Bernard Spilsbury - Người soi đèn xác chết

Thứ Tư, 17/06/2020, 16:18
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng hay hiệu quả của bộ môn khoa học giám định pháp y. Đã có rất nhiều vụ án uẩn khúc phải nhờ đến kỹ thuật giám định chuyên nghiệp mới có thể tìm ra được chân tướng sự việc.

Các chuyên gia giám định pháp y luôn là những con người trên tuyến đầu của công cuộc phòng chống tội phạm, đem lại công lý cho xã hội. Họ làm việc với  phương tiện  khoa học hiện đại nhất trong một cuộc chạy đua không có hồi kết với tội phạm.

Tuy vậy, nhiều người không biết rằng, ngành giám định pháp y là một bộ môn khoa học còn khá là non trẻ. Giám định pháp y mới chỉ trở thành một bộ môn khoa học được công nhận và áp dụng rộng rãi hồi đầu thế kỷ thứ 20 mà thôi, ngay cả sau thời điểm đó, các chuyên gia giám định pháp y vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: thiếu uy tín, cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu phương tiện thí nghiệm, v.v… 

Vậy nhưng vẫn có các vị chuyên gia không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mình được giao, mà còn làm thay đổi cách nhìn của công chúng về ngành giám định pháp y như ngài Bernard Spilsbury của nước Anh.

Bernard Spilsbury cùng các đồng nghiệm giám định một tử thi.

Bernard Spilsbury sinh vào ngày 16/5/1877 và cuộc đời của Bernard bước sang ngã rẽ mới vào năm 1908, sau khi lấy được bằng tiến sỹ, Bernard được Giám đốc bệnh viện St. Mary chỉ định hợp tác với sở cảnh sát Luân Đôn để giải quyết một vụ án giết người. Thời đó các cấp chính quyền không tổ chức quản lý nhân khẩu chặt chẽ, trong khi lực lượng cảnh sát lại mỏng nên những tên tội phạm rất dễ lọt lưới.

Sở cảnh sát mong rằng, giám định pháp y sẽ giúp họ tìm được thủ phạm, nhưng người ta lại không biết tìm đâu ra chuyên gia nên đành tìm đến bệnh viện. Thật may mắn sao là họ tìm được Bernard Spilsbury. Vụ án được giải quyết nhanh chóng đến mức Ban Giám đốc bệnh viện St. Mary quyết định trao cho Bernard cả một phòng thí nghiệm riêng để ông có cơ hội tiếp tục nghiên cứu giám định pháp y và hợp tác với cảnh sát.

Năm 1910, cảnh sát Luân Đôn phát hiện ra bà Belle Elmore bất ngờ biến mất. Chồng bà ta là Hawley Harvey Crippen từng hành nghề bác sỹ ở Mỹ, và hiện kinh doanh nhà trọ. Theo lời Hawley thì vợ ông ta trong khi trên thuyền trở về Mỹ để thăm họ hàng đã chết vì bệnh. Tuy vậy, chưa đầy vài ngày sau khi lấy lời khai, người tình của Hawley chuyển vào sống với ông ta như vợ chồng. Ông Bernard và một số cảnh sát đã bí mật thâm nhập vào căn nhà trọ để tìm kiếm chứng cớ. Họ tìm thấy một phần mông người chôn dưới lớp ván lát sàn.

Với chỉ một cái mông người không thôi thì làm sao Bernard có thể kết luận rằng Belle đã bị giết?! Vậy mà ông ấy đã làm sáng tỏ được điều đó. Sau nhiều ngày đi lại giữa phòng hồ sơ của các bệnh viện địa phương, cuối cùng thì Bernard cũng tìm được tiền sử bệnh án của nạn nhân. Bà Belle có một vết sẹo trên mông sau khi được phẫu thuật, và quả là trên tang chứng có một vết sẹo tương ứng. Ngoài ra thì trong phần thịt của cái mông đó có chứa một lượng lớn chất ma tuý Scopolamine.

Thời đó người Anh sử dụng Scopolamine làm thuốc chống say xe, nhưng ở liều lượng lớn nó sẽ gây phản ứng sốc dẫn đến chết người. Và ông Bernard qua quan hệ với các nhà thuốc của mình phát hiện ra Hawley đã mua một lượng lớn Scopolamine trước khi vợ ông ta mất tích. Sau một cuộc truy đuổi giữa hai đất nước, Hawley bị bắt lại và bị đem ra toà và kết tội tử hình. Bác sỹ Bernard là một trong những nhân chứng quan trọng trong phiên xét xử.

