Bangladesh:

Phụ nữ chuyển giới bị xua đuổi và săn lùng

Thứ Tư, 01/06/2016, 17:17
Vào mỗi buổi tối, Panna, một phụ nữ chuyển giới, 54 tuổi, lại đứng chờ khách ở cuối con đường nhỏ. Nhiều thành viên của cộng đồng Hijra (phụ nữ chuyển giới) cũng làm gái mại dâm để kiếm tiền trang trải cuộc sống như Panna. Khách hàng tìm đến mua dâm cũng khá đa dạng về thành phần, nhưng số tiền mà Panna và các "đồng nghiệp" kiếm được chẳng đáng là bao.


"Đây là con đường cùng. Chúng tôi không biết làm gì để sống ngoại trừ việc bán thân. Không ít lần, tôi bị khách hàng đánh đập thậm tệ, không trả tiền mà chẳng biết kêu ai", Panna chia sẻ với tờ Daily Mail hôm 21/5.

Phụ nữ chuyển giới ở Bangladesh được gọi là Hijra, luôn đối mặt với sự xa lánh và kỳ thị nặng nề từ cộng đồng. Một nghệ sĩ Bangladesh thậm chí thú nhận, cô không đời nào nói chuyện với Hijra như những người bình thường và sẽ tránh xa nếu họ đến gần...

"Tôi không bao giờ nói chuyện với họ như một người bình thường và nếu họ đến gần, tôi sẽ tránh đi nơi khác", nữ nghệ sĩ Tayeba Begum Lipi thú nhận. Không chỉ Lipi, Shahria Sharmin, một nữ nhiếp ảnh gia 44 tuổi cũng chia sẻ tương tự: "Đối với tôi, đó là những người đến từ "thế giới xa lạ". Tôi cũng giống như hầu hết mọi người trong xã hội đều xem Hijra như những người dị biệt, về thói quen, lối sống và thậm chí cả vẻ bề ngoài".

Tuy nhiên, Lipi bắt đầu thay đổi thái độ hoàn toàn sau khi nghe câu chuyện đau lòng về một phụ nữ chuyển giới bị lạm dụng năm 2012 để rồi sau đó, qua tìm hiểu, cô cảm thấy đau xót cho cuộc sống ở trong bóng tối của họ. Chủ yếu kiếm sống bằng nghề vũ công và bán dâm, phụ nữ chuyển giới ở Bangladesh thường mặc trang phục sari màu sáng, sặc sỡ và trang điểm rất đậm mỗi khi xuất hiện ở nơi công cộng.

Cộng đồng Hijra ăn mừng vì được chính quyền thừa nhận.

Lipi chia sẻ, một Hijra tên là Anonnya từng buồn bã tâm sự với cô rằng, phụ nữ chuyển giới mặc trang phục màu sắc sặc sỡ, tươi sáng, nhưng cuộc đời họ chỉ toàn là màu xám. "Không có ai ủng hộ chúng tôi, bảo vệ quyền lợi của chúng tôi. Những bộ váy chúng tôi mặc, cách chúng tôi trang điểm có thể tươi sáng, nhưng cuộc đời của chúng tôi màu xám", Lipi dẫn lời người phụ nữ chuyển giới tên là Anonnya.

Tương tự, nữ nhiếp ảnh gia Shahria cũng thay đổi thái độ với Hijra sau khi gặp một phụ nữ chuyển giới tên là Heena. "Heena đã hé mở cuộc sống của cô với tôi. Tôi đã nhìn ra những điều sâu xa hơn trong thế giới của Heena và Hijra", Sharmin cho hay.

Nữ nhiếp ảnh gia cho biết thêm rằng, ở Bangladesh, Hijra phần lớn phải làm nghề bán dâm để tồn tại. "Tại sao xã hội không thể chấp nhận chúng tôi. Hãy coi chúng tôi như những người bình thường", người phụ nữ chuyển giới Jasmine, 24 tuổi chia sẻ về ước mơ được đối xử bình đẳng trong xã hội.

Hijra đã chiếm một phần lớn ở khu vực Nam Á từ thời cổ đại. Họ được đề cập trong truyền thuyết Kama Sutra và sống trong cộng đồng rộng lớn trên khắp Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan. Cộng đồng Hijra đã duy trì qua nhiều thế hệ, từ lâu họ đã bị phân biệt đối xử, thậm chí còn trở thành mục tiêu cần phải tiêu diệt. Nhiều người còn bị chính gia đình của họ phân biệt đối xử.

Chính phủ Bangladesh cho biết, có khoảng 15.000 Hijra trong nước. Tuy nhiên, nhóm Hijra đã đưa ra con số này đạt khoảng nửa triệu người. Hiện dân số Bangladesh có khoảng 156 triệu người. Như vậy, Hijra chiếm hơn 0,3% dân số trên đất nước này.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 11 năm ngoái, một quyết định của chính phủ Bangladesh đã thay đổi cuộc đời của những thành viên Hijra. Thủ tướng Sheikh Hasina đã thông qua luật công nhận Hijra như một giới tính thứ ba, cho phép họ tự nhận mình là một giới riêng trong hộ chiếu và các giấy tờ khác của Nhà nước.

Ngay lập tức, một ngàn người chuyển giới Bangladesh đã xuống phố diễu hành họ được công nhận là giới tính thứ ba tại đất nước này. Những bộ trang phục đầy màu sắc và những tấm băng rôn khẩu hiệu được giương cao trong đoàn người với nội dung: "Ngày không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử và sợ hãi đối với giới tính thứ ba". "Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng sẽ nhìn thấy ngày này trong cuộc sống của mình" - Sonali, một Hijra 25 tuổi trong đoàn người nói.

Nguyễn Lai (tổng hợp)
.
.
.