Bắt trùm băng nhóm xã hội đen người Ấn Độ

Thứ Bảy, 19/11/2011, 16:00

Người ta đồn rằng, trùm xã hội đen Pandey Prakash là chuyên gia cải trang, có tài biến hóa, bởi Cảnh sát ở các bang của Ấn Độ đã bắt được nhiều đối tượng trong tổ chức của gã, nhưng gã vẫn ung dung lẩn trốn được hơn chục năm nay. Chỉ đến khi gã lẩn trốn đến Việt Nam, mảnh đất gã nghĩ rằng khá an toàn, bởi có thể che giấu tung tích của gã thì gã lại bị sa lưới.

Báo chí Ấn Độ ví tên tội phạm Pandey Prakash như trùm xã hội đen Năm Cam của Việt Nam. Cảnh sát Ấn Độ cũng đã treo giải 20 vạn đồng ruby cho ai bắt được đối tượng. Nhưng người ta đồn rằng, Pandey Prakash là chuyên gia cải trang, có tài biến hóa, bởi Cảnh sát ở các bang của Ấn Độ đã bắt được nhiều đối tượng trong tổ chức của gã, nhưng gã vẫn ung dung lẩn trốn được hơn chục năm nay. Chỉ đến khi gã lẩn trốn đến Việt Nam, mảnh đất gã nghĩ rằng khá an toàn, bởi có thể che giấu tung tích của gã thì gã lại bị sa lưới.

Pandey Prakash - Nỗi khiếp đảm của người dân các vùng núi Ấn Độ

Pandey Prakash, sinh ngày 13/10/1970. Gã có khuôn mặt nam tính, đẹp trai như diễn viên điện ảnh. Vốn nghịch ngợm, mới lớn lên, Pandey đã tham gia bắt đầu bán rượu trái phép tại Almora. Sau khi mẹ chết và bố tái hôn, đối tượng đã trốn khỏi nhà, sau đó liên lạc với băng nhóm Chhota Rajan do Nikalje Rajendra Sadashiv, 52 tuổi cầm đầu. Gã trùm này cũng từng là đối tượng có hồ sơ truy nã đỏ số 28130/94, lệnh truy nã đỏ số A-360/7-1995; A-489/9-1998...

Tuy nhập băng nhóm sau nhưng Pandey lại có rất nhiều trò, biết "lựa chiều gió" để có cơ hội chui sâu, leo cao trong tổ chức của gã. Chính vì thế, khi 2 băng nhóm Dawood Ibrahim và Chhota Rajan bất hòa, Pandey là thành viên tích cực của băng Chhota Rajan trong việc tấn công đối thủ. Tháng 8 năm 2001, Pandey Prakash được giao thực hiện vụ tấn công ở Chhota Shakeel với sự trợ giúp của Haíh Shah và Bharat Nepali.

Pandey cũng thể hiện bản lĩnh bằng cách tham gia tích cực các tội ác dã man khác của băng nhóm, thậm chí sẵn sàng giương súng bắn chết đối thủ nếu cần thiết. Chính vì "chiến tích và bản lĩnh" này nên vị trí của Pandey trong băng nhóm lên cao vùn vụt và trở thành một trong những gã trùm xã hội đen của Ấn Độ.

Trước khi Pandey tách ra để thành lập băng nhóm riêng, đối tượng đã cùng với Chhota Rajan làm tiền Ấn Độ giả, đồng thời tham gia tống tiền tại nhiều nơi khác nhau như: Delhi, Mumbai, Uttarakhand và Uttar Pradesh... Đối tượng đã từng gọi điện tống tiền diễn viên Shah Rukh Khan. Trong các vụ án tống tiền, Cảnh sát Ấn Độ cho biết, đối tượng Pandey Prakash cũng có phương thức thủ đoạn hết sức mới mẻ, đơn giản nhưng hiệu quả. Đối tượng thường dụ dỗ nạn nhân bằng những mẩu tin quảng cáo trên báo để tìm kiếm những gương mặt mới cho các vai diễn. Sau đó gã và đồng bọn đã bắt những người này để tống tiền.

