Bắt Nguyễn Phước - Minh “trầu” trong trò lừa thu gom sổ đỏ cho các dự án trồng rừng “ảo”

Thứ Tư, 07/01/2015, 14:00
Từ năm 2008 đến nay, tại địa bàn các tỉnh trên toàn quốc đã xuất hiện một số nhóm đối tượng tự giới thiệu có khả năng xin được nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Bọn chúng đã thu gom hàng trăm nghìn quyển sổ đỏ và quyển lâm bạ của người dân. Mặc dù việc này đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng như “cơn sóng ngầm”, việc này vẫn diễn ra ở nhiều địa phương từ Nam ra Bắc. Những nạn nhân lao theo trò này, dần dần trở nên khánh kiệt tài sản…

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, các CBCS của Phòng 7, Cục Cảnh sát hình sự đã lập kế hoạch xác minh. Đến nay, các anh đã bắt giữ được 3 đối tượng trong đường dây lừa đảo nói trên. Đó là Nguyễn Phước, SN 1967, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thịnh; Nguyễn Thị Minh, tức Minh “trầu”, SN 1978, trú tại xã Tân Đức (Hàm Tân, Bình Thuận) và Nguyễn Thị Anh, SN 1990, trú tại xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An). Trong đó, Nguyễn Phước và Minh “trầu” là “cặp đôi hoàn hảo”, cầm đầu trò “tung hứng” lừa đảo người dân. Bước đầu, cơ quan CSĐT đã làm rõ “cặp đôi” này đã lừa đảo 17,5 tỷ đồng của người dân.    

Tổ chức cả hội nghị khách hàng hoành tráng để lừa dân

“Nhân vật” Nguyễn Phước xuất hiện trước. Phước thành lập và là Giám đốc Công ty TNHH Phước Thịnh. Thực ra, ban đầu, Phước cũng chưa nghĩ ra trò lừa đảo này, gã chỉ “theo đóm ăn tàn”, nghe người khác rồi tung tin về việc xin được nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Có hẳn một Ban dự án của Chính phủ, đứng đầu là một đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng ra để quản lý và tổ chức giải ngân dự án nói trên. Mức hỗ trợ cho mỗi hécta rừng là 25 đến 30 triệu đồng. Những người môi giới được hưởng từ 200 đến 500 ngàn đồng/ha. Hồ sơ, thủ tục xin vốn đơn giản, không phải thông qua các cơ quan chức năng nào xét duyệt cả. Thời hạn giải ngân thì nhanh, chỉ từ 3 đến 6 tháng là có tiền về. Theo yêu cầu của các đối tượng, điều kiện để hoàn thiện thủ tục tham gia dự án, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, đó là những người dân phải có sổ đỏ, sổ lâm bạ để chứng minh diện tích rừng.

Thực ra thì thời điểm đó, Nguyễn Phước chẳng biết mặt mũi Ban quản lý ở đâu, anh ta chỉ nghe nói và thu gom theo trào lưu để chờ cơ hội ăn tiền môi giới mà thôi. Và bằng thủ đoạn này, Phước và tay chân của mình đã thu gom được một số lượng sổ đỏ rất lớn, chứa trong 25 thùng tôn với diện tích đất rừng tương đương 3 triệu ha. Thời điểm đó, cũng chưa biết sử dụng vào mục đích gì nên Phước phải đem gửi 25 thùng tôn đựng sổ đỏ nói trên vào ngân hàng.

Cho đến đầu năm 2013, khi Minh “trầu” xuất hiện thì Nguyễn Phước như “cá gặp nước”. Phải nói rằng, Minh “trầu” thuộc hàng cao thủ. Chị ta chỉ có “ba tấc lưỡi” nhưng đã khiến Nguyễn Phước phải chuyển hết số lượng sổ đỏ thu được cho mình. Tuy năm nay mới 36 tuổi nhưng nhìn Minh “trầu” già dặn, to khỏe, theo kiểu người ăn nói “có gang, có thép”. Chính vì thế, dù Nguyễn Phước từng bao năm đi lừa người khác về một dự án không có thật, vẫn tin rằng Minh chính là đại diện duy nhất của Ban quản lý dự án phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Theo lời ba hoa của Minh thì Ban quản lý dự án do Chính phủ thành lập, còn nguồn vốn là của một tổ chức phi chính phủ. Thực chất đây chính là nguồn tiền đền bù chiến tranh của Chính phủ Mỹ, hiện Chính phủ đang cho Công ty cho thuê tài chính vay theo hợp đồng 10 năm. Đến đầu năm 2013 là hết hạn hợp đồng, Công ty cho thuê tài chính sẽ trả lại cho Chính phủ Việt Nam để giải ngân cho các dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Tưởng đã gặp được mối “chuẩn”, Nguyễn Phước lập tức chuyển giao hết các thùng sổ đỏ thu gom được cho Minh. Và Phước cũng tự nguyện trở thành tay chân của Minh, Minh sai gì thì răm rắp làm theo.

