"Belgorod" sẽ trở thành nỗi ám ảnh dưới biển sâu

Thứ Sáu, 07/08/2020, 08:05
Bộ Quốc phòng Nga thông báo bắt đầu các cuộc thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân "Belgorod". Tàu ngầm "Belgorod" trở thành phương tiện mang thử nghiệm hệ thống "Poseidon", được hạ thủy hồi mùa Xuân năm 2019.

Tàu thuộc đề án 949A "Antey" (tương tự như tàu "Kursk"), được tái thiết kế đặc biệt trong đề án 09852 dành cho hệ thống "Poseidon", phương tiện không người lái có khả năng di chuyển ngầm dưới nước ở độ sâu rất lớn với tốc độ cao, có thể mang cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, cho phép giáng đòn tấn công vào các nhóm tàu sân bay, các công trình ven biển và cơ sở hạ tầng.

Luận chứng ngầm sâu

Mùa Xuân năm 2018, thế giới đã biết về bộ máy tấn công không người lái ngầm dưới nước của Nga, qua Thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi Quốc hội Liên bang. 

Tuy nhiên, ngay từ tháng 12-2016, CIA đã đưa ra tuyên bố rằng người Nga vừa thử nghiệm loại tàu lặn biển sâu với trạm động lực hạt nhân. Kể từ đó, dự án này ở tâm điểm chú ý của tình báo phương Tây. Tên gọi "Poseidon" được chọn theo kết quả cuộc thi do Bộ Quốc phòng phát động trong cư dân Nga.

Bộ máy trông giống như một quả ngư lôi khổng lồ chính là tàu ngầm hạt nhân robot cỡ nhỏ. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự phương Tây, lượng giãn nước của con tàu robot này là hàng chục tấn. Với trọng lượng như thế, để vận chuyển nó chỉ có thể dùng tàu ngầm-phương tiện mang loại đặc biệt. Tháng 2-2019, có báo cáo xác nhận các thông số kỹ thuật của "Poseidon".

Tàu ngầm không người lái có tốc độ và mức lặn sâu mà các tuần dương hạm ngầm mang tên lửa cỡ "khủng" hiện đại nhất cũng không thể đạt tới. "Poseidon" có thể tự chủ tìm ra con đường tối ưu để đến đích ấn định. 

Với phạm vi hoạt động không giới hạn, nó đủ sức săn lùng mục tiêu lâu bao nhiêu cũng được và chờ thời điểm thích hợp để phóng ra đòn tấn công. Tất cả những đặc tính này khiến cho "Poseidon" gây khó hầu như không thể đánh chặn đối với hệ thống phòng thủ chống hạm ngầm của NATO. Và nếu nó tìm đến được bờ biển hoặc nhóm tàu của đối phương, thì kẻ thù sẽ có kết cục quá tệ hại. 

Bộ máy ngầm không người lái có thể mang cả đầu đạn thông thường lẫn loại đặc biệt là đầu đạn hạt nhân hoặc nhiệt hạch. Công suất của nó, theo quan điểm của các chuyên gia, ở mức đủ để biến một căn cứ hải quân thành tro bụi hoặc quét sạch nguyên cả một thành phố ven biển bằng trận sóng thần nhân tạo.

Tàu ngầm hạt nhân "Belgorod", sẽ gia nhập phiên chế Hải quân Nga cuối năm nay. Tàu ngầm được khởi công đóng từ năm 1992, nhưng thời điểm ấy không hoàn thành. 20 năm sau, Nga bắt đầu tái chế tạo tàu ngầm này theo dự án đặc biệt. Thân tàu kéo dài thêm 30 mét, còn lượng choán nước dưới ngầm đã tăng đến 30.000 tấn.

Một tính năng quan trọng của "Belgorod" là các trục truyền động cánh quạt, đảm bảo độ ồn ở mức thấp đặc biệt. Tức là con tàu dùng năng lượng hạt nhân có khả năng bí mật tiếp cận tuyến tấn công và phóng ra "Poseidon". Theo những dữ liệu khác nhau, một tàu ngầm-phương tiện sẽ đưa lên khoang từ 2 đến 6 bộ máy vũ khí ngầm không người lái siêu đẳng.

"Tàu ngầm với thuỷ thủ đoàn trên khoang dĩ nhiên là thứ vũ khí mạnh, nhưng cũng có hạn chế nhất định phải tính đến là yếu tố con người. Còn bộ máy "Poseidon" có thể liên tục trực chiến và thực hiện nhiệm vụ được giao vào bất cứ lúc nào. Bộ máy không người lái thuộc lớp này được điều khiển thông qua chương trình phần mềm được "khâu chìm" trong thân nó. 

Dễ hiểu là cần đề phòng khả năng phát sinh rủi ro khi đội "tin tặc quân sự" của đối phương cố gắng chặn chiếm quyền điều khiển. Nhưng theo các chuyên gia thiết kế, việc bảo vệ "Poseidon" khỏi sự can thiệp từ bên ngoài được đảm bảo ở mức tuyệt đối", chuyên gia quân sự Alexandr Zhilin giải thích.

Tàu ngầm "Belgorod" trước khi hạ thủy.

"Poseidon" khiến phương Tây lo lắng

"Poseidon" của Nga đang khiến giới chính trị-quân sự Mỹ hết sức lo lắng. Hầu hết các nhà phân tích phương Tây đều đồng ý rằng bộ máy tàu ngầm không người lái dùng năng lượng hạt nhân với phần chiến đấu đặc biệt chính là lời đáp trả hiệu quả của Nga cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. 

Tuy nhiên, chuyên gia về tình báo và kiểm soát vũ khí Stephen Pifer cho rằng "Poseidon" sẽ không tạo ra thay đổi lớn trong cân bằng lực lượng chiến lược. "Siêu ngư lôi" Nga phải mất mấy ngày mới đến được bờ biển Mỹ, tựu trung là một thứ vũ khí nhất định của đòn tấn công trả đũa.

Dù sao người Mỹ không muốn để Nga sở hữu các hệ thống tấn công như vậy. Hồi đầu tháng 7-2020, Marshall Billingslea, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, đã gọi "Poseidon" và dự án tên lửa hành trình với động cơ hạt nhân "Burevestnik" là "những vũ khí khủng khiếp", cần phải đưa vào khuôn khổ Hiệp ước START-3. 

Và thêm vào đó cả tên lửa chống hạm siêu thanh "Zirkon". Nếu không, phía Mỹ sẽ từ chối gia hạn START-3. Tuy nhiên, khó có chuyện Moscow chịu khuất phục trước áp lực.

Đức Quý (Theo Sputnik)
.
.
.