Băng nhóm của Pandey Prakash  là nỗi khiếp sợ tại Kumaon và các vùng đồi núi khác của Ấn Độ. Băng nhóm này hoạt động như mạng lưới mật thám và giàu lên nhờ sự phát triển của bất động sản. Phương thức thủ đoạn của Pandey khá đơn giản - đối tượng đòi số tiền nhỏ để chủ thầu và doanh nhân có khả năng chi trả.

Ngày 3/7/1995, tại Bombay, Ấn Độ, Pandey Prakash cùng đồng bọn đã sử dụng súng bắn một người đàn ông. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện nhưng đã chết sau đó 2 ngày. Ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Pandey Prakash đã sử dụng súng đe dọa các nhân viên Cảnh sát và bỏ trốn. Cũng theo nguồn tin Cảnh sát Ấn Độ cung cấp, đối tượng Pandey Prakash là một tên tội phạm hết sức nguy hiểm, là trùm băng nhóm xã hội đen tại Ấn Độ, có liên quan đến hơn 30 vụ án tống tiền và các tội ác dã man khác, cũng như những vụ nổ mìn tại Haldwani, Ấn Độ đầu năm 2000.

Ngày 18/9/2001, Tòa án Additional Chief Metropolitan Magistrate (Tòa án thứ 9) tại Bandra, Bombay, Ấn Độ đã ban hành lệnh truy nã đối tượng này. Sau đó, Ban Tổng thư ký Tổ chức Interpol đã ban hành Lệnh truy nã quốc tế đối với đối tượng này.

Hơn 10 năm qua, để che giấu tung tích, Pandey Prakash đã sử dụng nhiều tên khác nhau để lẩn trốn sự truy cứu của các cơ quan thực thi pháp luật Ấn Độ. Phải có đến gần chục cái tên giả được đối tượng này dùng để qua mặt các cơ quan chức năng. Gã đã bí mật rời Ấn Độ và đến lẩn trốn ở rất nhiều nước châu Á.

Từ năm 1999 - 2005, Pandey đã từng sinh sống tại các nước Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Iran, Singapore, Nepal. Báo chí Ấn Độ cũng cho biết, Pandey có tài hóa trang, vì vậy đã nhiều lần ngoan mục thoát các cuộc truy bắt của Cảnh sát nước này, dù nhiều tên đồng bọn của gã sa lưới. Đẹp trai, lại giàu có nên gã trùm xã hội đen Pandey có khá nhiều bạn gái. Một nhân viên phòng chống tội phạm làm việc với ACP Rajbir Sigh cho biết: "Qua việc theo dõi điện thoại của anh ta, chúng tôi phát hiện đối tượng có bạn gái người Campuchia và Nepal". Cảnh sát Uttarakhand cũng cố gắng lần theo dấu vết 2 trong số những bạn gái của đối tượng nhưng việc này cũng được Pandey đoán được nên gã vẫn trốn thoát.

Sa lưới tại Việt Nam

Năm 2007, Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được điện của Cảnh sát Ấn Độ đề nghị Cảnh sát Việt Nam phối hợp truy bắt đối tượng truy nã Pandey Prakash phạm tội giết người tại Ấn Độ, nghi bỏ trốn sang Việt Nam. Suốt 10 năm qua, đối tượng này đã lẩn trốn rất tinh vi và qua được sự truy bắt gắt gao của các cơ quan chức năng tại Ấn Độ. Năm 2004, Pandey đã sử dụng hộ chiếu giả số H5064017 mang tên Vijay Subash Sharma để nhập cảnh Việt Nam.

