Báo động tình trạng sử dụng bạo lực nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền

Chủ Nhật, 18/03/2018, 08:00
Tờ The Guardian (Anh) dẫn kết quả một cuộc khảo sát mới công bố cho hay, số vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ đất đai, môi trường, quyền lao động đã tăng 34% trong năm qua. Các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tấn công bạo lực, đàn áp, thậm chí là đe dọa giết hại.


Tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền tăng 34%

Vào ngày 24-1-2018, Quintin Salgado, một nhà hoạt động nhân quyền đồng thời là nhà lãnh đạo tổ chức công đoàn bị những kẻ tấn công không rõ danh tính giết hại. Salgado đã làm việc, bảo vệ quyền lợi cho các thợ mỏ ở Media Luna, Guerrero, Mexico - thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Canada - Torex Gold. 

Quintin Salgado nỗ lực đấu tranh để đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân. Trong một tuyên bố sau vụ việc, đại diện Torex Gold nói rằng, "công ty chưa xác định được ai là người đứng sau vụ giết hại Quintin Salgado. Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc".

Một người biểu tình ở Tegucigalpa, thủ đô Honduras sau vụ nhà hoạt động nhân quyền Berta Cáceres bị sát hại vào năm 2016.

Trước đó, vào ngày 09/1/2018, nhà hoạt động nhân quyền Ronald David Barillas cũng bị giết hại ở Santa Rosa, Guatemala. Barillas là người lên tiếng mạnh mẽ phản đối dự án khai thác Escobal của Công ty Tahoe Resources (Canada).

Trong một tuyên bố, công ty khai thác mỏ Tahoe Resources nói rằng, "là một công ty cởi mở, minh bạch và tuân thủ pháp luật, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng theo yêu cầu. Chúng tôi cam kết sẽ tìm ra sự thật. 

Chúng tôi nhận thấy, các nhà hoạt động nhân quyền đang bị đe dọa bởi bạo lực và khủng bố. Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi đe doạ hoặc tấn công thành viên các nhóm hoạt động cộng đồng hoặc các tổ chức nhân quyền".

Quintin Salgado, Ronald David Barillas là hai trong số rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị giết hại trong thời gian qua. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp và nhân quyền cho hay, trong năm 2017, đã có 388 vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới được ghi nhận (năm 2016 xảy ra 290 vụ). 

42% trường hợp các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa sử dụng các biện pháp tư pháp để trấn áp. Tháng trước, một báo cáo của Frontline Defenders cho biết, theo thống kê của tổ chức này thì có đến 312 người bảo vệ nhân quyền ở 27 quốc gia bị sát hại trong năm 2017.

Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp và nhân quyền được thực hiện dựa trên số liệu các vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền phản đối hoạt động phi pháp của doanh nghiệp. Nạn nhân bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, lãnh đạo tổ chức công đoàn, người tố cáo và người dân trong cộng đồng bản địa. 

Các nhà bảo vệ quyền lợi trong lĩnh vực đất đai, khai thác mỏ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo có nguy cơ bị tấn công nhiều nhất. Luật sư, thành viên các tổ chức xã hội dân sự, nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường cũng có nguy cơ cao bị tấn công khi thực hiện nhiệm vụ.

Những điểm nóng

"Đây là cuộc khảo sát đầu tiên về các vụ tấn công nhằm vào nhà hoạt động nhân quyền trên cơ sở dữ liệu được thu thập một cách có hệ thống. Các doanh nghiệp kinh doanh đứng đằng sau nhiều vụ tấn công các nhà bảo vệ nhân quyền. Có thể nhiều doanh nghiệp cho rằng, các nhà hoạt động nhân quyền gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Hành vi cản trở trở hoạt động của các nhà bảo vệ nhân quyền phổ biến là hành hung, quấy nhiễu, tấn công bạo lực, thậm chí là giết người", Ana Zbona, một quan chức của  Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp và nhân quyền nói.

Theo kết quả khảo sát, các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp, năng lượng, xây dựng - đặc biệt là các công ty có trụ sở tại Anh, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Pháp có nhiều khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình cũng như hoạt động của các nhà bảo vệ nhân quyền.

Mặc dù các cuộc tấn công diễn ra ở tất cả các khu vực trên thế giới nhưng Brazil, Mexico, Colombia, Honduras, Guatemala và Philippines là những quốc gia có những vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền nhiều nhất với tổng cộng 212 vụ tấn công được ghi nhận.

Mới đây, Hiệp hội Khai thác mỏ và kim loại quốc tế thừa nhận rằng, tình trạng tấn công nhà bảo vệ nhân quyền đang gia tăng và kêu gọi các Chính phủ có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. 

"Thực tế cho thấy, những nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục phải đối mặt với nỗi sợ hãi vì bị đe dọa đến tính mạng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực thi cam kết về nhân quyền một cách công khai, minh bạch. Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm của các nhà bảo vệ nhân quyền nhưng phải công nhận quyền tự do ngôn luận như quyền cơ bản của con người", một quan chức của Hiệp hội Khai thác mỏ và kim loại quốc tế cho biết.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.