'Bẫy xin việc' chiếm đoạt tiền tỷ của các siêu lừa

Thứ Tư, 28/10/2015, 09:00
Lợi dụng, nắm bắt tâm lý nôn nóng của các sinh viên mới ra trường và người lao động đang khát việc làm, một số đối tượng tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã “nổ” về khả năng giới thiệu việc làm để lừa đảo...
Tinh vi hơn, chúng còn "tung bánh vẽ" lên các trang mạng xã hội những tin nhắn tuyển dụng kiểu: "Chỉ cần khoảng 2- 3 giờ mỗi ngày, người lao động có thể kiếm được 2,5 đến 4 triệu đồng", hoặc "Giới thiệu chỗ làm tốt cho sinh viên, lương cao"… Những phi vụ lừa đảo lên đến hàng chục tỉ đồng của những "siêu quái xin việc làm" này vừa bị Công an các tỉnh thành lật mặt và ngăn chặn vào đầu tháng 10/2015. 

Từ bánh vẽ "việc làm" trên internet

Theo tố giác của nhiều sinh viên (SV) tại các trường đại học (ĐH) trên địa bàn Đà Nẵng như: ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Cao đẳng nghề Nguyễn Văn Trỗi… thì: Giữa tháng 9, đầu tháng 10/2015, thông qua mạng internet nhiều bạn SV đã nhận được các mẩu tin tuyển dụng vô cùng hấp dẫn. Trong đó phải kể đến các nghề rất hợp với SV làm thêm như tuyển nhân viên đánh máy, nhập liệu tại nhà. Các mẫu tuyển dụng này còn ra rả những lời quảng cáo có cánh để hút các SV như: "Cần tuyển dụng gấp, không hạn chế số lượng, thời gian phỏng vấn và nhận việc chỉ sau 20 phút.

"Trụ sở" công ty tuyển dụng Nhân Lực Việt.

Không cần bằng cấp, trình độ. Chỉ cần có máy tính nối mạng internet, bỏ ra 2 - 3 giờ/ngày làm việc tại nhà, lương nhận được là 3 - 4 triệu/tháng…". Hoặc "Các bạn chẳng cần ra khỏi nhà, chẳng mất thời gian học tập, lại tránh được mưa nắng, tiêu tốn xăng xe… nhưng vẫn kiếm được một số tiền lớn"… Chính vì cả tin, lại mong muốn tranh thủ có tiền trang trải các khoản học phí gánh đỡ một phần khó khăn cho gia đình nên không ít SV đã vội vàng nộp đơn xin việc tại các công ty "ảo" này.

Hai nữ SV Trần Thị P. (khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) và Nguyễn Thị V. (23 tuổi, vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) bức xúc phản ảnh với chúng tôi: “Bọn em đều là SV nghèo, sống xa nhà, nên rất muốn tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, khi nhận được tin nhắn trên mạng internet về thông tin Công ty N. L. V. (địa chỉ số 566 Tôn Đản, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) tuyển dụng nhân viên gõ mã Captcha (tên gọi khác của việc làm đánh máy, nhập liệu), có công việc nhẹ nhàng, lương cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay bằng cấp gì, phù hợp với sinh viên… nên đã vội vàng liên hệ theo số điện thoại, địa chỉ trên để nộp hồ sơ. Không những thế, bọn em còn giới thiệu cho rất nhiều bạn bè của mình cùng tham gia. Khi bọn em liên hệ với công ty N.L.V, một nhân viên Công ty còn "tăng thêm niềm tin" bằng cách cho bọn em xem bảng lương của những người làm trước đó, trong đó có người một tuần nhận được đến 2 triệu đồng…”.

