Bê bối thuốc chữa ung thư

Chủ Nhật, 17/09/2017, 22:50
Gần 1 tháng trước (18-8), hãng dược phẩm nổi tiếng Insys Therapeutics nhất trí trả 4,5 triệu USD để chấm dứt vụ kiện tại bang Illinois, Mỹ về cáo buộc đã có hành vi gian dối trong công tác tiếp thị sản phẩm. Đây là một trong những vụ dàn xếp pháp lý đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện mà các hãng dược phẩm đang phải đối mặt liên quan đến lạm dụng thuốc.


Tuy nhiên, Insys Therapeutics đang chuẩn bị hầu tòa sau khi bị truy tố về tội lừa đảo bệnh nhân nhằm tăng doanh số bán loại thuốc giảm đau Subsys (dạng fentanyl có thể xịt được) của hãng này.

Điều đáng nói là mặc dù chứng cứ đã rõ ràng nhưng Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Insys Therapeutics, ông Saeed Motahari vẫn gửi thư tới nhóm điều tra để phản đối các cáo buộc. Bởi theo ông Saeed Motahari, sai trái diễn ra không phải của những người hiện đang làm việc tại Insys Therapeutics và hãng này đã thay đổi đội ngũ nhân viên trong nhiều năm qua.

Bà Claire McCaskill, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ.

Trong khi đó, nữ Thượng nghị sĩ McCaskill lại cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, hãng Insys Therapeutics không từ bất cứ thủ đoạn nào trong việc tạo ra mạng lưới lừa đảo để đưa nhiều nhất thuốc giảm đau do họ sản xuất tới khách hàng.

Theo nội dung cáo trạng công bố trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, sau khi nhận được giấy phép bán loại thuốc giảm đau cực mạnh có chứa chất ma túy tổng hợp Subsys cho bệnh nhân ung thư năm 2012, hãng Insys Therapeutics đã tìm mọi cách để có nhiều nhất bệnh nhân dùng thuốc của họ.

Và để các hãng bảo hiểm đồng ý thanh toán thuốc Sybsys vốn rất đắt đối với bệnh nhân, hãng Insys Therapeutics đã bố trí người của họ giả là nhân viên làm việc tại các phòng mạch của bác sĩ để xác nhận người bệnh đang điều trị ở chỗ họ cần dùng loại Sybsys.

Thậm chí hãng Insys Therapeutics còn làm giả bệnh nhân ung thư - biến người không bị ung thư thành bệnh nhân ung thư để sử dụng thuốc Sybsys. Và để làm điều đó, hãng Insys Therapeutics đã dựng hồ sơ bệnh án giả, lừa các hãng bảo hiểm và chi đậm hoa hồng để bác sĩ tiếp tay cho họ.

Theo hồ sơ cung cấp của bà McCaskill, từ năm 2014, khi một người cần phải được bác sĩ điều trị cho phép trước để sử dụng thuốc giảm đau Sybsys, một nhân viên của hãng Insys Therapeutics đã gọi điện tới cho một hãng bảo hiểm và các chi nhánh của họ để thuyết phục về việc này.

Theo giới truyền thông, hãng Insys Therapeutics đang bị kiện ở nhiều bang như Massachusetts, New York, Connecticut và Illinois. Được biết, 6 cựu lãnh đạo của hãng Insys Therapeutics, trong đó có cựu giám đốc điều hành từng bị buộc tội lừa đảo và gian lận liên quan tới thuốc Subsys.

Theo thống kê của tờ New York Times, trong năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong (nhiều hơn số người chết vì súng đạn, tai nạn giao thông hoặc đại dịch AIDS vào lúc đỉnh điểm) vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện trong điều trị y tế, tăng 19% so với năm 2015. Hiệp hội về thuốc gây nghiện của Mỹ ước tính, khoảng 2-3 triệu người đang được kê đơn sử dụng heroin hoặc thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho rằng, nước này chưa bao giờ phải đối mặt với những con số cao như vậy, chưa kể tới những trường hợp không tử vong nhưng phải đương đầu với tác hại của cơn nghiện. Theo giới truyền thông, làn sóng nghiện đang bùng phát ở Mỹ với thiệt hại kinh tế lên đến 80 tỉ USD và thị trấn Dayton thuộc hạt Montgomery của bang Ohio hiện là tâm điểm của đại dịch này.

"Tình trạng này đang vắt kiệt sức của chúng tôi. Cảnh sát đối mặt nhiều áp lực, số vụ chờ tòa án giải quyết tồn đọng, nhà tù quá tải, các nhân viên điều tra từ chức. Tình hình ngày càng tồi tệ", ông Phil Plummer, Cảnh sát trưởng hạt Montgomery than thở với tờ Daily Mail. Theo tờ Daily Mail, hàng trăm trẻ có cha mẹ là con nghiện tại địa phương và hạt Montgomery là nơi có tỉ lệ tử vong vì dùng thuốc gây nghiện quá liều cao nhất nước Mỹ.

Cặp đôi bất tỉnh sau khi tiêm thuốc gây nghiện tại Dayton.

Không chỉ có Mỹ, Ủy ban cạnh tranh Nam Phi cũng vừa mở cuộc điều tra đối với 3 hãng dược phẩm lớn là Roche, Pfizer và Aspen vì nghi bán thuốc chữa ung thư với giá quá cao. Theo cáo buộc của Ủy ban cạnh tranh Nam Phi, hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ và chi nhánh Genentech có trụ sở tại Mỹ đã đội giá thuốc chữa ung thư vú, cũng như phân biệt mức giá đối với các cơ sở công và tư ở Nam Phi, vi phạm luật cạnh tranh của nước sở tại.

Trong khi đó, Quỹ phân phát thuốc chữa ung thư (CDF) tại Anh đã chi hơn 1,2 tỷ bảng Anh kể từ khi ra đời năm 2010, nhưng không đem lại hiệu quả cho bệnh nhân và xã hội. Chuyên gia nghiên cứu về ung thư Ajay Aggarwal tại Đại học Vệ sinh dịch tễ và Y khoa nhiệt đới của Anh cho biết, số tiền Quỹ CDF đã tiêu tương đương với tổng số tiền trong một năm cho tất cả các loại thuốc điều trị ung thư tại Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS).

Trọng Hậu
.
.
.