Bên rìa chiến tranh, Mỹ-Iran lùi bước?

Chủ Nhật, 12/01/2020, 07:07
Những đánh giá ban đầu cho thấy không có người Mỹ nào thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Iran. Vì vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không cảm thấy áp lực phải đáp trả.


Gỡ rối phút cuối

Sau khi tiến tới bờ vực chiến tranh, Mỹ và Iran đột nhiên thể hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy họ thực sự chưa muốn gây nên sự căng thẳng quá khích không cần thiết, ít nhất vào thời điểm này… Đó là những đánh giá, nhận định ban đầu của giới phân tích về loạt vụ không kích của Iran nhằm vào 2 căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq trong ngày 8-1.

Một người biểu tình vẫy cờ Iraq để phản đối hành động của cả Mỹ và Iran trong những tuần qua.

Theo tin từ hãng Reuters, ngày 8-1, Iran đã bắn hơn 20 tên lửa vào căn cứ quân sự tại tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq và căn cứ không quân Ayn al-Asad ở khu vực al-Baghdadi, cách thủ đô Baghdad khoảng 190km về phía Tây Bắc. Cả hai căn cứ này đều có đông binh sĩ Mỹ và nước ngoài đồn trú. Tuy nhiên, vụ không kích đã không gây thương vong do Iran báo trước cho phía Iraq và chính quyền Baghdad đã thông báo để binh sĩ nước ngoài trú ẩn an toàn.

"Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đã nhận được tin nhắn thoại chính thức của Iran thông báo sớm về cuộc tấn công đáp trả Mỹ sau vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad khiến Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng", hãng CNN viết.

Đồng thời, CNN cũng cho hay, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi Iran bắn tên lửa vào 2 căn cứ quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận: "Không có người Mỹ nào bị tổn hại trong cuộc tấn công của Iran.

Chúng tôi không có thương vong. Tất cả các binh sĩ đều an toàn và chỉ thiệt hại tối thiểu tại các căn cứ quân sự. Các lực lượng Mỹ đã chuẩn bị cho mọi thứ, nhưng hiện tại Iran dường như đang xuống nước. Đây là điều tốt cho tất cả các bên liên quan và cho thế giới".

Vụ tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani đã dấy lên làn sóng phản đối Mỹ trên khắp đất Iran.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng tuyên bố rằng quốc gia này đã thực hiện các biện pháp trả đũa tương xứng nhằm vào Mỹ sau cái chết của "vị tướng quân sự được kính trọng nhất" Qasem Soleimani hồi tuần trước. Ông Javad Zarif nói: "Iran đã thực hiện các biện pháp tự vệ tương xứng theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi không tìm cách leo thang chiến tranh nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi sự xâm lược".

Hãng thông tấn Far của Iran dẫn lời cảnh báo của Tổng thống Hassan Rouhani rằng, Washington có thể "chặt đứt cánh tay" của Tướng Qasem Soleimani thì Tehran cũng sẽ chặt đứt "chân rết" của Mỹ trong khu vực và rằng, Iran có 100 mục tiêu khác trong khu vực nằm trong tầm ngắm của mình nếu Washington thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào…

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Baqeri thì nhấn mạnh: "Giờ đây, họ đã hiểu được sức mạnh của chúng ta. Đây là lúc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông. Còn cố vấn của Tổng thống Iran, ông Hessameddin Ashena thì cảnh báo, bất cứ hành động trả đũa nào của Washington đối với những vụ tấn công của Tehran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện tại khu vực Trung Đông…

Lịch sử của những căng thẳng

Rõ ràng, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn đã xấu nay lại càng trở nên căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Việc Mỹ giết một quan chức quân sự Iran bằng máy bay không người lái đã khiến tất cả mọi người, kể cả các đồng minh thân cận nhất của Washington thêm cảnh giác.

