Bê bối mới của cảnh sát Mỹ

Thứ Năm, 30/07/2015, 11:01
Thẩm phán Stephen Wilson đã ra lệnh cho cảnh sát Los Angeles (15/7) phải công bố đoạn video quay lại vụ cảnh sát bắn chết ông Ricardo Diaz Zeferino, trong khi người này không có vũ khí, nhưng bị "chìm xuồng" hơn 2 năm qua.
Việc này diễn ra sau khi hãng AP và Bloomberg và tờ Times cùng gây sức ép khiến Thẩm phán Stephen Wilson phải ra lệnh cho Cảnh sát hạt Gardena, Los Angeles phải công khai đoạn video quay lại cảnh ông Ricardo Diaz Zeferino bị cảnh sát bắn chết hôm 2/6/2013.

Khi đoạn video này được công bố, tờ Times giật tít "Đây là đoạn video mà cảnh sát hạt Gardena không muốn các bạn xem". Bởi theo 2 camera gắn trên 2 xe tuần tra của cảnh sát cho thấy, 3 sĩ quan cảnh sát đang chĩa súng và hô to mệnh lệnh đối với 3 người đàn ông trên phố, trong đó có ông Ricardo Diaz Zeferino.

Bà Esaw Garner quyết tâm kiện sau cái chết của ông Eric Garner.

Ba người này bị chặn lại khi cảnh sát nhận được tin báo sai về một vụ cướp xe đạp. Khi họ đến hiện trường, và phát hiện thấy 2 người bạn của ông Ricardo Diaz Zeferino đang đèo nhau trên một chiếc xe đạp, tưởng lầm đây là bọn cướp nên đã yêu cầu họ dừng lại. Đúng lúc đó, ông Ricardo Diaz Zeferino bước tới phân trần (trong tình trạng say rượu) nên đã bị cảnh sát bắn. Cảnh sát đã bắn nhiều phát vào người Ricardo Diaz Zeferino, khiến ông chết ngay tại chỗ và một người bạn đứng phía sau bị thương nặng.

Nhưng cảnh sát hạt Gardena vẫn cho rằng, họ đã nổ súng vì sợ ông Ricardo Diaz Zeferino mang theo vũ khí, khi không nhìn thấy bàn tay phải của người này. Nhưng chuyên gia phân tích hình ảnh nói rằng, những gì thể hiện trong video đều chứng tỏ, ông Ricardo Diaz Zeferino luôn hướng lòng bàn tay về phía trước để chứng minh với cảnh sát là không có vũ khí.

Sau những tranh cãi, chính quyền bang California đã quyết định chi hơn 4 triệu USD để bồi thường cho người thân ông Ricardo Diaz Zeferino, đề nghị họ rút đơn kiện. Nhưng trong phán quyết hôm 15/7, Thẩm phán Stephen Wilson nhấn mạnh, việc chính quyền bang California sử dụng tiền ngân sách lấy từ tiền thuế của người dân để đền bù cho vụ án kể trên càng khiến dư luận có quyền được xem đoạn video bị "ém nhẹm". Hơn nữa, cảnh sát không thể che giấu những hành động sai trái của mình.

Đài truyền hình WPLG tại bang Florida đang tố cáo nữ cảnh sát Sabine Raymonvil, 30 tuổi, đã xuất hiện trong phim người lớn sau khi gia nhập lực lượng cảnh sát cách đây 8 năm. WPLG còn khẳng định, đang sở hữu bản sao những bộ phim mà nữ cảnh sát Sabine Raymonvil đóng cùng Emerson Callum, nhà sản xuất phim khiêu dâm bị kết án tù chung thân năm 2012 vì tội hiếp dâm, và Lavont Flanders (cũng bị kết tội và lĩnh án giống Emerson Callum), cựu cảnh sát thành phố Miami Beach.

Sabine Raymonvil thừa nhận, từng xuất hiện trong các bộ phim dành cho người lớn trước khi trở thành cảnh sát, nhưng đã chấm dứt việc này kể từ khi vào ngành. Mục tiểu sử trên mạng xã hội của nữ cảnh sát Sabine Raymonvil có nhiều bức ảnh cô chụp trong hộp đêm cùng nhiều rapper và ngôi sao thể thao nổi tiếng.

Nữ cảnh sát Sabine Raymonvil.

Mặc dù cho đến nay chưa có luật nào cấm cảnh sát đóng phim khiêu dâm, nhưng nếu nữ cảnh sát Sabine Raymonvil bị phát hiện là diễn viên chính trong những bộ phim dạng này, cô có thể bị kỷ luật vì "hành động làm ô uế thanh danh của cảnh sát". 6 năm trước, nhân viên cảnh sát Mike Verdugo ở thành phố Los Angeles đã mất việc sau khi bị phát hiện đóng phim khiêu dâm dành cho người đồng tính 3 năm trước khi anh trở thành cảnh sát.

Ngày 14/7, chính quyền thành phố New York tuyên bố, sẽ trả 5,9 triệu USD cho gia đình ông Eric Garner, người đàn ông da đen bị chết dưới tay một nhân viên cảnh sát da trắng. Thị trưởng Bill de Blasio nói với giới truyền thông rằng, ông hy vọng thoả thuận đạt được với gia đình ông Eric Garner sẽ phần nào mang lại sự bình an và khép lại quá khứ. Nhưng chính quyền thành phố New York không nhận trách nhiệm đã gây ra cái chết của ông Eric Garner.

Việc này diễn ra sau khi gia đình ông Eric Garner nộp đơn kiện (tháng 10/2014) với mức bồi thường lên tới 75 triệu USD. Hơn 1 năm trước (17/7/2014), ông Eric Garner đã chết sau khi bị một cảnh sát da trắng "khóa cổ" đến ngạt thở ở thành phố New York. Nhưng ngày 3/12/2014, bồi thẩm đoàn lại không buộc tội viên cảnh sát này, nên bà Esaw Garner, vợ ông Eric Garner quyết tâm đòi lại công bằng cho người chồng xấu số.

Ngày 15/7, phát biểu trước 3.000 đại biểu Hiệp hội quốc gia vì tiến bộ của người da màu tại Philadelphia (tổ chức bảo vệ quyền lợi công dân của người da màu lớn nhất nước Mỹ), Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi bộ máy tư pháp nên thay đổi để công bằng hơn.

Theo ông Barack Obama, tỉ lệ giam giữ ở Mỹ cao hơn Trung Quốc 4 lần, đồng thời so sánh: tuy Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng có tới 25% phạm nhân thế giới.

Trọng Hậu
.
.
.