Bắt tử thi tố cáo hung thủ

Thứ Bảy, 06/09/2014, 08:30

Giữa ngày hè oi bức, nóng nực, Đại úy Trần Bá Dương - Phó Đội trưởng Đội Giám định truyền thống, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Hòa Bình) vẫn miệt mài bên dụng cụ khám nghiệm, làm rõ các vật chứng thu lượm tại hiện trường. Những giọt mồ hôi nhễ nhại, hốc mắt đen sạm. Đó là chưa kể những lần xuống hiện trường, khám nghiệm tử thi khi thời tiết khắc nghiệt, tử thi thối rữa, bốc mùi. Từ 10 năm nay, Đại úy Dương quen với công việc gian khổ ấy mà có lẽ không phải ai cũng dám làm, dù chỉ là suy nghĩ. Sự đam mê, khát khao cháy bỏng được làm rõ sự thật, minh oan người vô tội, bắt "tử thi sống dậy tố cáo hung thủ".

Ấn tượng lần đầu khám nghiệm

Năm 2005, tốt nghiệp Đại học dân lập Đông Đô Hà Nội, khoa Điện tử viễn thông, người thanh niên trẻ Trần Bá Dương được tuyển dụng vào Công an Hòa Bình, phân công làm công tác khám nghiệm hiện trường tại phòng Kỹ thuật hình sự. Đây  là một công việc đầy khó khăn, vất vả, nguy hiểm bởi đối tượng tiếp xúc là những xác chết, những bộ phận cơ thể thối rữa, phân hủy, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

Nếu không có bản lĩnh, niềm đam mê với nghề, chắn hẳn không phải ai cũng dám nhận nhiệm vụ. Trong thực tế, nhiều cán bộ khám nghiệm do không chịu nổi áp lực công việc, ám ảnh về nghề, làm đơn chuyển đơn vị khác. Với Đại úy Dương, ngay từ khi vào nghề, anh xác định cho mình bản lĩnh vững vàng, dù nhiệm vụ đó khó khăn, vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng mình. Ấn tượng đầu tiên với người giám định viên trẻ chập chừng vào nghề là tham gia khám nghiệm tử thi 2 vụ tai nạn giao thông gây chết người đọng lại trong tâm trí.

Lực lượng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hòa Bình lên đường làm nhiệm vụ.

Đó là buổi tối cuối tháng 11/2005, vừa nhận công tác được 10 ngày, đang trực ban tại đơn vị, Trần Bá Dương và đồng đội nhận được tin tại xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ôtô và xe máy. Vụ va chạm mạnh khiến người đi xe máy tử vong ngay tại chỗ. Điều đáng nói, những tổ chức cơ thể bị vỡ nát, tổ chức cơ thể, óc, tim, phổi bám vào thành xe, máu loang lổ khắp mặt đường. Lần đầu tiên được cử đi công tác, lại chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng, anh không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng.

Nhưng vì nhiệm vụ chàng thanh niên trẻ Trần Bá Dương đã dũng cảm, tiến hành mổ tử thi, chụp ảnh, lấy vân tay và vẽ hiện trường khi nỗi sợ chỉ còn đọng lại ở phía sâu, tận cùng trong đôi mắt. Nhìn thao tác thuần thục của anh, nhiều người nghĩ anh là một cán bộ lâu năm trong nghề chứ không phải "lính mới tò te". Sau khi làm xong thủ tục khám nghiệm, anh cẩn thận lau sạch vết máu, bàn giao tử thi cho gia đình làm thủ tục mai táng. Vừa kết thúc công việc, người mệt nhoài, anh tiếp tục nhận được tin tại thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình), cách đó khoảng 15km xảy ra vụ tai nạn giao thông làm chết 1 người.

Lần đầu làm nhiệm vụ, anh thực sự choáng ngợp trước nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, bản thân anh trước đó không hề nghĩ tới. Được mọi người động viên, chia sẻ, anh có thêm quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau khi nhận thông tin, anh lại cùng đồng đội thu dọn hành lý, phương tiện di chuyển đến hiện trường. Lúc này đã là 12h đêm, trời tối đen, các anh phải sử dụng thiết bị chiếu sáng dự phòng khám nghiệm hiện trường. Nạn nhân bị tử vong sau  vụ va chạm mạnh giữa 2 xe máy đi ngược chiều.