Nhận được đề nghị của Interpol Ấn Độ, Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan truy tìm đối tượng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đối tượng lẩn trốn dưới nhiều tên, hộ chiếu giả, giả mạo nhân dạng, bởi vậy tại thời điểm đó, lực lượng Cảnh sát Việt Nam chưa thể phát hiện được đối tượng.

Năm 2010, trước chuyến thăm và tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17 của Thủ tướng Ấn Độ, Văn phòng Interpol tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ xác minh về thông tin đối tượng tại Việt Nam. Qua những thông tin mới được Cảnh sát Ấn Độ cung cấp, Văn phòng Interpol Việt Nam đã trao đổi với các đơn vị nghiệp vụ liên quan, qua đó đã phát hiện đối tượng hiện đang lẩn trốn, sinh sống cùng vợ và hai con (một trai, một gái) tại một khu chung cư ở thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đã xác định rõ đối tượng và nơi ẩn náu của gã, ngày 22/10/2010, Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52), và các đơn vị có liên quan thuộc Tổng cục An ninh I, đã tiến hành bắt giữ đối tượng Pandey Prakash tại căn hộ số 8, tầng 20, chung cư Nhiêu Lộc, phường 12, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay ngày hôm sau khi đối tượng Pandey Prakash được trao trả cho phía Cảnh sát Ấn Độ (4/11/2010), nhiều báo chí Ấn Độ đã đồng loạt đưa thông tin về việc Văn phòng Interpol Việt Nam đã lập chiến công xuất sắc bắt giữ tên trùm xã hội đen, tên cướp khét tiếng Pandey Prakash, một tay súng thiện xạ của tổ chức Chhota Rajan, Dawood Ibrahim.

Các bài báo đã thể hiện sự hân hoan của người dân nước này, bởi cuối cùng, họ đã được thấy Pandey bị bắt giữ và dẫn giải về Ấn Độ để trả giá cho quá nhiều tội ác kinh hoàng của hắn. Và ca ngợi sự hỗ trợ lớn của Cảnh sát Việt Nam trong việc điều tra truy bắt tội phạm có lệnh truy nã quốc tế. Cảnh sát Ấn Độ hy vọng sau chiến công này, hoạt động phối hợp giữa Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát Ấn Độ thông qua kênh hợp tác Interpol sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hơn nữa.

Trả lời phỏng vấn của báo chí về vụ việc này, Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết: Văn phòng Interpol Việt Nam và Interpol New Delhi đã hợp tác chặt chẽ trong vụ việc này. Chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc và cung cấp cho nhau những thông tin mới nhất liên quan đến tiến trình truy tìm và bắt giữ đối tượng tại Việt Nam.

Ngay sau khi phát hiện đối tượng nghi vấn, Văn phòng Interpol Việt Nam đã đề nghị Interpol New Delhi cung cấp những thông tin (ảnh, dấu vân tay, lệnh truy nã, những thông tin khác về hành vi phạm tội của đối tượng) nhằm phục vụ hoạt động truy bắt đối tượng tại Việt Nam được an toàn.

Hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông báo truy nã đỏ cũng như đường truyền I-24/7 của tổ chức Interpol đã được sử dụng hết sức hiệu quả trong trường hợp này. Cụ thể, đó là phục vụ trực tiếp các mục đích như tra cứu thông tin về đối tượng, sử dụng thông báo truy nã đỏ của Ban Tổng thư ký Interpol như lệnh bắt giữ đối tượng, trao đổi thông tin giữa Văn phòng Interpol Việt Nam và Interpol New Delhi nhanh chóng và hiệu quả.

Việc bắt giữ và bàn giao đối tượng Pandey Prakash cho Cảnh sát Ấn Độ đã cho thấy sự hợp tác chặt chẽ của Cảnh sát Việt Nam với Cảnh sát các nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm truy nã quốc tế nói riêng. Mặc dù giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp nhưng một lần nữa, vụ việc này đã cho thấy sự hiệu quả trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia qua kênh hợp tác Interpol.

T.Hòa
.
.
.