Bê bối tại Tập đoàn dược phẩm Novartis

Thứ Tư, 19/04/2017, 19:06
Quyết định điều tra những bê bối trong ngành y tế cách đây 2 thập kỷ, liên quan tới các vụ hối lộ và nâng giá các loại thuốc và thiết bị y tế tại Hy Lạp của Quốc hội nước này hôm 12-4 được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bởi diễn ra trong bối cảnh giới chức Hy Lạp đang điều tra vụ Tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ có liên quan tới hối lộ và thổi giá sản phẩm tại thị trường nước này.

Bộ trưởng Tư pháp Hy Lạp Stavos Kontonis cho biết, Novartis có thể đã hối lộ hàng nghìn bác sỹ và nhân viên y tế Hy Lạp để quảng cáo và kê đơn các sản phẩm của tập đoàn này.

Theo ông Stavos Kontonis, nhiều bác sỹ và nhân viên nhà nước Hy Lạp đã nhận hối lộ để quảng cáo trái luật và phản khoa học đối với các loại dược phẩm của Novartis.

Bộ trưởng Stavos Kontonis từng yêu cầu mở cuộc điều tra "khẩn trương và kỹ lưỡng" về việc công chức nước này nhận hối lộ từ Novartis. Bởi theo hãng AFP, khoảng 178 người tại Hy Lạp có liên quan đến nghi án hối lộ này đã bị thẩm vấn.

Trước đó, Văn phòng công tố Athens đã lục soát trụ sở của Novartis tại Thủ đô Hy Lạp. Công tố viên Panagiotis Athanasiou đã mở cuộc điều tra và yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ hỗ trợ sau khi một Giám đốc chi nhánh của Novartis định tự tử tại khách sạn ở Athens, nhưng đã bị ngăn chặn kịp thời.

Đài DW của Đức từng dẫn lời một thành viên trong Chính phủ Hy Lạp (giấu tên) cho biết, bê bối của Novartis liên quan tới những khoản thu nhập trái phép trị giá hơn 4 tỉ euro.

Theo giới truyền thông, có ít nhất 4.000 người tại Hy Lạp liên quan tới bê bối hoặc đã nhận tiền hoặc các lợi ích tài chính khác từ Novartis. Được biết, nhân viên FBI đã tới Athens để hỗ trợ giới chức Hy Lạp điều tra xung quanh cáo buộc tại Novartis.

Novartis từng bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 390 triệu USD vì hối lộ để tăng doanh số năm 2014. Novartis đã phải thu hồi 4 loại dược phẩm (Excedrin, NoDoz, Bufferin và Gas-X Prevention) bán tại các quầy thuốc ở Mỹ, sau khi có báo cáo về sai phạm trong quy trình sản xuất ở nhà máy đặt tại Lincoln, bang Nebraska. Chính phủ Mỹ từng kiện Novartis dụ dỗ các cửa hàng bán thuốc chuyển sang kê đơn thuốc Myfortic cho bệnh nhân ghép thận để lấy "tiền lại quả" dưới dạng các khoản giảm giá.

Bê bối hối lộ tại Tập đoàn dược phẩm Novartis.

Novartis đang bị Trung Quốc điều tra và buộc phải trả hàng triệu euro tiền phạt vì liên quan tới rửa tiền và trốn thuế. Norvatis từng chấp nhận nộp phạt hơn 25 triệu USD sau khi bị cáo buộc hối lộ để tăng doanh số ở Trung Quốc.

Novartis đã mở cuộc điều tra sau khi tờ The 21st Century Business Herald của Trung Quốc đưa tin về việc một nhân viên của họ đã hối lộ bác sỹ để ưu tiên bán các loại thuốc của tập đoàn này, cũng như đẩy giá dược phẩm.

Hãng Reuters cho biết, Novartis bị cáo buộc chi hàng triệu USD "tiền lại quả" cho bác sĩ để họ kê đơn sử dụng thuốc của tập đoàn này. Được biết chỉ riêng thuốc Lotrel, Valturna và Starlix, Novartis đã chi gần 65 triệu USD và tổ chức hơn 38.000 buổi diễn thuyết trong hơn 1 thập kỷ để đẩy mạnh doanh số. Novartis cũng đã điều tra nội bộ về các hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhận được thư tố giác về việc hối lộ để có được những ưu đãi, lợi thế trong kinh doanh, thu lợi bất chính khoảng 85 triệu USD.

Italia, Thụy Sĩ và Áo từng cấm lưu hành vaccine cúm Aggripal và Fluad của Novartis vì nghi ngờ có tạp chất trong ống thuốc do tập đoàn này sản xuất. Công tố viên ở thành phố Siena, Italia từng điều tra vụ kiện liên quan đến những cáo buộc gian lận tại Novartis.

Gần 3 năm trước (29-5-2014), Bộ trưởng Y tế Italia Beatrice Lorenzin đã yêu cầu 2 hãng dược phẩm nổi tiếng thế giới Roche và Novartis phải bồi thường thiệt hại 1,2 tỷ euro cho dịch vụ y tế công cộng liên quan đến các sản phẩm thuốc của họ ở Italia.

Theo cáo buộc, Roche và Novartis đã bắt tay nhau để thương mại hóa loại thuốc nhỏ mắt Lucentis do Novartis sản xuất. Theo giới truyền thông, Novartis là một trong những hãng dược phẩm lớn nhất thế giới với khoảng 119.000 nhân viên, nên họ không muốn những cáo buộc kể trên đeo bám.

Đại diện của Novartis cho biết, họ đang hợp tác với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để giải quyết những cáo buộc kể trên.

Ngày 12-4, với 187/300 phiếu ủng hộ, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua kiến nghị của Chính phủ cho phép mở cuộc điều tra xung quanh cáo buộc quản lý yếu kém trong ngành Y tế giai đoạn 1997-2014, gây tổn thất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Thủ tướng Alexis Tsipras yêu cầu các công tố viên phải điều tra kỹ lưỡng để làm sáng tỏ liệu các lợi ích công có được đảm bảo và quỹ công trong ngành Y tế đã bị bớt xén như thế nào; và các nhà thầu y tế đã nâng giá trang thiết bị, thuốc men tại các bệnh viện ở Hy Lạp để đổi lấy "tiền lại quả" ra sao.
Thiện Lân
.
.
.