Đồng chí Trần Bá Dương đang giám định tài liệu.

Có được chút ít kinh nghiệm từ lần khám nghiệm trước đó,Trần Bá Dương lao ngay vào công việc, vẽ hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng, xác định nguyên nhân chết.. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay lần đầu tham gia tổ khám nghiệm, Trần Bá Dương được lãnh đạo và anh em trong đơn vị chia vui, động viên khích lệ. "Nói thật, cái cảm giác lần đầu tiếp xúc với tử thi khiến tôi mất ăn, mất ngủ nhiều ngày liên tục. Hình ảnh nạn nhân chết thảm ám ảnh, bao trùm tâm trí. Vì nhiệm vụ, mình phải nỗ lực, cố gắng vượt qua" - Đại úy Trần Bá Dương chia sẻ.

Khi chúng tôi có nhã ý muốn nghe anh kể về những kỷ niệm sâu sắc, mà anh tham gia khám nghiệm, anh cười bảo: Nhiều lắm, khó mà có thể nhớ ngay được, bởi quá nhiều vụ. Bình quân mỗi năm, lực lượng KTHS phải khám nghiệm khoảng 200 tử thi. Như vậy, làm một phép tính đơn giản, 10 năm gắn bó với nghề, anh cùng đồng đội tham gia khám nghiệm khoảng 2.000 tử thi các loại. Con số trên thực sự làm chúng tôi giật mình. Anh học được ở đàn anh đi trước tính thận trọng, tỷ mỷ, say sưa với nghề.

Khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề cần thực hiện một cách khách quan, toàn diện, chính xác bởi chỉ một nhận định chủ quan, duy ý chí, sẽ gây hậu quả khôn lường, làm sai lệch bản án, chệch hướng điều tra của cơ quan chức năng. Tính cách đó ăn sâu vào con người Trần Bá Dương, anh ít nói về mình. Chỉ có công việc mới thực sự lôi cuốn anh vào câu chuyện.

Bắt tử thi sống lại tố cáo hung thủ..

Vào khoảng tháng 7/2008, trong quá trình khai thác than tại xóm Mường Vọ,  xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), những người công nhân đã phát hiện dưới đáy hầm sâu gần 100m có một xác người đang ở giai đoạn phân hủy, chỉ còn lại bộ hài cốt. Theo ghi nhận, hầu hết người dân địa phương cho rằng đây là vụ "tai nạn rủi ro", nạn nhân không may rơi xuống mỏ than dẫn đến tử vong.

Ngay sau đó, Trần Bá Dương cùng bộ phận khám nghiệm, phòng Kỹ thuật hình sự được điều động tới hiện trường. Hiện trường là khu vực khá vắng vẻ, hoang sơ, nằm cạnh con suối. Việc triển khai khám nghiệm gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Không quản ngại khó khăn, vất vả, anh đã trực tiếp xuống dưới đáy hầm than để tiến hành khám nghiệm. Lúc này, quần áo của anh lấm lem bùn đất, khuôn mặt xám xịt, không gian ngột ngạt, khiến đồng đội cảm thấy e ngại. Khắc phục khó khăn, không lâu sau anh tiếp cận được bộ hài cốt.

Thông qua công tác khám nghiệm, các giám định viên phát hiện xương sọ bộ hài cốt bị rạn nứt, phía sau gáy đỉnh đầu có một vết lõm tròn và vỡ một mảnh nhỏ. Với kinh nghiệm trong nghề, anh chú ý tới những vật chứng để lại tại hiện trường gồm: 1 đôi giày, 1 bộ quần áo và 1 chùm chìa khóa.. Thông qua đó, các giám định viên khẳng định đây là vụ án giết người hết sức dã man. Tuy nhiên, việc xác định tung tích nạn nhân rất khó khăn, phức tạp vì không thể nhận dạng với các thông tin như vậy. Anh và các cộng sự thận trọng đánh giá hiện trường, tử thi và các vật chứng để lại tại hiện trường.