Quyết định trả đũa của Iran bằng cách bắn tên lửa vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq làm những người quan tâm đến khu vực nín thở. Iran có thể tuyên bố họ không muốn chiến tranh, nhưng lại không tha thứ nếu Mỹ trả đũa. Còn Tổng thống Donald Trump, khi phát biểu từ Nhà Trắng đã lặp lại cam kết ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân - nhưng không ra lệnh sử dụng vũ lực bổ sung.

Ảnh định vị qua vệ tinh về các mục tiêu Mỹ bị Iran tấn công.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt hơn nhưng cũng cho biết, Mỹ sẵn sàng đón nhận hòa bình với tất cả những ai tìm kiếm nó. Như vậy, có một sự giải thoát rõ ràng đối với giới chức Lầu Năm Góc rằng "đường cao tốc đến một cuộc chiến lớn hơn mà chính quyền dường như đang tăng tốc đã được cung cấp một đoạn đường nối".

"Đối với tất cả các vụ vỗ ngực công khai kích động lẫn nhau trong tuần trước, cả hai bên đã thực hiện các biện pháp xuống thang. Mỹ đã theo dõi thông tin liên lạc của Iran và có nhiều thời gian để chuẩn bị bảo vệ quân đội Mỹ ở Iraq. Nhưng sau phát biểu dài 10 phút của Tổng thống Donald Trump, bộ máy an ninh quốc gia Mỹ có thể thở phào và tin rằng mọi thứ đã được ngăn chặn.

Mặc dù các quan chức Iran cho biết phản ứng quân sự của họ đã chấm dứt, quân đội Mỹ trong khu vực vẫn tiếp tục củng cố vị trí của họ trong trường hợp bị tấn công khác. Một cuộc chiến với Iran sẽ trông không giống bất kỳ cuộc xung đột nào. Nó có thể sẽ được cảm nhận trên các tàu chở dầu trên đường đi qua Eo biển Hormuz và tại các trạm xăng ở Kansas, trong các khách sạn và trung tâm thương mại công cộng ở Paris và các nhà thờ Hồi giáo ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Khi ngân sách bị phá vỡ và ảnh hưởng sâu rộng như cuộc chiến với Iraq, Iran sẽ còn tồi tệ hơn nhiều", Vali R. Nasr, một người Iran và là cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Đồng quan điểm này, TS Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Chatham House, giải thích rằng "các chính quyền Washington trước đây đã cân nhắc khả năng giết chết Tướng Soleimani, và họ đã đưa ra một lựa chọn rất rõ ràng là không.

Tướng Soleimani chịu trách nhiệm quản lý các dân quân Iran ở nước ngoài, trong trường hợp ở Iraq, có nghĩa là đóng vai trò là người thách thức trực tiếp với Mỹ vì là cường quốc nước ngoài quan trọng nhất ở nước này.

"Điểm hấp dẫn của Iraq là đây là quốc gia duy nhất trong thế giới Arab có tài nguyên dầu mỏ, nước và nhân lực. Nhưng kể từ cuộc chiến năm 2003, mọi chuyện đã khác. Trong một thời gian dài, Iran đã xử lý các ưu tiên của mình ở Iraq tốt hơn so với người Mỹ. Vụ ám sát này chỉ đơn thuần đẩy nhanh sự sụp đổ của ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này và xa hơn là vì lợi ích của chính Iran, Nga và Trung Quốc", TS Leslie Vinjamuri cho biết.

Đồng thời, ông cũng đưa ra luận điểm của GS Arshin Adib-Moghaddam tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London về việc một trong những lý do khiến Iran và Mỹ không có quan hệ ngoại giao nào kể từ năm 1979 là bởi cả hai đã "thiếu hiểu biết lẫn nhau".

Và nỗi lo mới về chiến tranh mạng

Việc Mỹ-Iran cụ thể hoá những cảnh báo đáp trả nhau bằng hành động quân sự đã khiến chảo lửa Trung Đông một lần nữa lại nóng lên hơn bao giờ hết. Cộng đồng quốc tế liên tục "đứng ngồi không yên" và vừa kêu gọi hai bên giảm căng thẳng, vừa ráo riết chuẩn bị các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia cần thiết để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nhưng theo GS Arshin Adib-Moghaddam sẽ khó có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực nhưng điều đó không có nghĩa là Washington sẽ chủ quan trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Tehran. Theo báo cáo của giới chức quốc phòng Mỹ, Iran đang sở hữu một kho dự trữ với hàng ngàn tên lửa đạn đạo và khí tài mạnh mẽ.