Thế nhưng, khác hoàn toàn với những lời quảng cáo hấp dẫn, khi các SV có mặt tại văn phòng đại diện công ty N. L. V. thì mới vỡ lẽ, thực chất đây chỉ là một căn nhà cấp 4, nằm sâu trong khu dân cư. Ngay cả tấm bảng hiệu công ty cũng nằm khuất sau cánh cửa. Trong văn phòng chật chột chỉ có vỏn vẹn 3  nhân viên, nhưng có đến hàng chục người đang chầu chực đến lượt phỏng vấn.

Tại phòng phỏng vấn, một phụ nữ khoảng 30 - 35 tuổi không hề đeo bảng tên cũng không hề xưng tên họ đã giới thiệu về công việc cụ thể là: Mỗi SV sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu. Khi đăng nhập vào tài khoản, phần mềm sẽ hiển thị các chữ, số, ký tự đơn giản. Công việc của người được tuyển dụng chỉ là gõ đúng những mã đó. Với khả năng đánh máy bình thường, thì trong 30 phút, nhân viên sẽ gõ được khoảng 1.000 mã (công ty trả 15đồng/ mã). Sau khi thấy các SV đã đủ tin tưởng người phụ nữ đưa cho mỗi bạn một tờ giấy gọi là "hợp đồng hợp tác nhập liệu". Trong đó, có điều khoản, khi ký hợp đồng, nhân viên phải nộp 195.000 đồng, gọi là phí tạm ứng hỗ trợ dịch vụ và duy trì phần mềm?!. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho các SV nếu sau 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng…

Tuy nhiên, khi các bạn SV đồng ý đóng tiền và chính thức trở thành "nhân viên" của công ty thì lại gặp phải một chuyện "tiến thoái lưỡng nan". Khi các SV đăng nhập vào tài khoản để làm việc, trên màn hình lại hiện ra những dãy ký tự phức tạp đến… kinh dị. Đã thế, "luật chơi" của công ty đưa ra lại vô cùng "hiểm": Gõ đúng dưới 90%, gõ sai liên tiếp nhiều lần, gõ chậm hơn 15 giây; sai quá 40 lỗi/ngày/ tài khoản thì tài khoản lập tức bị "đá" ra khỏi hệ thống. Quá 20 lần trong một ngày, tài khoản bị khóa vĩnh viễn.

Đối tượng Ngô Lê Thị Thủy.

Điều đáng nói là, trong toàn bộ quá trình phỏng vấn, nhân viên Công ty N.L.V không hề đề cập đến những "luật" trên. Mãi đến khi một số SV gọi vào số của kỹ thuật viên thì mới được giải thích rằng: "Đọc lại phần lưu ý trong trang hướng dẫn, công ty có nêu rõ rồi!". Và thực chất của việc làm "đánh máy, nhập liệu" tại nhà chỉ là một trò "đỏ đen", mà phần thua thiệt chắc chắc thuộc về người lao động.

Đến đây các bạn SV mới giật mình, do mình không tìm hiểu công việc rõ ràng nên đành "bấm bụng ăn quả lừa". Chiêu tuyển dụng việc làm thực chất chỉ là bức bình phong để những Công ty như N.L.V dựng lên nhằm thu lợi bất chính, các SV đã phải tự bỏ việc, mất khoản tiền cọc cho công ty… Đáng nói, hiện vẫn còn nhiều SV, thậm chí là một số người lao động đang tiếp tục bị sập bẫy…

Đến chiêu lừa xin việc, chiếm đoạt tiền tỷ của các quái nữ

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Đà Nẵng cho biết:  Vào ngày 23/9, Cơ quan CSĐT đã tiếp nhận từ Công an quận Cẩm Lệ đối tượng Ngô Lê Thị Thủy (28 tuổi, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, Thủy không có nghề nghiệp gì, nhưng lại thích đua đòi và chưng diện. Để có kinh phí cho các cuộc làm đẹp của mình, ngoài khoác lên mình những bộ cánh sang trọng, Thủy còn uốn ba tấc lưỡi khoe rằng ả có quan hệ rộng, quen biết nhiều "sếp lớn". Thủy cũng tự ''nổ'' chỉ cần mức phí xin việc từ 50 - 400 triệu đồng tùy vào ngành, nghề, vị trí làm việc gọi là "phí bôi trơn" cho các sếp, Thủy sẽ dễ dàng xin việc làm cho các gia đình có con em đang cần việc làm.

