Bên trong những trại tâm thần "địa ngục" ở Indonesia

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:34
Hồi tháng ba vừa qua, sau khi hình ảnh về "cuộc sống địa ngục" trong những trại tâm thần ở Indonesia được đăng tải trên tờ DailyMail (Anh) đã gây sốc cho rất nhiều độc giả. Với những cam kết mạnh mẽ về sự thay đổi, cải thiện điều kiện sống cho những bệnh nhân tâm thần nhưng hơn sáu tháng trôi qua, mọi thứ dường như vẫn chưa có sự thay đổi tích cực.


Những hình ảnh gây ám ảnh

Những hình ảnh mới nhất về bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm phục hồi chức năng Fajar Al-Center Yayasan Berseri ở Bekasi, phía đông thủ đô Jakarta trong tình trạng không quần áo, suy dinh dưỡng, bị xích sau những song sắt hoen gỉ… một lần nữa ám ảnh độc giả trên khắp thế giới.

Hình ảnh một người đàn ông cúi rạp trên sàn gạch bẩn thỉu, đôi tay gầy guộc cố gắng cầm chén nước nhỏ để uống hay hình ảnh bệnh nhân tâm thần nằm co ro trong các căn phòng chật chội với hàng chục bệnh nhân khác, bữa ăn đạm bạc chỉ có cơm và rau… phản ánh một bức tranh "màu xám" về cuộc sống của bệnh nhân tâm thần ở Indonesia.

Trước đó, vào hồi tháng ba, Tổ chức giám sát nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) đã có báo cáo gây rúng động về tình trạng tồi tệ trong trại tâm thần ở Indonesia. HRW đã tiến hành phỏng vấn khoảng 150 người là bệnh nhân tâm thần, chuyên gia y tế và nhận định rằng, rất nhiều bệnh nhân đang bị xích hoặc nhốt trong không gian hạn chế mà người dân địa phương thường gọi bằng thuật ngữ "pasung".

Hiện có gần 19.000 bệnh nhân buộc phải sống trong điều kiện tồi tệ tại các trại tâm thần ở Indonesia.

Các quan chức của Bộ các vấn đề xã hội từng tuyên bố rằng, kiên quyết dẹp bỏ phương pháp "pasung" trong điều trị bệnh nhân tâm thần nhưng thực tế cho thấy, cho đến nay, có rất ít thay đổi mang tính tích cực. Ước tính, hiện có gần 19.000 người buộc phải sống trong điều kiện tồi tệ tại các trại tâm thần ở Indonesia. Các cơ sở điều trị y tế như bị bỏ hoang lâu ngày với những bức tường mục nát, bẩn thỉu, gạch, đá rải rác khắp nơi, những song sắt xỉn màu…

Một vài nguồn tin cho hay, bệnh nhân tâm thần thậm chí có thể phải đối mặt với liệu pháp sốc điện đến kiệt sức, bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong các trại tâm thần. Một số bệnh nhân tâm thần bị cảnh sát đưa vào trại tâm thần khi họ "không thể thích nghi với cuộc sống xã hội cũng như không thể tìm được sự hỗ trợ từ hệ thống y tế".

"Cùm chân bệnh nhân tâm thần là việc làm bất hợp pháp ở Indonesia, nhưng nó vẫn là một thực tế phổ biến và tàn bạo trong các trại tâm thần. Thực tế cho thấy, không chỉ trong các trại tâm thần, nhiều bệnh nhân bị nhốt trong cũi, chuồng dê vì gia đình không biết phải làm gì đối với họ", nhà nghiên cứu Kriti Sharma của tổ chức HRW cho hay.

Thiếu bác sĩ tâm thần trầm trọng

Những bệnh nhân tâm thần phần lớn đến từ các gia đình nghèo, học vấn thấp nên không có hiểu biết đầy đủ về bệnh tâm thần. Ở Indonesia, hiện vẫn còn "niềm tin phổ biến" rằng, người mắc bệnh tâm thần là do bị linh hồn ma quỷ "ám", biểu hiện của hành vi vô đạo đức hoặc thiếu đức tin.

Chính vì vậy, các gia đình có bệnh nhân tâm thần thường tìm đến các cơ sở cúng bái hoặc chữa bệnh theo kiểu truyền thống. Họ chỉ tìm đến các cơ sở y tế như một phương sách cuối cùng. "Vẫn còn tồn tại kiểu chữa bệnh tâm thần như dùng thuốc "thảo mộc ma thuật", tìm đến các thầy lang massage, nghe đọc thơ hay tắm thuốc lá cây…

Bộ Y tế Indonesia cho biết, ít nhất 14 triệu người trên 15 tuổi được chẩn đoán đã mắc một dạng bệnh tâm thần.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, Indonesia là quốc gia thiếu trầm trọng bác sĩ tâm thần. Với dân số 250 triệu người nhưng quốc gia này chỉ có khoảng 800 bác sĩ tâm thần và 48 bệnh viện tâm thần, phần lớn tập trung ở khu vực đô thị. Cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại rất khó khăn với hàng triệu người dân sống ở vùng sâu, vùng xa.

Bộ Y tế Indonesia cho biết, ít nhất 14 triệu người trên 15 tuổi được chẩn đoán đã mắc một dạng bệnh tâm thần. Vào năm 2015, chi tiêu cho lĩnh vực y tế là 1,5% ngân sách quốc gia và mức chi tiêu cho sức khỏe tâm thần chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số này.

Tháng 7 vừa qua, Quốc hội Indonesia đã thông qua luật bảo vệ sức khỏe tâm thần mới. Theo đó, Chính phủ phải có nghĩa vụ pháp lý trong việc bảo vệ những người bị rối loạn tâm thần, giúp họ nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, vấn đề ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này chưa được đề cập đến.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.