Ngoài kho vũ khí tên lửa đạn đạo, Iran còn có hai lực lượng quân đội riêng biệt với tổng số 525.000 binh sĩ. Lực lượng thông thường nước này có khoảng 400.000 quân, trong khi đó IRGC có khoảng 125.000 quân và có năng lực tham chiến bất ngờ.

Theo cách nhìn nhận của GS Arshin Adib-Moghaddam, Iran có thể sẽ mở các chiến dịch tấn công mạng và tung thông tin sai lệch (fake news) chống lại Washington nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào năm bầu cử quan trọng.

Kiersten Todt, Giám đốc điều hành của Viện Cyber Readiness (Mỹ) nói: "Người Iran chắc chắn sẽ cố gắng trả đũa và họ xem xét các lựa chọn. Iran sở hữu khả năng tác chiến không gian mạng mạnh mẽ. Từ cuối năm 2011 đến giữa năm 2013, tin tặc Iran đã nhắm vào các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo với các cuộc tấn công "từ chối dịch vụ" quy mô lớn, khiến khách hàng khó đăng nhập vào tài khoản và nguồn tiền của họ.

Kể từ đó, khả năng và tài nguyên của Iran đã tăng lên. Họ có thể tiến hành các hoạt động gián điệp, ransomware và phá hoại theo ý của mình". Chưa hết, Iran còn có khả năng tham gia vào một hình thức chiến tranh trực tuyến khác: đó là "fake news" -  tung tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội.

Lee Foster, một nhà quản lý cấp cao nhóm phân tích hoạt động thông tin tại công ty an ninh mạng FireEye nói với phóng viên hãng AP: "Iran đã tham gia vào các chiến dịch thông tin sai lệch trên diện rộng trong vài năm. Vào tháng 8 - 2018, Twitter đã đình chỉ hơn 2.000 tài khoản độc hại, có nguồn gốc từ Iran. Vào tháng 1 - 2019, Facebook đã thanh trừng một số trang, nhóm và tài khoản mà trên mạng có hành vi phối hợp không trung thực trên Facebook và Instagram, có nguồn gốc từ Iran. 9 tháng sau, Facebook một lần nữa đã xóa hàng chục tài khoản, trang và tài khoản Instagram của Iran nhắm vào các đối tượng nói tiếng Mỹ, Mỹ Latinh và Pháp tại Bắc Phi, với thông tin sai lệch".

Thực tế, tháng 5 -2019, các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto cũng đã tiết lộ sự tồn tại của một chiến dịch tuyên truyền của Iran có tên là Endless Mayfly - một mạng lưới các trang web giả mạo và các tài khoản truyền thông xã hội, sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch và gây chia rẽ chủ yếu nhắm vào Arab Saudi, Mỹ và Israel.

Và không chỉ trên mạng xã hội, trong một số trường hợp, một chiến dịch ảnh hưởng thân Iran thậm chí đã thành công trong việc gửi các bài viết dưới dạng thư gửi và được đăng trên các tờ báo của Mỹ ít nhất 13 lần.

"Trong khi một cuộc tấn công mạng thông thường có thể có khả năng đóng cửa bệnh viện hoặc làm tổn hại mạng lưới điện, các chiến dịch thông tin sai lệch có khả năng gây bất ổn và ảnh hưởng đến cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử sắp tới. Iran đã sẵn sàng sử dụng các hoạt động thông tin trực tuyến để hỗ trợ các mục tiêu địa chính trị của mình trong vài năm qua và đã tinh chỉnh một loạt các chiến thuật và phương pháp tinh vi để tiếp tục duy trì và tận dụng đến ngày nay", Lee Foster cảnh báo.

Chi Anh
.
.
.