Bê bối nghe lén tiếp tục khiến Mỹ khó xử

Thứ Sáu, 07/08/2015, 16:00
Thông tin trên trang mạng WikiLeaks hôm 31/7 tiếp tục khiến Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) rơi vào tình huống khó xử khi cho rằng, NSA đã bí mật theo dõi hoạt động của các quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có 4 tài liệu mật liên quan tới các cuộc trao đổi nội bộ về thương mại quốc tế và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu.

WikiLeaks cũng đưa ra một danh sách 35 mục tiêu Nhật Bản bị NSA nghe lén điện thoại, bao gồm Văn phòng nội các, các quan chức của Ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính và Phòng Nhiên liệu hóa thạch của các công ty Mitsubishi và Mitsui. Và những tài liệu kể trên đã được Mỹ chia sẻ với Australia, Canada, Anh và New Zealand.

WikiLeaks cho rằng, việc do thám đã được NSA tiến hành ít nhất 8 năm và điều này chứng minh độ sâu rộng của các hoạt động mà Mỹ đã tiến hành với Nhật Bản. Theo những tài liệu tiết lộ của WikiLeaks, NSA đã nghe lén nội dung một cuộc họp tại dinh thự của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks.

Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe không bị nghe lén một cách trực tiếp, nhưng NSA đã theo dõi động thái của nhiều chính trị gia cấp cao của Nhật Bản như Bộ trưởng Tài chính và Thương Mại Yoichi Miyazawa, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda, cùng một số giám đốc công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Theo Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura, Tokyo và Washington đang trao đổi về việc NSA thu thập thông tin, nhưng không tiết lộ chi tiết, chỉ thông báo: Nhật Bản sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ thông tin của mình.

Theo tài liệu vừa được WikiLeaks công bố, chiến dịch theo dõi của NSA bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe cách đây 9 năm (2006-2015). Tuy là một trong những đồng minh chủ chốt của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Tokyo vẫn nằm trong tầm ngắm của NSA là điều khiến dư luận đặt câu hỏi. Bởi trước đó WikiLeaks từng tiết lộ nhiều tài liệu cáo buộc NSA do thám Đức, Pháp và Brazil. Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo cho biết, đã nhận được báo cáo nhưng không bình luận. Hãng AFP vừa dẫn lời Giáo sư Yoshinobu Yamamoto đến từ Đại học Niigata - Nhật Bản yêu cầu Mỹ giải thích, nhưng tiết lộ này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Tokyo-Washington.

Những tiết lộ được WikiLeaks công bố hôm 31/7 diễn ra sau khi ông Julian Assange, người sáng lập trang web này tuyên bố, họ sẽ sớm công bố nhiều bí mật mới gây chấn động. Tuyên bố này được ông Julian Assange đưa ra khi trả lời phỏng vấn tạp chí Đức Der Spiegel. Và tại đây người sáng lập WikiLeaks cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà trang web này đang phải đối mặt, sau khi công bố hàng loạt tài liệu mật cho thấy, tình báo Mỹ đã lén theo dõi chính phủ nhiều nước trên thế giới.

Còn theo thông báo hôm 27/7 của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia, NSA sẽ chính thức khép lại chương trình do thám gây tranh cãi vào cuối tháng 11/2015 nhằm thực thi "Đạo luật nước Mỹ tự do" do Tổng thống Barack Obama ký ban hành hồi đầu tháng 6-2015. Việc Quốc hội Mỹ thông qua "Đạo luật nước Mỹ tự do" được coi là một thắng lợi lớn về chính trị của Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh ông đang nỗ lực chấn chỉnh hoạt động của NSA và các cơ quan an ninh khác sau một loạt vụ bê bối thời gian qua. Việc này diễn ra sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ những việc làm sai trái của NSA.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

Do đó, trong thông báo hôm 28/7, Nhà Trắng đã bác đơn kiến nghị ân xá (nhận được hơn 167.000 chữ ký ủng hộ) cho cựu nhân viên CIA, đồng thời khẳng định Edward Snowden phải trở về Mỹ hầu tòa vì đã làm lộ bí mật, gây thiệt hại cho chính phủ Mỹ. Theo bà Lisa Monaco, cố vấn an ninh nội địa và chống khủng bố của Nhà Trắng, Edward Snowden đã có quyết định nguy hiểm khi lấy trộm và làm rò rỉ thông tin mật, gây hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Bởi các tài liệu mà Edward Snowden đã tiết lộ với báo giới cho thấy, NSA từng tiến hành những chương trình do thám, nghe lén và theo dõi hàng triệu người Mỹ và nhiều lãnh đạo thế giới. Và việc làm của Edward Snowden đã khiến Mỹ phải điều chỉnh luật về hoạt động do thám.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/7, tờ Nam Đức (SZ) cho biết, Ủy ban phụ trách bí mật thư tín, bưu chính và viễn thông thuộc Quốc hội Đức (Ủy ban G-10) đang muốn đưa Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ra Tòa án Hiến pháp liên bang vì vụ bê bối do thám liên quan tới NSA. Bởi cho đến nay, Chính phủ Đức vẫn không chấp thuận cung cấp danh mục do thám của NSA cho các nhà điều tra thuộc Quốc hội. Do đó, Ủy ban G-10 đang kiểm tra khả năng đưa việc này ra trước Tòa án Hiến pháp để yêu cầu Chính phủ cho phép các nhà điều tra tiếp cận danh mục do thám của NSA.

Thiện Lân
.
.
.