Bê bối mới của cảnh sát Mỹ

Thứ Năm, 10/03/2016, 14:54
Trong khi Thị trưởng Jackie Biskupski bày tỏ sự đau lòng trước bi kịch của tất cả những người có liên quan tới việc Abdi Mohamed, 17 tuổi, bị cảnh sát bắn và đang trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện, thì Sở Cảnh sát thành phố Salt Lake khẩn trương điều tra vụ nổ súng bằng cách phân tích đoạn video do camera trang bị trên người các nhân viên công vụ ghi lại.


Còn người dân địa phương tụ tập tại hiện trường và tổ chức biểu tình, lăng mạ cảnh sát, thậm chí một số kẻ quá khích còn ném đá và chai lọ vào lực lượng chống bạo động. Và hàng rào an ninh đã được thiết lập, cảnh sát phải đóng cửa một tuyến đường sắt trong khu vực, và bắt giữ 4 người biểu tình có hành vi gây rối.

Tất cả những việc này diễn ra sau khi cảnh sát bắn vào ngực và bụng Abdi Mohamed, một thiếu niên da màu sau khi cậu cầm chổi gây gổ với một người khác ở thành phố Salt Lake, bang Utah, lúc 20 giờ 15 phút ngày 27-2 (theo giờ địa phương).

Selam Mohammad bị cảnh sát chỉ gậy vào mặt vì có mặt tại hiện trường vụ ẩu đả. Bạn cậu, Abdi Mohamed, bị bắn trọng thương.

Theo lời kể của Selam Mohammad, bạn của Abdi Mohamed, với tờ Salt Lake Tribune: Khi Abdi Mohamed đang cầm cán chổi đánh nhau với một người đàn ông khác thì mấy nhân viên cảnh sát chạy đến. Và họ đã nổ súng sau khi yêu cầu (1 lần) Abdi Mohamed bỏ cán chổi xuống. Sở Cảnh sát thành phố Salt Lake cho biết, khi đó có 2 nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường, nhưng danh tính của họ vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, sĩ quan cảnh sát Eric Casebolt ở thành phố McKinney, bang Texas vừa phải từ chức sau khi đoạn video quay cảnh ông đẩy ngã một thiếu nữ da màu lan truyền trên Youtube. Vụ việc xảy ra hôm 5-6-2015 tại một địa điểm cách thành phố Dallas, bang Texas khoảng 30km về phía Bắc.

Và trong đoạn video dài 7 phút, ông Eric Casebolt không những đã có các “lời lẽ khó nghe” đối với đám trẻ, mà còn đẩy ngã một thiếu nữ người Mỹ gốc Phi, chỉ súng vào một thanh niên da đen và hất một thiếu nữ 15 tuổi tên là Dajerria Becton xuống đất rồi chặn đầu gối lên lưng cô bé. Và đã có gần 800 người tuần hành ở McKinney, yêu cầu mở cuộc điều tra cấp liên bang để làm rõ hành động của cảnh sát Eric Casebolt.

Nữ cảnh sát Ashley Guindon cùng hai đồng nghiệp.

Tuy chính quyền thành phố Detroit, bang Michigan đã chấp nhận bồi thường 100.000 USD cho chủ nhân con chó giống Dogue de Bordeaux, tên là Babycakes của anh Darryl Lindsay, nhưng sĩ quan cảnh sát Darrell Dawson vẫn chưa biết sẽ phải chịu hình thức kỷ luật thế nào.

Mặc dù vụ việc diễn ra từ tháng 1-2015, nhưng tới nay cảnh sát thành phố Detroit vẫn chưa quyết định xong số phận của sĩ quan cảnh sát Darrell Dawson cho dù hành động bắn chết chó - bắn 2 phát bằng khẩu súng ngắn 40 -caliber, được camera hành trình của cảnh sát ghi lại đầy đủ.

Theo luật sư Chris Olsen, người đại diện cho anh Darryl Lindsay: “điều đáng nói là cảnh sát đã không nhìn thấy hay mô tả được người mà họ đang truy lùng hôm đó”, và hy vọng thân chủ của ông sẽ nhận tiền bồi thường trong tháng 3 hoặc tháng 4-2016.

Sĩ quan cảnh sát Daniel Holtzclaw, ở thành phố Oklahoma, bang Oklahoma đã phải nhận mức án lên tới 263 năm tù sau khi bị tòa kết tội hiếp dâm và một số tội danh khác. Luật sư Benjamin Crump, người đại diện cho gia đình của 2 nạn nhân là Trayvon Martin và Michael Brown, đã ca ngợi phán quyết của tòa.

Trước khi bị bắt hồi cuối năm 2014, Daniel Holtzclaw đã hiếp dâm nhiều phụ nữ da màu và theo lời khai của 13 nạn nhân, có độ tuổi từ 17-57 tuổi, tên này đã tấn công tình dục họ. Vụ án của Daniel Holtzclaw bắt đầu được đưa ra xét xử từ tháng 11-2015 với bồi thẩm đoàn toàn là người da trắng. Và luật sư của Daniel Holtzclaw vẫn cho rằng, thân chủ của mình vô tội nên sẽ tiếp tục kháng cáo.

Ngày 20-2, hàng chục nghìn người (phần lớn là người Mỹ gốc Hoa) đã xuống đường tuần hành tại hơn 30 thành phố ở Mỹ để phản đối quyết định của bồi thẩm đoàn ở thành phố New York, khi nhất trí tuyên Peter Liang, 28 tuổi, sĩ quan cảnh sát Mỹ gốc Hoa, phạm tội ngộ sát cấp độ 2 vì đã bắn chết Akai Gurley, người đàn ông da màu không vũ trang hôm 20-11-2014.

Người biểu tình đã giương các biểu ngữ như "bi kịch chứ không phải tội ác", "công lý cho tất cả mọi người", "tai nạn chứ không phải trọng tội" nhằm gây áp lực trước khi tòa chính thức tuyên mức án dành cho Peter Liang vào ngày 14-4 tới. Dự kiến, Peter Liang sẽ phải đối mặt với bản án 15 năm tù giam.

Ngày 27-2, nữ cảnh sát Ashley Guindon thuộc Sở Cảnh sát Prince William, bang Virginia đã bị bắn chết sau khi cô vừa bắt đầu ca trực đầu tiên được vài giờ. Nghi phạm là Ronald Hamilton, đã bị bắt hôm 28-2 và bị buộc tội giết người cấp độ 1, hành hung và sở hữu súng bất hợp pháp. Ashley Guindon bị bắn cùng với 2 nhân viên cảnh sát khác (họ chỉ bị thương) sau khi tham gia giải quyết một vụ bạo lực gia đình - chồng bắn chết vợ.
Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.