius là một trong số những phiên tòa thu hút sự quan tâm bậc nhất của công chúng bởi một phần Oscar Pistorius là người được nhiều người biết đến, bên cạnh đó là những bằng chứng luôn được che đậy một cách vụng về.

Oscar Pistorius một mực cho rằng mình chỉ tự vệ chứ không cố ý giết bạn gái bởi anh ta nhầm tưởng người yêu là kẻ đột nhập và tòa án đã chấp nhận những lời khai của Oscar Pistorius mà bỏ qua toàn bộ những bằng chứng thu được tại hiện trường.

Nhiều câu hỏi được đưa ra rằng tại sao những bằng chứng chống lại Oscar Pistorius đều được tòa án loại bỏ. Người ta nghi ngờ rằng liệu danh tiếng là một ngôi sao thể thao có được đặc quyền giết người? Hay nguồn tiền khổng lồ của Oscar Pistorius còn mạnh mẽ hơn hệ thống luật pháp của Nam Phi? Tất cả những câu hỏi được đặt ra nhưng chưa ai dám trả lời.

Trong cuốn sách “Chase Your Shadow”, John Carlin - tác giả trước đó từng viết nhiều đề tài về Nam Phi, trong đó có cuốn tiểu sử của Nelson Mandela cho rằng, vụ án Oscar Pistorius chính là… Nam Phi. Theo đó, Pistorius phản ánh sự phát triển của Nam Phi là một quốc gia đang đánh đu giữa các đặc điểm của sự kiêu ngạo và tiến bộ.

Quả thực, Nam Phi là quốc gia phát triển bậc nhất ở Lục địa đen nhưng cũng là “thiên đường của bạo lực” mà nạn nhân phần lớn là phụ nữ. Theo tờ Guardian, tại quốc gia này trung bình mỗi ngày có tới 7 phụ nữ bị giết hại và cứ mỗi 17 giây trôi qua lại xảy ra một vụ hiếp dâm.

Sau vụ án Valentine chấn động mà Oscar Pistorius gây ra, Chính phủ Nam Phi phải lên tiếng công khai ủng hộ chiến dịch “16 ngày chống bạo lực phụ nữ và trẻ em”. Nhưng trên thực tế, nạn bạo lực nhằm vào phụ nữ không hề có dấu hiệu suy giảm. Hay nói cách khác, nó còn có dấu hiệu leo thang sau vụ Pistorius.

Vậy Oscar Pistorius nghĩ gì? Ngày Valentine năm ngoái, trên trang mạng xã hội Twitter, Oscar Pistorius viết: “Một vài lời tâm sự từ trái tim tôi. Tôi không biết phải diễn tả thế nào về cảm giác sau tai nạn nghiêm trọng mà tôi đã gây nên. Tai nạn đó gây nỗi đau khổ cho những người yêu thương và sẽ tiếp tục yêu thương Reeva Steenkamp. Sự ra đi của Reeva Steenkamp và những điều đã xảy ra trong ngày Lễ tình yêu sẽ ám ảnh và theo tôi trong suốt phần còn lại của cuộc đời”. Valentine ám ảnh Oscar Pistorius?

Oscar Pistoriusđang bóc lịch chờ ngày tự do, ngày ấy không quá xa, nhưng một xã hội công bằng, không bạo lực ở Nam Phi bao giờ mới tới? Như bản báo cáo dày 274 trang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối năm ngoái thì ngày đó còn quá xa vời. Với người dân Nam Phi, đó mới là nỗi ám ảnh và bi kịch.

Một người thân của gia đình nạn nhân Reeva Steenkamp mỉa mai trong uất ức ngay sau khi phán quyết gây sự phẫn nộ của tòa án: “Oscar Pistorius là người không chân nhưng anh ta đã cho những người có chân khác thấy thêm một bài học nữa về giá trị đích thực của sự công bằng là gì”.

Huyền Thương
.
.
.