Sau khi gia đình các nạn nhân tin tưởng, đưa tiền cho Thủy và nhận được lời nói chắc nịch: "Chỉ chừng chưa đầy 1 tháng sau là em nó đi làm"… thì ả ta cũng bỏ trốn biệt tăm. Thậm chí, một số nạn nhân khác còn bị Thủy giở chiêu độc "trả lương" chuyển tiền qua tài khoản. Ả lấp liếm rằng, phía công ty tin tưởng cho người lao động ứng trước lương, sau đó mới sắp xếp công việc thích hợp rồi chờ thời gian đi làm sau… Kết quả vào cuộc điều tra làm rõ, cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng còn phát hiện tổng cộng Thủy đã lừa đảo của 13 người với số tiền mà Thủy chiếm đoạt trên 2,2 tỷ đồng.

Một quái nữ khác có chiêu thức lừa đảo, xin việc chẳng khác gì Ngô Lê Thị Thủy là Nguyễn Thị Thanh Hoa (53 tuổi, trú số 9B Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa, TP Huế). Vào ngày 21/10/2015 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng so với Thủy, thì Thanh Hoa còn vượt hơn nhiều bậc về độ quái và số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân thuộc hàng khủng.

Chỉ trong vòng 1 năm (từ năm 2013 -2014) nạn nhân của Hoa có đến 300 người, rải khắp các tỉnh thành miền Trung như Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Bình… tổng số tiền lừa đảo, chiếm đoạt  lên đến 22 tỷ đồng.  Qua đó, vào năm 2013, biết Bệnh viện Quốc tế, thuộc Bệnh viện Trung ương (TW) Huế vừa thành lập cần tuyển dụng khoảng 500 cán bộ, nhân viên nên Hoa tự giới thiệu mình quen biết với lãnh đạo cấp cao và khoe mình có chồng hiện là Phó khoa ở bệnh viện này để cam kết xin việc cho nhiều người vào làm ở bệnh viện với giá từ 80-120 triệu đồng/suất. Sau khi giao tiền cho Hoa nhưng không thấy phía bệnh viện thông báo gì nên những người này đã gặp Hoa đòi lại tiền và gửi đơn tố cáo lên Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Căn nhà số 9B Ngô Thời Nhậm và giấy "nhận tiền xin việc" của siêu lừa Nguyễn Thị Thanh Hoa.

Đáng nói, các đối tượng mà Hoa nhắm đến để lừa đảo không những là sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường chưa có việc mà còn có cán bộ công chức ở các tỉnh thành như: Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và TP Đà Nẵng. Đặc biệt, Hoa không những lừa "chạy việc" vào Bệnh viện TW Huế mà còn lừa xin việc cho nhiều người đi dạy học hay vào ngành Giáo dục với "giá" 80-100 triệu đồng/suất; vào Quân đội, Công an với giá 300 - 320 triệu đồng/suất. Liên quan đến vụ án này, Công an tỉnh Quảng Bình và Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Nguyễn Thị Thanh Hoa khi đối tượng chiếm đoạt trên 4 tỷ đồng bằng hình thức lừa chạy việc của hàng chục cá nhân khác.

Cũng theo Công an TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện các vụ việc lừa xin việc, chiếm đoạt tài sản đang được tiếp tục điều tra mở rộng, còn ai là nạn nhân của các nữ quái, siêu lừa xin việc Ngô Lê Thị Thủy và Nguyễn Thị Thanh Hoa đề nghị liên hệ đến cơ quan CSĐT Công an các tỉnh thành để cung cấp thông tin, điều tra vụ án.

Hoài Thu
.
.
.