Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Bầu Kiên chối tội bằng lý lẽ thiếu thuyết phục

Thứ Ba, 06/01/2015, 08:00
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã diễn ra được một nửa chặng đường. Trong số sáu bị cáo làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và đang được xét xử phúc thẩm thì duy nhất bị cáo Kiên kháng cáo không thừa nhận hành vi phạm tội đối với cả bốn tội danh. Theo dõi qua năm ngày xét xử phúc thẩm vụ án này, chúng tôi thấy bị cáo Kiên vẫn giữ thái độ tự đắc khi trả lời các câu hỏi của HĐXX. Nhưng những lý lẽ mà bị cáo Kiên đưa ra để chối tội lại không đủ thuyết phục những người tham gia tố tụng.

Đối với hành vi kinh doanh trái phép: Sau khi thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên đã lập ra sáu công ty và đều giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV. Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức  Kiên, các công ty này không kinh doanh ngành nghề theo giấy phép đăng ký mà kinh doanh tài chính không phép bằng cách góp vốn vào các công ty khác để mua cổ phần, cổ phiếu nhiều ngân hàng với số tiền từ 450 tỷ đồng đến hơn 1.400 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Kiên bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 tháng tù giam.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Kiên biện minh rằng: "Bản án sơ thẩm quy kết các công ty của tôi không đăng ký kinh doanh vàng, nhưng lại kinh doanh vàng là vi phạm là chưa thỏa đáng. Vì trong giấy phép đăng ký kinh doanh của các công ty có ghi rõ là mua - bán hàng hóa. Theo cách hiểu của tôi thì vàng là một loại hàng hóa. Vậy thì không phải đăng ký kinh doanh thêm mặt hàng vàng nữa. Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng phán quyết các công ty của tôi không kinh doanh các ngành nghề đã đăng ký mà lại kinh doanh tài chính không được cấp phép là chưa thuyết phục. Bởi tôi cho rằng, không nhất thiết cứ đăng ký ngành nghề nào thì công ty phải kinh doanh ngành nghề ấy".

Đối với hành vi trốn thuế: Công ty B&B do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT đã ủy quyền ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB thực hiện các hợp đồng đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam đã thu được số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng. Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong sáu tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Nguyễn Kiên đã chỉ đạo vợ mình là bà Đặng Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái ông ta là bà Nguyễn Thúy Hương.

Nhưng do Công ty B&B không đăng ký ngành nghề kinh doanh "nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài" nên hợp đồng ủy thác giữa bà Hương và Công ty B&B được xác định là không hợp pháp. Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho bà Hương thụ hưởng để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Với hành vi này, Nguyễn Đức Kiên bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù giam. Khi HĐXX thẩm vấn về hành vi trốn thuế, bị cáo Kiên không đưa ra được lý do nào thuyết phục mà chỉ nói theo kiểu lấp liếm: "Dù Công ty B&B không đăng ký ngành nghề ủy thác đầu tư, nhưng tôi nghĩ việc công ty nhận ủy thác đầu tư là bình thường. Vì thế tôi không cho rằng mình đã phạm tội trốn thuế".    

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: liên quan đến việc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội do bị cáo Kiên làm Chủ tịch HĐQT tự ý chuyển nhượng trái phép hơn 20.000.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng, tại phiên xử, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát cho biết, sau khi biết việc công ty mua nhầm 20.000.000 cổ phiếu không phải của Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội đang sở hữu nên đã có đơn gửi những người có trách nhiệm trong Tập đoàn Hòa Phát và cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị làm rõ.

Còn đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho biết: "Việc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bán 20.000.000 cổ phiếu của công ty chúng tôi cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, chúng tôi không biết". Bị cáo Kiên cho rằng: "Quá trình chơi với nhau, tôi và anh Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát có thỏa thuận với nhau về việc chuyển nhượng cổ phần để Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục đầu tư theo hướng mới". Nhưng ông Long khẳng định, không biết gì về việc này thì không thể gọi là thỏa thuận được. Với tội danh cố ý làm trái, bị cáo Kiên đã bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam.

Khi HĐXX thẩm vấn, bị cáo Kiên thừa nhận, công ty của ông ta trong quá trình chuyển nhượng cổ phần đã xảy ra sai sót. Nhưng bị cáo Kiên lại đổ thừa rằng, những sai sót này là do Ngân hàng ACB chậm thủ tục nên việc khắc phục sai sót chưa diễn ra như ý muốn của ông ta. "Khi xảy ra vụ án này, Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội chưa kết thúc thực hiện trách nhiệm của mình. Nhưng không vì thế mà cho rằng, tôi đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Kiên tiếp tục biện minh.

Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: liên quan đến việc ủy thác cho 19 cá nhân là nhân viên của Ngân hàng ACB gửi tiền mặt và USD tại Vietinbank số tiền gần 720 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền ủy thác đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Với hành vi này, tòa sơ thẩm xác định, Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã làm trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 và tuyên phạt bị cáo Kiên 18 năm tù giam.

HĐXX thẩm vấn các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB bị tòa sơ thẩm quy kết về hành vi này, các bị cáo đều khẳng định, vai trò của Nguyễn Đức Kiên trong Ngân hàng ACB là rất quan trọng. Lý do vì ông ta là cổ đông lớn trong ngân hàng này nên những ý kiến của Kiên đều được anh em tôn trọng. Thậm chí cả Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng ACB khi xây dựng cũng phải dựa trên ý kiến của ông ta.

Bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên) đã nhiều lần khóc khi HĐXX thẩm vấn.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này vẫn đang diễn ra, HĐXX phúc thẩm cũng chưa đưa ra phán quyết nào về hành vi của bị cáo Kiên và đồng phạm. Nhưng phải thừa nhận rằng, HĐXX phúc thẩm vụ án này đã thực hiện rất tốt thủ tục cải cách hành chính tư pháp theo quy định trong quá trình xét xử.

HĐXX đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến lập luận của các bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng để chứng minh cho quy kết của tòa sơ thẩm mà họ thấy chưa thuyết phục. Căn cứ theo lời khai nhận của các bị cáo đồng phạm với bị cáo Kiên có thể thấy rõ, các tài liệu thể hiện trong quá trình điều tra vụ án này đã được cơ quan điều tra Bộ Công an làm đúng thủ tục tố tụng, thể hiện đúng bản chất của vụ án. Chính những tài liệu chính xác của cơ quan điều tra đã kịp thời vạch trần những hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn  Đức Kiên và đồng phạm.

Việc các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố và xét xử ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này một cách khách quan đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng theo đúng đường lối mà Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đã đặt ra.

Theo bản án sơ thẩm, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Nguyễn Đức Kiên bị phạt 30 năm tù giam cho cả bốn tội danh trên. Ngoài hình phạt tù, Kiên còn bị phạt bổ sung số tiền hơn 75 tỷ đồng về tội trốn thuế; 100 triệu đồng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa sơ thẩm cũng buộc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT phải truy nộp số tiền hơn 25 tỷ đồng tiền thuế đã trốn thuế.
Nguyễn Hưng
.
.
.