Bangladesh nhờ FBI điều tra vụ trộm 81 triệu USD tại Ngân hàng trung ương

Thứ Năm, 24/03/2016, 19:35
Tuyên bố hôm 18-3 của Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Abul Mall Abdul Muhith khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm khi cáo buộc các quan chức của Ngân hàng trung ương Bangladesh có liên quan tới vụ trộm 81 triệu USD từ tài khoản của ngân hàng nước này tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở New York.


Bởi theo Bộ trưởng Abul Mall Abdul Muhith, cơ sở Fed ở New York phải có vân tay và các thông tin sinh trắc học từ các quan chức Ngân hàng trung ương Bangladesh để kích hoạt giao dịch, do đó tin tặc không thể tiến hành vụ tấn công mà không có sự giúp đỡ từ bên trong. 

Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan vừa nói với hãng Reuters, Bangladesh đã chính thức nhờ FBI truy tìm bọn tin tặc đã trộm 81 triệu USD của Ngân hàng trung ương Bangladesh. Và ngày 20-3, nhân viên FBI tới thủ đô Dhaka để gặp người của Cục Điều tra tội phạm (CID) Bangladesh. Ngoài ra, CID cũng đang phối hợp với Interpol để truy tìm tung tích của bọn ăn trộm tiền.

Trước đó (17-3), cảnh sát Bangladesh đã mở cuộc điều tra hình sự đối với vụ trộm 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh tại Fed. Trong khi đó, tại thủ đô Dhaka, người phát ngôn của Ngân hàng trung ương cho biết, cảnh sát đã tới ngân hàng này để tìm hiểu cơ chế hoạt động của tài khoản và hệ thống máy tính, phục vụ công tác điều tra. Bởi theo báo cáo trước đó của Ngân hàng trung ương, một máy tính và máy in của họ sử dụng hệ thống tin nhắn liên ngân hàng SWIFT đã bị tin tặc kiểm soát khiến nhà chức trách không thấy được dữ liệu về yêu cầu chuyển khoản, cũng như biên lai nhận tiền.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Bangladesh Atiur Rahman.

Và chi tiết về lỗi máy in này là một trong những manh mối đầu tiên để cảnh sát xác định cách thức lấy trộm tiền. Nhưng cảnh sát chưa tìm thấy bằng chứng có nội gián trong vụ trộm này. Theo báo cáo gửi cảnh sát hôm 15-3, Ngân hàng trung ương cho biết, một lỗi trên máy in của họ đã khiến một loạt nghi vấn của các ngân hàng nước ngoài gửi tới Ngân hàng trung ương Bangladesh liên quan tới các giao dịch khả nghi đã không nhận được trả lời.

Ngân hàng trung ương cho biết, họ đã mất 4 ngày đề nghị các ngân hàng trên thế giới ngừng thanh toán tiền cho tin tặc, nhưng chúng vẫn lấy được 81 triệu USD. Theo báo cáo kể trên, tin tặc đã ra lệnh chuyển khoản tự động 81 triệu USD vào ngày 5-2, thời điểm Ngân hàng trung ương Bangladesh đóng cửa. Một ngày sau, các kỹ sư Bangladesh mới sửa được máy in và khi đó người ta mới biết, ngân hàng ở New York đã gửi cho Ngân hàng trung ương Bangladesh một loạt câu hỏi về 4 giao dịch khác nhau, nhưng không nhận được lời đáp, nên hậu quả đã xảy ra.

Về phần mình, ngày 15-3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Bangladesh Atiur Rahman đã từ chức. Và Bộ trưởng Tài chính Abul Mall Abdul Muhith đã xác nhận việc từ chức của Thống đốc Atiur Rahman sau khi không thông báo cho các cơ quan chức năng về vụ trộm trong suốt 1 tháng qua. Ngoài ông Atiur Rahman, còn có 2 Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương cũng bị cách chức. Sau đó (16-3), quan chức ngân hàng cấp cao Aslam Alam cũng phải ra đi.

Theo báo cáo của ông Atiur Rahman, bọn trộm âm mưu đánh cắp gần 1 tỷ USD, nhưng đã bị hệ thống an ninh của Ngân hàng trung ương Bangladesh chặn lại. Nhóm tin tặc đã thực hiện 35 yêu cầu rút tiền từ tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh, với tổng giá trị lên tới 951 triệu USD. Điều đáng nói và khó hiểu là ông Atiur Rahman đã được cảnh báo về vụ tấn công này, nhưng không cho biết lý do không thông báo về vụ trộm, khiến Ngân hàng trung ương Bangladesh bị thiệt hại lớn.

Trong khi đó Fed khẳng định, không có lỗ thủng nào trong hệ thống của họ. Đây được coi là một trong những vụ đánh cắp lớn nhất trong lịch sử ngân hàng thế giới. Bởi tin tặc đã thực hiện thành công vụ đánh cắp 81 triệu USD trong tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh tại Fed và chuyển tới các tài khoản ở Sri Lanka và Philippines.

Theo giới truyền thông, mặc dù hệ thống an ninh đã chặn được vụ giao dịch bất hợp pháp khi tin tặc tìm cách rút 951 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh tại Fed, nhưng 81 triệu USD vẫn bị chuyển tới chi nhánh Manila của Tập đoàn Ngân hàng thương mại Rizal của Philippines (RCBC). Sau đó số tiền kể trên nhanh chóng được chuyển tới Công ty dịch vụ ngoại tệ Philrem và từ Philrem, hơn 30 triệu USD đã đến tay một doanh nhân gốc Trung Quốc William So Go. Hơn 50 triệu USD còn lại được chuyển tới một sòng bạc và doanh nghiệp sản xuất trò chơi điện tử tại Philippines.

Và tại phiên điều trần hôm 17-3 của Thượng viện Philippines, một nhân viên của RCBC có mặt tại chi nhánh Manila vào thời điểm đó cho biết, Giám đốc chi nhánh Maia Santos Deguito đã rút 432.000 USD tiền mặt từ một trong số các tài khoản này, nhưng bà Maia Santos Deguito khẳng định mình vô can.

Thiện Lân
.
.
.