Bê bối của cảnh sát tại một số quốc gia

Thứ Năm, 04/06/2015, 07:00
Washington đã có phản ứng ngay sau khi Đại tá Gulmurod Khalimov, nguyên Tư lệnh lực lượng cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc Bộ Nội vụ Cộng hòa Tajikistan tuyên bố trong đoạn video vừa đưa lên mạng. 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Pooja cho biết, Đại tá Gulmurod Khalimov đã tham gia 5 khóa huấn luyện tại Mỹ và Tajikistan (2003-2014) theo chương trình hợp tác chống khủng bố của Bộ ngoại giao Mỹ.

Ngày 28/5, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã giúp mọi người biết về tung tích của Đại tá Gulmurod Khalimov, người từng bị coi mất tích cách đây 2 tháng. Bởi trong đoạn video đưa lên mạng, Đại tá Gulmurod Khalimov tuyên bố, đã đào ngũ khỏi lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Tajikistan để đầu quân cho IS vì bất mãn với chính sách của Tổng thống Tajikistan Emamoli Rahmon, người có quan điểm cứng rắn đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Mặc dù từng được đặc nhiệm Mỹ huấn luyện để trở thành người đứng đầu lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Tajikistan, nhưng Đại tá Gulmurod Khalimov lại muốn tiêu diệt người Mỹ. Và Gulmurod Khalimov đã trở thành nhân vật cấp cao nhất của nước ngoài đầu quân cho IS.

Cựu chỉ huy cảnh sát Ali Fuat Yilmazer bị bắt.

Ngày 29/5, tờ New Straits Times của Malaysia cho biết, 4 cảnh sát Malaysia đã bị bắt vì bị tình nghi có liên quan tới việc trợ giúp những kẻ buôn người qua biên giới. Trước đó (28/5), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Datuk Seri Dr Wan Junaidi Tuanku Jaafar tuyên bố, 2 trong số 4 cảnh sát kể trên bị nghi có liên quan đến những ngôi mộ mới được tìm thấy tại Bukit Wang Burma.

Phó Tổng Thanh tra cảnh sát Malaysia Datuk Seri Noor Rashid Ibrahim cho biết, tính đến ngày 28/5 đã có 13 thi thể được khai quật để khám nghiệm. Trong khi đó, hãng Reuters trích lời Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Somyot Poompanmuang cho biết, có hơn 50 cảnh sát Thái Lan bị nghi buôn người xuyên quốc gia đã bị thuyên chuyển công tác, và việc này diễn ra ngay sau khi Thủ tướng nước này kêu gọi điều tra hoạt động buôn bán người gần biên giới Malaysia. Chính phủ Thái Lan đang thực hiện các biện pháp quan trọng nhằm đối phó với tình trạng buôn người, trong đó có việc truy tố hàng chục quan chức liên quan đến vấn nạn này.

Ngày 6/5, khoảng 1.000 người biểu tình đã tụ tập tại thủ đô Skopje, đốt các thùng rác, đập phá cửa sổ ở tòa nhà chính phủ Macedonia, phá hoại ôtô đỗ trên đường, yêu cầu chính phủ từ chức sau khi xuất hiện cáo buộc của thủ lĩnh đảng đối lập cho rằng, nội các của Thủ tướng Nikola Gruevski đã che giấu vụ cảnh sát đánh chết một thanh niên 22 tuổi trong thời gian diễn ra hoạt động biểu tình hậu bầu cử năm 2011. Căng thẳng chính trị tại Macedonia ngày càng leo thang sau khi chính phủ cáo buộc lãnh đạo phe đối lập Zoran Zaev và 4 người khác hoạt động gián điệp, đồng thời đe dọa sử dụng bạo lực.

Còn ông Zoran Zaev cáo buộc chính phủ từng nghe lén điện thoại của ít nhất 20.000 người, trong đó có chính trị gia, nhà báo và thủ lĩnh tôn giáo.

Gần 4 tháng trước (5/2), Giám đốc cảnh sát tư pháp Pháp Bernard Petit bị cáo buộc để lộ thông tin về vụ điều tra cựu Giám đốc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm GIGN Christian Prouteau trước khi ông này bị bắt hồi tháng 10/2014 bởi liên quan đến một vụ giả mạo giấy tờ cho những người nhập cư trái phép. Trước đó (tháng 8/2013), dư luận khá quan tâm tới phiên tòa tại Tòa án tối cao ở Paris bởi đó là lần đầu tiên 13 người dân dám đứng ra tố cáo hành vi phân biệt đối xử của lực lượng cảnh sát. Luật sư của 13 người kể trên yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyền lợi cho mỗi nạn nhân 10.000 euro.

Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt 21 cảnh sát (8/2) với cáo buộc nghe lén điện thoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các quan chức cấp cao khác. Và đây là vụ bắt giữ thứ 9 nhằm vào lực lượng cảnh sát trong cuộc điều tra về âm mưu tố cáo tham nhũng đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và con trai ông.

Trước đó (5/1), ít nhất 20 cảnh sát đã bị bắt với nguyên nhân tương tự và đó là vụ bắt giữ mới nhất sau hàng loạt đợt bắt giữ kể từ tháng 7/2014. Gần 1 năm trước (5/8/2014), 33 cảnh sát bị bắt và Cơ quan An ninh Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện việc này tại thủ đô Istanbul và hơn 10 tỉnh khác trong cùng một thời điểm. Và đây là đợt bắt giữ thứ 2 sau vụ bắt 115 cảnh sát hôm 22/7/2014 vì bị cáo buộc nghe trộm điện thoại và hoạt động tội phạm có tổ chức.

Trước đó (21/12/2013), 16 quan chức cấp cao cảnh sát cùng con trai của Bộ trưởng Nội vụ,  Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Quy hoạch Đô thị & Môi trường đã bị khởi tố vì có liên quan đến bê bối tham nhũng. Việc này diễn ra sau khi Cảnh sát trưởng Istanbul Huseyin Capkin bị sa thải và 51 quan chức cảnh sát khác bị thẩm vấn.

Mạnh Phong
.
.
.