Để tạo dựng hình ảnh cho mình, Minh “trầu” tự xưng là người của Hội từ thiện, theo đạo Phật làm từ thiện để lôi kéo một số người mê tín đi theo phục vụ mình. Trong lúc đang thu gom rất nhiều sổ đỏ thì Minh dùng một quái chiêu, đó là rút ra một số quyển sổ đỏ để… đem trả cho những người chủ rừng đang không biết sổ đỏ của mình trôi nổi ở đâu. Khi đem trả sổ đỏ cho dân, Minh yêu cầu những người dân này viết thư cảm ơn mình, sau đó còn tìm cách để một cơ quan truyền thông đưa lên như… tấm gương điển hình.

Đi bất cứ đâu, Minh cũng cho vài ba chủ rừng đi theo phục vụ. Không bao giờ Minh “trầu” mang theo tiền trong người, tự những người phục vụ bỏ tiền ra thuê xe ôtô sang trọng cho Minh đi, đến đâu thì thuê khách sạn cho Minh ở. Người cắp cặp, người xách theo dụng cụ têm trầu, nói chung là tạo dựng cho chị ta một hình ảnh rất chi là… hoành tráng.

Vào giữa năm 2013, Minh và Nguyễn Phước đã tổ chức hội nghị khách hàng cực kỳ hoành tráng tại một khách sạn trên đường Võ Văn Tần (TP Hồ Chí Minh) cho mời khoảng 300 người ở 63 tỉnh, thành là đại diện các cá nhân, doanh nghiệp tham gia các dự án trồng rừng có nhu cầu tham gia dự án “vẽ” của chúng.

Để mọi chuyện như thật, Minh yêu cầu mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ (gồm ảnh 3x4, ảnh 10x15, CMND, hộ khẩu…), rồi phần chia tổ, nhóm (mỗi nhóm 10-12 người)... Bọn chúng còn làm các quyết định giả, tạo ra các băng ghi âm giả về giọng nói của một số đồng chí lãnh đạo nói về tính khả thi của các dự án phủ xanh đất trống đồi trọc nói trên.

Trong hội nghị khách hàng, bọn Minh còn thuê một người ăn mặc lịch sự, nói giọng miền Nam, ngồi ở bàn danh dự và giới thiệu là lãnh đạo TW, theo dõi dự án. Rồi tổ chức quay phim, chụp ảnh, ăn uống linh đình. Trong hội nghị, Phước và Minh “trầu” đều tha hồ “chém”, tha thiết hứa với khách hàng tham gia “Chúng tôi sẽ làm hết sức vì các bạn, sẽ cố gắng giải ngân sớm để đưa mọi người ít nhất trở lại trạng thái ban đầu (trả hết nợ nần)”. Tuy nhiên, mọi người đã không biết rằng, toàn bộ số tiền chi phí cho hội nghị khoảng 50 triệu đồng, buổi sáng sớm cùng ngày, Minh đã ép một doanh nghiệp theo đuổi dự án trồng rừng ứng ra.

