Bất ngờ về lượng súng mà người dân Mỹ đang sở hữu

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:25
Dân Mỹ đang sở hữu 393 triệu vũ khí các loại, tức là cho dù mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở nước này đều sở hữu một khẩu súng thì vẫn còn 67 triệu khẩu đang lưu hành.

Đây là con số thống kê trong ấn bản mới nhất về Khảo sát vũ khí nhỏ toàn cầu, một dự án của Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển ở Geneva, Thuỵ Sĩ.

Báo cáo này được xây dựng dựa trên dữ liệu chính thức, dữ liệu khảo sát và các thông số khác của  230 quốc gia và vùng lãnh thổ.  Theo đó, Mỹ là nơi tập trung số lượng người sở hữu vũ khí lớn nhất toàn cầu. Như trong năm 2017, trong khi chỉ chiếm 4% dân số thế giới, người Mỹ lại sở hữu khoảng 46% trong 857 triệu vũ khí dân sự toàn cầu. 

Ước tính, cứ 100 người dân Mỹ lại có 120,5 khẩu súng. Tỷ lệ sở hữu vũ khí ở Mỹ gấp hai lần so với quốc gia cao nhất tiếp theo là Yemen với 52,8 khẩu súng trên 100 người dân. Còn nếu tính tổng số vũ khí trên toàn thế giới thì Mỹ cũng đứng đầu, tiếp sau là Ấn Độ với số vũ khí lưu hành là 71,1 triệu vũ khí. 

Những con số này không bao gồm vũ khí thuộc sở hữu của các cơ quan thực thi pháp luật hoặc quân đội. Về quyền sở hữu súng, Mỹ đứng đầu trong số các quốc gia giàu có nhất thế giới với tỷ lệ sở hữu súng cao gấp ba lần tỷ lệ này ở nước cao tiếp theo là Canada. 

Tỷ lệ sở hữu súng ở Mỹ thậm chí còn cao gấp sáu lần so với mức trung bình của các quốc gia giàu có tương tự trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Mỹ là nơi tập trung số lượng người sở hữu vũ khí lớn nhất toàn cầu.

Đáng chú ý, 8 năm thời chính quyền Tổng thống Barack Obama là thời điểm bùng nổ phát triển của các nhà sản xuất súng của Mỹ. Số lượng súng được các nhà sản xuất tung ra thị trường tăng gấp đôi theo từng năm, từ năm 2009 đến năm 2013.  

Nguyên do là vì chính phủ không siết chặt luật về quyền sở hữu súng đạn. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện: "Tại Mỹ,  dân thường đã mua ít nhất 122 triệu vũ khí mới sản xuất hoặc được nhập khẩu trong giai đoạn 2006-2017". 

Và một khi quyền sở hữu súng toàn cầu tập trung vào người Mỹ,  thì quyền sở hữu súng của Mỹ tập trung thậm chí còn hẹp hơn trong các hộ gia đình. 

Tính đến năm 2017, Gallup khẳng định,  42% hộ gia đình Mỹ đã báo cáo sở hữu súng. Với ước tính 118 triệu hộ gia đình ở Mỹ (theo Điều tra dân số Mỹ), điều này có nghĩa là 393 triệu súng của đất nước được phân phối trong 50 triệu hộ gia đình. Tức mỗi hộ gia đình ở Mỹ trung bình sở hữu gần 8 khẩu súng. 

Theo ông Aaron Karp, một trong những tác giả của nghiên cứu, nguyên nhân khiến cho ngày càng có nhiều người trên thế giới sở hữu súng đạn là việc người dân Mỹ quá dễ dàng trong việc sở hữu đồ vật nguy hiểm này. Mỗi năm, những người Mỹ mua khoảng 14 triệu khẩu súng mới sản xuất trong nước và súng nhập khẩu. Thậm chí, dân Mỹ được phép sở hữu những loại súng cực mạnh, có độ sát thương cao vốn bị cấm tại nhiều nước khác.

Trước đó, một nghiên cứu độc lập của Harvard-Northeastern công bố năm 2016 cũng cho thấy, 3% người Mỹ đã trưởng thành  sở hữu một nửa vũ khí của quốc gia. 

Kết hợp với ước tính Khảo sát vũ khí nhỏ nhất được thực hiện cùng năm, điều đó có nghĩa là 3% người Mỹ trưởng thành sở hữu gần 1/4 kho dự trữ vũ khí dân sự trên thế giới. 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nghiên cứu Harvard-Northeastern dựa trên một cuộc khảo sát của các chủ sở hữu súng và ước tính số lượng súng này thấp hơn nhiều hơn con số thực tế là 265 triệu vũ khí vào tháng 1 năm 2015. 

Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ người dân sở hữu súng đạn tại các nước trên thế giới (trừ Mỹ) rất khác nhau. Chẳng hạn ở Montenegro, tỷ lệ này là 39 khẩu/100 dân và Canada  là 34 khẩu/100 người. Nhật Bản và Indonesia là những quốc gia có ít người dân sở hữu súng đạn nhất thế giới (chưa đến 1 khẩu/100 dân).

Vậy tại sao người Mỹ lại sở hữu nhiều súng đạn đến vậy? Quyền sở hữu súng đạn được bảo vệ trong Hiến pháp Mỹ. Thị trường kinh doanh súng tại Mỹ mang lại lợi nhuận khổng lồ và có quy mô không hề nhỏ. 

Người Mỹ mua từ 15 đến 16 triệu khẩu súng mỗi năm. Doanh thu của thị trường súng đạn năm 2016 là một con số khổng lồ 8,6 tỷ USD. Dù vậy, việc quản lý sử dụng súng vẫn luôn là đề tài nóng, gây rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và chính trường Mỹ nói chung, đặc biệt là sau khi các vụ xả súng nghiêm trọng xảy ra. 

Một con số thống kê đáng buồn khác còn cho thấy, vì có quá nhiều súng đạn nên mỗi năm, tại Mỹ có gần 1.300 trẻ em thiệt mạng và 6.000 trẻ bị thương do súng đạn. Kết quả nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Pediatrics của Mỹ còn cho thấy, tính trung bình, mỗi ngày tại nước này có ít nhất 19 trẻ em bị bắn chết hoặc bị thương do súng đạn. 

Nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2012 - 2104 còn chỉ ra rằng, sự cố liên quan đến súng đạn là nguyên nhân gây tử vong thứ ba đối với những trẻ em trong độ tuổi tử 1 - 17 ở Mỹ. Trẻ em người Mỹ gốc Phi nhìn chung có tỷ lệ chết do súng đạn cao nhất trong số các nhóm trẻ em thiểu số.

Khánh Chi
.
.
.