Bê bối gián điệp lớn nhất giữa đức và Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai?

Thứ Tư, 23/07/2014, 10:00

Một nhân viên tình báo Liên bang Đức (BND) bị cáo buộc cung cấp thông tin liên quan đến cuộc điều tra của nước này về vụ bê bối nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) gây rúng động trong dư luận. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu những cáo buộc được chứng minh thì đây sẽ là vụ bê bối gián điệp lớn nhất giữa Đức và Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Những thông tin gây "sốc"

Chính quyền Đức đã xác nhận, một người đàn ông 31  tuổi bị bắt vì tình nghi làm gián điệp cho Mỹ vào hôm thứ tư tuần trước. Các phương tiện truyền thông hàng đầu nước Đức như Đài truyền hình công cộng NDR, WDR và tờ tin tức hằng ngày Süddeutsche Zeitung liên tục đưa tin về vụ việc. Người phát ngôn của Thủ tướng Merkel, bà Steffen Seibert cũng đã xác nhận với báo giới hôm thứ sáu tuần trước rằng, bà và các ủy ban điều tra đã được thông báo về tình hình "rất nghiêm trọng" này. Danh tính người đàn ông và chi tiết vụ bắt giữ vẫn đang được giữ bí mật. Một số nguồn tin cho hay, người đàn ông này là nhân viên tình báo liên bang Đức và là một thành viên trong nhóm điều tra của chính quyền Đức về vụ nghe lén của NSA có liên quan đến quan chức và người dân Đức. Tờ báo Welt Die đưa tin, người đàn ông trực tiếp giúp việc cho người đứng đầu cơ quan tình báo Đức, ông Gerhard Schindler.

Thông tin được đăng tải trên hai tờ báo lớn là Spiegel và Bild cho hay, người đàn ông này tự liên lạc bằng email với Đại sứ quán Mỹ đề nghị cung cấp thông tin mật để đổi lấy tiền mặt. Với vị trí công tác của một nhân viên tình báo, anh có điều kiện tiếp cận với các tài liệu tuyệt mật. Trong thời gian hai năm, người đàn ông này đã chuyển giao khoảng 200 đến 300 tài liệu. Đã có ít nhất ba lần, anh  ta đến Áo để giao tài liệu đã được copy vào usb cho tình báo Mỹ và đến lần thứ tư dự kiến ở Prague, thủ đô Cộng hòa Séc thì bị bắt. Hành vi của người đàn ông bị phát hiện khi một email có thông tin "chào bán" bí mật quốc gia cho Nga do anh ta viết bị chặn lại. Quá trình điều tra, người đàn ông đã thú nhận rằng, anh ta đã bán thông tin cho Mỹ được hai năm. Khi tiến hành khám xét nơi ở, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tài liệu mật được lưu giữ trên máy tính cá nhân và USB. Theo tờ Bild thì người đàn ông đã nhận được tổng cộng 25.000 euro và Đại sứ quán Mỹ tại Berlin trực tiếp có liên quan đến vụ việc này.

Được biết, cuộc điều tra của chính quyền Đức về vụ bê bối nghe lén của NSA đã được tiến hành bằng cuộc điều trần của một vài cựu nhân viên NSA vào tuần trước. William Binney, người có thời gian dài phụ trách kỹ thuật của NSA đã nói rằng, NSA có "tâm lý độc trị" và muốn "kiểm soát hoàn toàn thông tin". Đó là lý do mà NSA tiến hành hàng loạt vụ nghe lén. Thomas Drake, cựu nhân viên của NSA cũng cho biết, gần như tất cả các dữ liệu gửi đến Đức đều bị NSA truy cập.

Quan hệ Đức - Mỹ sẽ thêm căng thẳng

Quan hệ Đức - Mỹ đã có nhiều "rạn nứt" kể từ khi thông tin NSA tiến hành theo dõi không chỉ công dân Đức mà còn cả nhiều chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel. Tờ Spiegel nhận định, "vụ việc có thể kết thúc trong một sự rạn nứt nghiêm trọng quan hệ của Đức với Mỹ về hợp tác an ninh". "Đây rõ ràng là vấn đề rất nghiêm trọng", một phát ngôn viên chính phủ nói với các nhà báo. "Hoạt động gián điệp không thể xem nhẹ", bà Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng khẳng định. Đức đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Berlin hai ngày sau khi vụ bắt giữ xảy ra.

Đại sứ John B. Emerson được cho là "có liên quan" đến vụ việc", Bộ Ngoại giao Đức cho biết trong một tuyên bố. Chính quyền Đức cũng yêu cầu Mỹ phối hợp để nhanh chóng làm rõ vụ việc. Một cuộc họp khẩn cấp của ủy ban giám sát Quốc hội đã được triệu tập ngay lập tức và người đứng đầu của BND là ông Gerhard Schindler đã phải giải trình khá chi tiết. Tuy nhiên, các nhà điều tra Đức cũng không bỏ qua khả năng có người tung thông tin sai lệch để gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ và Đức.

Phản ứng duy nhất của Mỹ tính đến thời điểm này là quan điểm "không bình luận" của phát ngôn viên Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ ở Washington. Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Bộ Ngoại giao ở Washington và Nhà Trắng đều từ chối trả lời báo giới

Mạnh Tường
.
.
.