Bên trong thế giới lừa đảo trên mạng Internet ở Ghana

Chủ Nhật, 17/05/2015, 09:00
Ghana được biết đến là quốc gia có số lượng người sử dụng Internet đứng đầu châu Phi và đây cũng là quốc gia "nổi tiếng" với những vụ lừa đảo trên mạng. Sakawa là tên gọi để ám chỉ những chàng trai Ghana chuyên hành nghề bằng việc lừa đảo. Các quan chức Ghana cho rằng, công tác đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn vì người bị lừa đảo thường sống ở nước ngoài.

Những kẻ lừa đảo qua mạng Internet ở Ghana rất dễ phát hiện. Đó thường là những người đàn ông trẻ, lái xe rất nhanh và vòng vèo trên đường phố. Những người này thường tụ tập thành từng nhóm và có biệt danh riêng. Tên gọi chung cho những người chuyên lừa đảo qua mạng là Sakawa (Sakawa theo tiếng Hausa của Ghana có nghĩa là "bên trong").

David (không phải tên thật của nhân vật), 25 tuổi, là một trong số đó. Hắn đã "hành nghề" lừa đảo qua mạng được hai năm.

Kẻ lừa đảo Sakawa thường xuất hiện trên đường phố Ghana trong xe hơi đắt tiền, mở nhạc lớn. 

"Tôi biết điều đó là sai nhưng vẫn thực hiện vì nó mang lại cho tôi rất nhiều tiền", David nói. Hắn từng là trẻ lang thang, ngủ vạ vật trên đường phố. Sau đó, hắn thấy bạn bè mình trong các quán cà phê Internet kiếm tiền bằng việc lừa đảo trực tuyến. Từ đây, David bắt đầu bước chân vào công việc này. Dù biết rằng những gì mình đang làm không phải là việc làm có đạo đức, nhưng David không thể từ bỏ vì khoản tiền mà hắn nhận được quá lớn so với mức sống trung bình của người dân Ghana.

Phần lớn những chàng trai Sakawa chỉ học hết tiểu học nhưng có lối sống xa hoa từ tiền kiếm được do lừa đảo. Chúng ta có thể bắt gặp họ tại khu nghỉ dưỡng nào đó vào một đêm thứ bảy ở Santa Marie, vùng ngoại ô của thủ đô Accra. Đó là những nam thanh niên mặc quần jean ống côn, đội mũ bóng chày, ngồi trong những chiếc xe Range Rovers và Toyota Camry mới nhưng không có giấy phép lái xe. Họ mở cửa kính xe hơi và mở nhạc cỡ lớn.

Một thập kỷ trước đây, Sakawa thường được gọi là những chàng trai Yahoo - một thuật ngữ dùng cho đối tượng tương tự ở Nigeria. Ca sĩ nổi tiếng người Nigeria Olu Duy từng phát hành bài hát Yahooze vào năm 2007. Giờ đây, thuật ngữ Sakawa rất phổ biến ở Ghana. Thậm chí, còn có một series phim về những chàng trai Sakawa với cốt truyện xoay quanh việc sử dụng ma thuật đen.

Một trong những phương thức lừa đảo điển hình là những Sakawa giả vờ mình là phụ nữ lãng mạn đang tìm kiếm bạn nam ở châu Âu, Mỹ hoặc châu Á. Cũng giống như những kẻ lừa đảo khác, David giả vờ là người phụ nữ đẹp và gửi hình ảnh, clip của một cô gái xinh đẹp nào đó cho "đối tác". Sau đó, David nói rằng, micro hoặc loa của máy tính không hoạt động nên không thể giao tiếp qua lời nói, mà phải thông qua tin nhắn. Qua thời gian, David xây dựng được mối quan hệ lãng mạn với người đàn ông nước ngoài và thuyết phục họ gửi tiền cho mình.

Kiếm được tiền, David dùng để thuê một căn hộ, mua xe hơi và gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, David khẳng định, kiếm tiền không phải là điều dễ dàng. "Một số người nói công việc này dễ dàng nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bạn phải kiên nhẫn, thông minh, nhanh nhạy và vun đắp niềm tin giữa bạn và "đối tác" da trắng", David cho biết. Một cách thức khác mà những Sakawa kiếm tiền từ "khách hàng" nước ngoài là giả buôn bán vàng, gỗ, chứng khoán hoặc dầu để thuyết phục người mua chuyển tiền đến tài khoản cá nhân.

Đối tượng lừa đảo thường nhận mình là phụ nữ để tìm kiếm "khách hàng" là đàn ông phương Tây, Mỹ hoặc châu Á.

Theo các nhà chức trách, một trong những lý do khiến nạn lừa đảo qua mạng trở nên phổ biến ở Ghana là do quốc gia này có tỷ lệ người sử dụng Internet cao nhất ở châu Phi. Ghana Times trích lời quan chức Chính phủ cho biết, cần phải đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm lừa đảo qua mạng vì nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, "không thể tha thứ và thông đồng với tội phạm Sakawa".

Ông Mohammed Muniru, một quan chức Chính phủ cho biết, ông nhận nhiều lời đe dọa đến tính mạng sau khi ban hành quyết định bắt giữ một số Sakawa. "Tác động tiêu cực của Sakawa đến thế hệ trẻ em ở Ghana là khá rõ nét", ông Mohammed Muniru nói.

Tội phạm mạng đã khiến Ghana bị Cơ quan giám sát tài chính quốc tế đưa vào danh sách "đen" các quốc gia là điểm đến của tội phạm rửa tiền vào năm 2012. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia, cũng như lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Ghana. Chính phủ Ghana khuyến khích ai là nạn nhân của tội phạm lừa đảo qua mạng làm đơn khiếu nại chính thức. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít vụ việc được đưa ra ánh sáng. Theo các cơ quan chức năng của Ghana, khó truy tố loại tội phạm này bởi phần lớn nạn nhân sống ở nước ngoài.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.