Những trò lừa đảo, thu hàng chục tỷ đồng của “cặp đôi hoàn hảo”

Khi đã lấy được niềm tin của mọi người, Minh - Phước bắt đầu tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Việc lừa đảo của Minh - Phước tiến hành trong một thời gian dài, từ đầu năm 2013 đến đầu năm 2014, nhưng vẫn nhiều người nhẹ dạ mắc bẫy. Theo cơ quan điều tra, số bị hại của bọn Minh - Phước rất nhiều, ở 32 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Tuyên Quang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…. với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đầu tiên, Minh tìm gọi những người từng đã bị mất tiền, theo đuổi việc giải ngân dự án rừng trước đây, nói chị ta mới chính thức là Ban quản lý duy nhất ở Việt Nam, việc giải ngân chỉ còn là chuyện nay mai. Nhưng muốn được giải ngân, Minh yêu cầu những người này đưa tiền “bôi trơn” cho lãnh đạo cấp trên, lúc 100, lúc 200 triệu đồng. Đến gần ngày theo Minh hứa sẽ giải ngân, chị ta lại nói với các bị hại là còn thiếu một số diện tích rừng nữa mới giải ngân được. Vì thế, các bị hại phải lo tiền để đi mua thêm số sổ đỏ cho đủ diện tích rừng còn thiếu.

Thế là, khi đã dốc hết tiền, các bị hại tiếp tục rủ rê người nhà, người quen, thậm chí đi vay “nóng” của bọn “tín dụng đen” nhằm đủ tiền cùng Minh đi thu gom sổ đỏ. Sở dĩ, họ phải đi cùng Minh, vì chị ta nói phải mua sổ đỏ diện tích rừng đúng với địa điểm mà Ban quản lý yêu cầu. Theo đó, Minh dẫn các bị hại đi khắp nơi, từ Nam ra Bắc để mua gom sổ đỏ. Nhưng tại các điểm này, chị ta cho người của mình đóng giả người bán sổ đỏ, lấy một phần sổ đỏ chiếm đoạt được của Nguyễn Phước cho vào bao tải bán lại cho các bị hại. Nhưng sau khi trả tiền mua, các bị hại đâu có được xem, mà lại phải nộp luôn cho Minh để… kịp giao cho Ban quản lý giải ngân cho nhanh.

Với chiêu trò này, Minh lừa được rất nhiều tiền của các bị hại, hiện theo thống kê, có người bị lừa nhiều nhất lên đến 6 tỷ đồng. Theo anh H, trú tại Tuyên Quang, anh cũng bị Minh và đồng bọn dẫn dắt đi mua sổ đỏ ở Hải Dương, rồi nộp tiền “bôi trơn”, tính đến 29/5/2013 đã mất với Minh 1,5 tỷ đồng.            

Câu mở miệng của Minh “trầu” là chỉ 15-20 ngày nữa sẽ được giải ngân. Có lần, Minh tung tin rằng tiền giải ngân đã được vận chuyển bằng đường biển về đến Đà Nẵng, mọi người chuẩn bị vào Đà Nẵng nhận tiền. Rồi có lần, khi bị mọi người thúc ép quá, Minh giả vờ bảo cô cháu ở Hà Nội gọi điện vào báo là Minh có giấy báo của Ngân hàng Quân đội là tiền giải ngân đã về, nhưng phải cần thêm một số thủ tục, giấy tờ nữa… Thế nên, khi Minh yêu cầu nộp thêm tiền để cho kịp tiến độ giải ngân, nhiều người đã nhắm mắt vay nóng của dân “tín dụng đen”. Nhưng việc giải ngân chỉ là trò bịp bợm của Minh nên thời gian cứ kéo dài, lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều người phải bỏ trốn vì bị bọn chủ nợ truy đuổi. Còn đối với Minh, chị ta nhận tiền nhưng không bao giờ viết giấy biên nhận. Thi thoảng, chị ta xui “đệ tử” viết giấy biên nhận hộ, nhưng sau đó một thời gian, quay ra viết đơn gửi cơ quan Công an tố cáo người này lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại. Việc làm này của chị ta nhằm tung hỏa mù, chứng minh với mọi người là mình… sạch sẽ.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bị hại nào quá mệt mỏi, không thể chờ được đến thời điểm giải ngân như lời các đối tượng hứa hẹn, muốn lấy lại sổ đỏ của chính mình thì cũng phải nộp cho bọn chúng khoảng 30 triệu đồng (trên 100ha rừng) gọi là chi phí đi rút hồ sơ.

Lần lượt bắt giữ những kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo

Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, các điều tra viên của Phòng 7 đã khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra vụ việc. Sau khi tiến hành xác minh và làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan CSĐT - Bộ Công an khẳng định, từ năm 2008 đến nay, không có bất kỳ dự án nào có nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Từ kết quả xác minh này, cùng với các tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT đã lần được ra chân tướng của 2 kẻ cầm đầu là Nguyễn Phước và Minh “trầu”.

