Băng nhóm tội phạm rửa tiền “núp bóng” công ty xử lý rác thải

Thứ Ba, 27/01/2015, 11:00
Tờ Independent dẫn lời cảnh sát Anh đưa tin, các băng nhóm tội phạm đã "xâm nhập" vào lĩnh vực xử lý rác thải để rửa tiền. Đã có bằng chứng cho thấy, tội phạm sử dụng tiền, "bắt tay" với quan chức để thành lập công ty chuyên xử lý rác thải nhưng thực chất là cách để "hợp pháp hóa" nguồn tiền bất hợp pháp.

Gây thiệt hại 570 triệu bảng Anh mỗi năm

Cảnh sát Anh cho hay, 14 băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất ở Scotland đã tham gia vào ngành công nghiệp xử lý rác thải. "Số băng nhóm tội phạm tham gia vào lĩnh vực này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết để ngăn chặn các nhóm tội phạm hoạt động bất hợp pháp vì lợi nhuận hay rửa tiền", ông John Cuddihy, người đứng đầu đơn vị phòng chống tội phạm có tổ chức và khủng bố Scotland cho biết. Cũng theo ông John Cuddihy, thủ đoạn hoạt động chủ yếu của các băng nhóm tội phạm liên quan đến rác thải là lựa chọn phương pháp xử lý rác thải đơn giản, kém hiệu quả, bỏ qua các tiêu chuẩn về môi trường để có được lợi nhuận.

Một báo cáo của Liên minh Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố năm 2013 cho hay, các băng nhóm tội phạm ở châu Âu hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải vẫn là "lãnh địa" chưa được Europol quan tâm tới mà chỉ có mafia Italia mới được biết đến nhiều trong lĩnh vực này.

"Các ngành công nghiệp như công nghiệp xử lý rác thải hiện được sử dụng như một mặt trận để rửa tiền của tội phạm. Một số chất thải điện tử có hại đã được vận chuyển ra nước ngoài đến châu Phi và châu Á", ông Willie Wilson, người phụ trách Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scotland (SEPA) nhận định. Báo cáo mang tên "Tội phạm chất thải: Một vấn đề đáng lo ngại" của Anh công bố năm ngoái cũng nhận định, các băng nhóm tội phạm trộm cắp, buôn bán người, lừa đảo, buôn bán ma túy, vũ khí và rửa tiền có "tay" trong việc đưa chất thải điện tử ra nước ngoài tiêu thụ. "Hoạt động xuất khẩu trái phép đã cung cấp bằng chứng rõ ràng về vai trò ngày càng tăng của băng nhóm tội phạm trong việc buôn bán chất thải", một đoạn trong báo cáo viết.

Xuất khẩu rác thải điện tử bất hợp pháp đang là một mục tiêu của các băng nhóm tội phạm.

Ước tính, các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến chất thải do các băng nhóm tội phạm thực hiện như xử lý chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển chất thải nguy hại ra nước ngoài, trốn thuế… gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh 570 triệu bảng mỗi năm.

Theo các quan chức Anh, thủ đoạn hoạt động chính của các băng đảng tội phạm là tiến hành thành lập công ty tái chế rác. Một công ty tái chế rác có thể ký hợp đồng thu mua với quan chức địa phương. Các quan chức này lại ký hợp đồng với công ty khác chuyên thu mua rác thải và nhà thu mua phế liệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các công ty tái chế rác dù có đủ máy móc để tái chế rác cũng rất ít khi thực hiện việc tái chế mà chủ yếu mua lại để xuất khẩu đi nước khác. Rác thải được "ưa chuộng" hàng đầu là điện tử. Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là điểm đến khá phổ biến của loại rác thải này.

Những mối đe dọa đang hiện hữu

Cảnh sát cũng đã phát hiện bằng chứng, các nhóm tội phạm chi tiền "mua" thông tin từ các chuyên gia, "bắt tay" với quan chức để có được những bản hợp đồng liên quan đến việc xử lý chất thải. Các quan chức của Scotland ra lệnh xem xét, rà soát tất cả các hợp đồng về chất thải đã được ký kết.

Người phát ngôn của SEPA cho biết, tội phạm liên quan đến chất thải ở Anh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính. "Năm ngoái, Chính phủ đã chi 5 triệu bảng từ ngân sách cho SEPA để giải quyết những vấn đề liên quan đến tội phạm chất thải. Với khoản chi phí này, chúng tôi đang tập trung đấu tranh với tình trạng xuất khẩu, các khu vực chứa chất thải bất hợp pháp. Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư nghiên cứu, trang bị thiết bị hiện đại hơn phục vụ công tác.

Theo thống kê của chúng tôi, tính đến tháng 3/2014, có tổng số 556 khu vực rác thải hoạt động bất hợp pháp và đây là con số thấp nhất trong bốn năm qua", người phát ngôn của SEPA nói.

Các quan chức Scotland đang xem xét đề xuất lập tòa án chuyên về lĩnh vực môi trường để giải quyết vấn đề. Ông Cuddihy cho biết, hoạt động của các nhóm tội phạm ngày càng mở rộng phạm vi đến nhiều quốc gia khác nhau, "chúng hoạt động như một doanh nghiệp, không ngừng vươn cánh tay đến các địa bàn khác với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận", ông Cuddihy nói. Hiện nay, SEPA tiến hành phối hợp với một số đơn vị chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về các băng nhóm tội phạm có liên quan đến lĩnh vực xử lý rác thải. "Chúng tôi hiện đang điều tra một số vụ việc chất thải trên đất nông nghiệp, trong các nhà máy. Có thể thấy rất rõ sự hiện diện của các băng nhóm tội phạm nghiêm trọng ngành công nghiệp chất thải. Đó rõ ràng là điều rất đáng quan tâm và cũng là mối đe dọa đang hiện hữu", ông Wilson nói.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.