Bê bối thụ tinh trong ống nghiệm rúng động xứ sở hoa Tulip

Thứ Năm, 15/06/2017, 14:40
Mới đây, Tòa án ở Rotterdam (Hà Lan) đã ra phán quyết cho phép tiến hành xét nghiệm ADN để làm rõ nghi vấn một cựu giám đốc phòng khám sản khoa bị "tố" sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh ống nghiệm (IVF), trở thành cha của 60 trẻ em. Vụ việc gây rúng động Hà Lan thời gian qua.


Nghi vấn là cha của 60 đứa trẻ

Theo phán quyết của Tòa án, các mẫu ADN của vị bác sỹ đã mất vào tháng 4/2017 (thọ 89 tuổi) tên là Jan Karbaat sẽ được thu thập từ các vật dụng sinh hoạt cá nhân còn lại tại nhà riêng.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm phải được giữ kín cho đến khi Tòa án ra phán quyết cuối cùng, xác định mẫu ADN của bác sĩ Jan Karbaat với nhóm trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF từ phòng khám do ông điều hành có trùng khớp hay không.

Trước đó, 23 phụ huynh và trẻ em được sinh ra bằng phương IVF (người lớn nhất sinh ra đầu những năm 1980 của thế kỷ trước) đã nộp đơn khởi kiện bác sĩ Jan Karbaat vì cho rằng, ông đã sử dụng tinh trùng của mình thay thế cho tinh trùng của người hiến tặng để thụ tinh cho phụ nữ đến phòng khám mà ông điều hành ở Rotterdam.

Hai trong số những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF từ phòng khám của ông Jan Karbaat xuất hiện tại tòa án ở Rotterdam.

Theo luật sư Tim Bueters, người đại diện cho bên khởi kiện nói rằng, ông Jan Karbaat có thể là cha của 60 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng, những cáo buộc không có đủ bằng chứng buộc tội và các gia đình cần phải phối hợp với các cơ quan điều tra cung cấp bằng chứng để mở rộng điều tra vụ án.

Sau phán quyết của Tòa án, Cảnh sát đã tịch thu một số vật dụng cá nhân tại nhà ông Jan Karbaat vào ngày 2/5 vừa qua, trong đó có cả bàn chải đánh răng.

Luật sư riêng của gia đình ông Jan Karbaat lên tiếng phản đối phán quyết của Tòa án và cho rằng, quyền riêng tư của thân chủ phải được tôn trọng.

Một số nguồn tin cho hay, kết quả một cuộc xét nghiệm ADN do Viện Nghiên cứu xã hội Hà Lan (FIOM) thực hiện cho thấy, ông Karbaat có thể là cha của 19 trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF. Tuy nhiên, không rõ trong số 19 trẻ em này, có bao nhiêu người có tên trong danh sách khởi kiện ông Karbaat lên Tòa án.

Không phải là bê bối IVF duy nhất ở Hà Lan

Được biết, thời điểm ông Jan Karbaat còn sống, đã có trường hợp yêu cầu tiến hành xét nghiệm ADN để xác định xem ông có phải là cha ruột của họ hay không. Tuy nhiên, ông Jan Karbaat từ chối yêu cầu vì cho rằng như vậy là vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Trước khi mở phòng khám riêng ở Rotterdam, ông Jan Karbaat từng là bác sĩ sản khoa tại nhiều bệnh viện lớn ở Đức. Sau 15 năm hoạt động, phòng khám của ông Karbaat đã bị đóng cửa vào năm 2009. Theo kết luận của cơ quan y tế công cộng, phòng khám của ông Jan Karbaat bị đóng cửa là do đã làm sai lệch số liệu để nhận tiền từ các nhà tài trợ.

Trường hợp của ông Jan Karbaat không phải là vụ bê bối trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên xảy ra ở Hà Lan. Hồi cuối năm ngoái, Trung tâm Y tế thuộc Đại học ở Utrecht (UMC) cho biết, "lỗi thủ tục" có thể đã khiến 26 phụ nữ bị thụ tinh với tinh trùng sai trong phòng thí nghiệm. Một nửa trong số này đang mang thai hoặc đã sinh con."Lỗi thủ tục" được xác định đã diễn ra trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4/2015 đến tháng 11/2016.

Ông Jan Karbaat bị tố đã sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh ống nghiệm, trở thành cha của 60 trẻ em.

"Trong quá trình thụ tinh, tế bào tinh trùng từ một cặp vợ chồng đang điều trị có thể đã thụ tinh với tế bào trứng của 26 cặp vợ chồng khác. Lỗi này đã được phát hiện khi Trung tâm áp dụng quy trình mới trong phòng thí nghiệm", một phát ngôn viên của UMC cho biết.Phát ngôn viên nói thêm, các tế bào trứng được thụ tinh bằng tinh trùng khác với tinh trùng của người cha.

"Mặc dù một số cặp vợ chồng vẫn còn phôi đông lạnh nhưng tế bào trứng đã được thụ tinh với tinh trùng sai. Các cặp vợ chồng đã được thông báo về vấn đề này. Hội đồng quản trị UMC rất tiếc vì sự cố này và sẽ làm tất cả trong phạm vi quyền hạn của mình để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt", người phát ngôn của UMC nói tiếp.

Đến thời điểm này, kết luận cuối cùng về vụ việc cũng như cách xử lý "lỗi thủ tục" chưa được công bố.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.