Có lẽ “đánh hơi” được sự truy tìm của cơ quan Công an, đồng thời cũng để trốn việc đòi nợ ráo riết của một số chủ rừng, Nguyễn Phước bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Anh ta lang thang trốn chạy qua nhiều tỉnh, thành phố. Đến khi Phước trốn về Quảng Nam thì bị cơ quan CSĐT- Bộ Công an bắt giữ. 

Nhưng ngay cả khi Nguyễn Phước đã bị bắt, Minh “trầu” vẫn cho tay chân của mình tung tin giả để lừa gạt người dân. Chúng vẫn nói rằng, Phước chỉ bị đưa lên làm việc, chuẩn bị được thả ra rồi. Dự án là có thật và đang tiếp tục được triển khai với kết quả rất khả quan. Nếu ai đến cơ quan CSĐT tố cáo thì sẽ không được nhận tiền giải ngân cũng như sổ đỏ của mình. Chính vì thế, có bị hại đến cổng của Cục C45 định trình báo, nhưng khi thấy các đối tượng gọi điện, dùng bài vừa nịnh, vừa dọa “tuần sau sẽ được giải ngân, nếu vào tố cáo với Công an sẽ bị loại ra khỏi danh sách nhận tiền” nên đã quay về. Và một số bị hại khác lại tiếp tục tin theo, nộp tiền cho bọn Minh “trầu”.

Từ các tài liệu thu thập được, 2 tháng sau khi bắt Nguyễn Phước, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã tiếp tục củng cố chứng cứ, bắt giữ Minh “trầu” tại nhà bố mẹ đẻ ở Hà Tĩnh. Khi bị bắt, chị ta cũng tỏ ra bình thản vì nghĩ mình đã phủi sạch được mọi chứng cứ. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”, để bắt giữ Minh, cơ quan CSĐT đã thu thập được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của chị ta. Chính vì thế, khi được đưa về trại tạm giam, Minh đã phải nhanh chóng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Đến thời điểm này, cơ quan CSĐT đã tạm làm rõ số tiền Minh “trầu” chiếm đoạt của các bị hại là khoảng 11 tỷ đồng; Nguyễn Phước chiếm đoạt 6,5 tỷ đồng.

Cùng bị bắt với Minh “trầu” có Nguyễn Thị Anh, một tay chân đắc lực, trung thành đi theo Minh 3 năm nay. Nguyễn Thị Anh được Minh bao bọc chuyện ăn ở, lại được Minh hứa hẹn xong việc sẽ cho mấy trăm triệu để chạy việc vào cơ quan Nhà nước. Cô này bị bắt về hành vi đồng phạm với Minh “trầu” lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự, qua công tác điều tra vụ án này, phát hiện những kẽ hở về quản lý Nhà nước trong việc quản lý đất rừng. Diện tích đất rừng ở Việt Nam rất lớn, đề nghị các bộ, ngành khi giao đất rừng cho các doanh nghiệp, các hộ dân quản lý thì phải có chế định để kiểm soát, tránh trường hợp các doanh nghiệp, các hộ dân bị lợi dụng, lôi kéo vào việc lừa đảo theo kiểu trên trong một thời gian dài mà không biết. Rất nhiều hộ dân được giao quản lý rừng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, sự hiểu biết hạn chế nên các cơ quan chức năng phải tăng cường việc tuyên truyền cho họ để họ biết về thủ đoạn của bọn lừa đảo mà phòng tránh.

“Hiện những đối tượng hay nhóm đối tượng ngoài xã hội vẫn có thể sử dụng thủ đoạn lừa đảo này để chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp, hộ được giao quản lý rừng. Vì vậy, đề nghị những người dân không nên tin và chạy theo trò bịp bợm của các đối tượng về dự án trồng rừng không hề có thật này”- Đại tá Hoàng Văn Vĩnh khuyến cáo.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng, đề nghị các doanh nghiệp, cá nhân là bị hại của bọn Nguyễn Phước, Minh “trầu” hoặc bị các nhóm đối tượng khác lừa đảo, đến trình báo với cơ quan CSĐT - Bộ Công an (Phòng 7, Cục Cảnh sát hình sự, số 14, ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội).

T. Hòa - Minh Châu
.
.
.