Báo động ‘cái chết xanh’ của những nhà hoạt động vì môi trường

Thứ Hai, 31/08/2015, 16:00
Một báo cáo mới được Tổ chức Global Witness công bố cho biết, tình trạng bạo lực với các nhà hoạt động vì môi trường đang ở mức báo động trên thế giới, nghiêm trọng nhất là tại Mỹ Latinh và châu Á Thái Bình Dương. Nhiều người đã đề cập đến thuật ngữ "cái chết xanh" để nói về cái chết của những nhà hoạt động vì môi trường.
Báo cáo của tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) công bố cuối tuần trước cho hay, kể từ đầu năm nay ở Guatemala, 9 nhà hoạt động vì môi trường chống lại dự án Megaprojects đã bị sát hại. Cùng với đó, 337 nhà hoạt động môi trường bị tấn công. Bản báo cáo chỉ ra rằng, kể từ khi cựu sỹ quan quân đội Otto Perez lên nắm quyền vào năm 2012, bạo lực với các nhà hoạt động môi trường trở nên rõ nét hơn.

Delfina Mux Cana, Giám đốc chương trình hỗ trợ cho các cộng đồng bản địa ở Guatemala nói với phóng viên tờ DW (Đức) rằng, bạo lực đang tràn lan và tất cả đều có liên kết rõ ràng với những công ty hoạt động khai khoáng. Delfina Mux Cana cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành để bảo vệ cộng đồng bản địa và các nhà hoạt động môi trường chỉ là lý thuyết.

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm như thịt bò, sữa đậu nành, gỗ và dầu trên toàn cầu đã dẫn đến sự khai phá tràn lan vùng lãnh thổ mới. Các nhóm nhân quyền cho rằng, các công ty đã kết nối với quan chức địa phương để khai thác tài nguyên mà không tham vấn cộng đồng địa phương. Arlen Ribeira, quản lý của tổ chức bảo vệ cộng đồng bản địa khu vực Amazon (COICA) cho biết, dự án mở rộng khai thác tài nguyên mang tên "Megaprojects" đang triển khai ở khu vực Amazon trực tiếp ảnh hưởng đến các cộng đồng bản địa sống phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên đất. "Các xe ủi đất cỡ lớn xuất hiện trong khu vực và các nhà máy khai thác tài nguyên mọc lên, phá hủy môi trường. Nhà nước không thể bảo vệ chúng ta", Ribeira nói.

Jorge Eduardo De Leon, một nhà hoạt động nhân quyền ở Guatemala nói rằng, các nhà hoạt động vì môi trường có nguy cơ cao bị tấn công bạo lực. "Chính phủ Guatemala đã thất bại trong việc bảo vệ cuộc sống và tính mạng của các nhà hoạt động môi trường, đặc biệt là những người tham gia biểu tình chống lại dự án Megaprojects", De Leon cho biết.

Ông De Leon cũng cho rằng, nhiều vụ án tấn công nhà hoạt động môi trường không được điều tra kỹ lưỡng, thậm chí, một số nhà hoạt động còn bị "đổ tội" liên kết với các nhóm bất hợp pháp. Theo ông De Leon, những người bản địa cần được tôn trọng các quyền trên lãnh thổ mà họ sinh sống. Kinh doanh nông nghiệp hoặc khai thác mỏ phải được tư vấn và có sự đồng ý của các cộng đồng bản địa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc  này không bao giờ được thực hiện.

908 nhà hoạt động vì môi trường đã bị sát hại tại 35 quốc gia trên toàn thế giới trong hơn 10 năm qua.

Theo thống kê của Global Witness, từ năm 2002 đến 2013, 908 nhà hoạt động vì môi trường đã bị sát hại tại 35 quốc gia trên toàn thế giới vì những lý do liên quan đến hoạt động của họ. Hơn 90% các vụ việc không bị xét xử. Chỉ có 10 thủ phạm bị kết án trong khoảng thời gian này. Số liệu thống kê dựa trên báo cáo của các quốc gia và nạn nhân đã được xác định rõ ràng rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết là do hoạt động bảo vệ môi trường. Như vậy, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần bởi có trường hợp tử vong chưa được báo cáo chính thức, đặc biệt là ở châu Phi và các nước Trung Á.

Brazil được coi là quốc gia nguy hiểm nhất cho các nhà hoạt động vì màu xanh. Trong năm 2014, 29 nhà môi trường  của quốc gia này bị thiệt mạng. Colombia đứng vị trí thứ hai, với 25 trường hợp bị giết hại. Honduras là quốc gia có số vụ giết hại nhà hoạt động môi trường cao nhất tính trên đầu người với 12 ca tử vong vì bạo lực được báo cáo trong năm 2014. Nhóm người bản xứ cũng là  đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của bạo lực, với 40% tổng số nạn nhân bị sát hại vì bảo vệ môi trường.

Trước tình trạng báo động trên, các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới đang kêu gọi người tiêu dùng có trách nhiệm và cập nhật thông tin đầy đủ hơn về các sản phẩm tiêu dùng để trở thành người tiêu dùng thông minh, sẵn sàng "tẩy chay" sản phẩm phá hủy môi trường. Nhà hoạt nhân quyền Cana và Ribeira nhấn mạnh rằng, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ trong cuộc chiến bảo vệ những nhà hoạt động môi trường. "Những kẻ sát hại, sử dụng bạo lực đe dọa nhà hoạt động môi trường cần phải bị nghiêm trị", Cana nói.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.