Đây rất có thể là chi tiết quan trọng, gợi mở hướng điều tra của vụ án. Trên cơ sở các kết luận của giám định viên, Ban chuyên án đã xác định nạn nhận là chị Quách Thị Vẹn, 31 tuổi,  ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi. Tiến hành điều tra, xác minh các mối quan hệ của chị Vẹn, chỉ 2 ngày sau, cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng phạm tội là tên Bùi Văn Cương, 51 tuổi ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Đáng chú ý, tên Cường lại chính là bạn trai của chị Vẹn. Một kết cục đáng buồn của mối tình vụng trộm.

Ngoài ra, vụ án mạng giết người, đốt xác xảy ra tháng 3/2007, tại xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình) lại mang đến cho anh trải nghiệm khác. Hiện trường là đống tro tàn, xác người phụ nữ bị đột cháy tư thế bị cột chặt, còn hằn trên lớp da cháy sạm, biến dạng. Nhìn cảnh tượng thương tâm đó, ai nấy đều cảm thấy xót xa, đau đớn thân phận người phụ nữ bị chết oan uổng.

Tuy nhiên, việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng rơi vào bế tắc, nhân chứng duy nhất đã chết, những tài liệu thu được không rõ nét. Song anh và đồng đội quyết tâm làm sáng tỏ vụ án, sử dụng chính hiện trường vụ án tố cáo tội ác hung thủ. Cũng để người phụ nữ xấu số ở thế giới bên kia yên lòng. Với tinh thần trách nhiệm cao, anh cùng đồng đội thận trọng, tỷ mỷ thu lượm các vật chứng tại hiện trường, xem xét, đánh giá dấu vết một cách khách quan, chính xác, tiến hành các thao tác mổ xẻ tử thi nhằm xác định nguyên nhân chết.

Qua đó, tổ khám nghiệm phát hiện có vết nứt trên hộp sọ, cơ thể hằn lên các vết buộc, thâm tím. Bên cạnh đó, tổ khám nghiệm thu được một thanh gỗ tại hiện trường. Trên cơ sở kết luận của giám định viên, Ban, chuyên án tìm ra quy luật  hình thành dấu vết tử thi, từ đó xác định thủ đoạn gây án của hung thủ.

Tham gia tổ công tác khám nghiệm hiện trường.

Theo đó, nạn nhân bị lừa vào phía trong Hang Khoài, sau đó, lợi dụng nạn nhân sơ hở, mất cảnh giác, đối tượng bất ngờ sử  dụng thanh gỗ tấn công từ phía sau dẫn tới tử vong. Sau khi chết, đối tượng sử dụng dây thừng buộc nạn nhân, sau đó dùng xăng đốt xác phi tang. Kết hợp với các nguồn tin do quần chúng cung cấp, cơ quan điều tra đã xác định nạn nhân là chị Phùng Thị Minh, 40 tuổi ở xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe, Mai Châu. Những thông tin mang tính bước ngoặt của bộ phận khám nghiệm đã hé mở hướng điều tra tiếp theo của cơ quan Công an. Không lâu sau đó, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã bắt 2 đối tượng phạm tội là Lê Thị Hoa, 48 tuổi và Bùi Văn Trưởng, 40 tuổi đều trú tại xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe. Những thông tin do đối tượng khai nhận tại cơ quan điều tra hoàn toàn trùng khớp với nhận định, phán đoán trước đó của anh và đồng đội.

Đối với một cảnh sát điều tra nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, là một giám định viên thì nhiệm vụ lại càng nặng nề gấp bội. Xét ở góc độ tâm linh, việc khám nghiệm tử thi là làm thay người chết để nói lên lẽ phải, thay người chết tố giác tội phạm và tìm nguyên nhân xảy ra. Tuy nhiên, để vạch trần bộ mặt của kẻ phạm tội, Đại úy Trần Bá Dương cùng đồng đội đã phải đánh đổi nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ, thậm chí cả sức khoẻ, tính mạng của bản thân.

Nhiều lúc vì áp lực công việc, gia đình, anh định chuyển sang lĩnh vực khác, vừa an nhàn, lại tránh được rủi ro thường trực. Song vượt lên trên hết, niềm đam mê cống hiến, góp phần làm sáng tỏ vụ án, trả lại sự công bằng cho xã hội, Trần Bá Dương lại tiếp tục cống hiến, làm nên nhiều thành công mới

Như Hùng
.
.
.