Vụ án nổi tiếng thứ hai của Bernard cũng lại liên quan tới phụ nữ bị người tình sát hại. Trong vòng một năm 1912, hai người phụ nữ khác nhau bị chết trong lúc đang tắm cùng nhau vì chết đuối. Tuy vậy, những tình tiết có phần đáng nghi buộc cảnh sát Anh phải mở cuộc điều tra. Điều đầu tiên mà Bernard làm sau khi tham gia cuộc điều tra là đào lấy xác của hai nạn nhân lên để giám định lại. Và rồi ông phát hiện rằng, trên cổ chân của cả hai người phụ nữ đều có những vết bầm rất nhỏ, trong khi da họ lại nổi da gà.

Từ hai quan sát nói trên, Bernard quyết định làm một cuộc thử nghiệm để chứng minh cho giả thuyết của mình. Ông cho đặt một bồn tắm ngay tại sở cảnh sát địa phương, rồi cùng với người phụ tá tìm cách tái hiện lại cái chết của nạn nhân. Cuối cùng thì vị chuyên gia cũng tìm được câu trả lời: Nạn nhân đang tắm thì bị thủ phạm bất ngờ kéo về phía mình để sao cho đầu họ ngụp xuống nước. Và rồi cơn sốc sẽ khiến cho nạn nhân không kịp phản ứng và nhanh chóng chết vì ngạt nước.

Trong lúc cảnh sát đang xây dựng hồ sơ quanh kết luận của Bernard thì ông bất ngờ đọc được tin về một vụ chết đuối trong buồng tắm tương tự. Dự cảm nghề nghiệp báo cho ông biết rằng, cả ba vụ phụ nữ chết đuối đều có liên quan tới nhau. Cuộc điều tra của cảnh sát sau đó đã khẳng định linh tính này: ba nạn nhân đều bị giết bởi một kẻ lừa đảo tên là George Joseph Smith. Hắn ta đã dùng tên giả để lừa đảo lấy ba người đàn bà một lúc, rồi sau đó giết họ để chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

 Trước toà, Bernard đã minh chứng được phương pháp gây án của George và khiến kẻ sát nhân phải chịu tội tử hình. Từ vụ án này mà trong ngành tội phạm học nảy sinh ra khái niệm "modus operandi" - một phương thức gây án được kẻ tội phạm sử dụng lại nhiều lần với các nạn nhân khác nhau, và cảnh sát có thể qua phân tích nhiều vụ án có hình thức giống nhau để tìm ra kẻ chủ mưu chung.

Phòng thí nghiệm là nơi Bernard Spilsbury cảm thấy thoải mái nhất.

Bernard Spilsbury phục vụ trong ngành giám nghiệm pháp y hơn 40 năm, và trong khoảng thời gian đó ông xử lý không thiếu những vụ giết người có nhiều chi tiết ngoắt nghéo đầy phức tạp. Cảnh sát thường tìm tới Bernard khi mà tử thi không được toàn thây. Cũng từ đó mà Bernard xây dựng được một số lý thuyết y khoa về việc phân tích các bộ phận con người để xây dựng lại hình ảnh và tình trạng của cơ thể.

Kết quả nghiên cứu của Bernard được sử dụng không chỉ trong ngành giám định pháp y mà còn cả trong ngành khảo cổ học nữa. Ngoài ra thì Bernard cũng là người đi đầu trong việc tạo thói quen sử dụng găng tay cao su, kẹp gỗ, v.v… trong quá trình giám định để bảo đảm sự toàn vẹn của vật chứng. Có một điều rất thú vị là, chiếc túi đựng tử thi mà cảnh sát trên khắp thế giới hiện nay đã - đang sử dụng có nguồn gốc từ sản phẩm do chính Bernard phát triển để dùng trong các vụ giết người rồi phóng hoả phi tang, khi mà chỉ cần một cái chạm tay nhẹ nhất thôi cũng có thể khiến cho xác nạn nhân tan thành tro bụi.

Năm 1923, Bernard được quốc vương Anh phong tước hiệp sỹ. Ngoài việc nghiên cứu và phá án, ông còn là hội viên của Hội thuốc Hoàng gia và có đóng góp trong việc nâng cao nền vệ sinh toàn dân. Trong thời chiến tranh thế giới thứ 2, Bernard trở thành cố vấn của quân đội Anh. Theo các tài liệu mật được giải mã sau cuộc chiến, vị chuyên gia đã đóng vai trò quan trọng trong "Chiến dịch Thịt băm", một kế hoạch đánh lừa quân Phát xít Đức của người Anh bằng hình thức: họ mặc quần áo sỹ quan Mỹ cho một cái xác, rồi thả trôi cái xác về hướng nước Pháp.

Quân Đức vớt được cái xác nói trên thì tìm thấy một tập tài liệu nói về kế hoạch đổ bộ của quân Mỹ lên nước Ý. Kết quả là khi quân Mỹ đổ bộ lên bờ biển nước Pháp thì Đức không kịp phản ứng do đã điều quân sang Ý. Công lao của Bernard là làm sao cho tử thi giống như một người bị bắn trọng thương rồi chết đuối nhất có thể nhằm đánh lừa đôi mắt Phát-xít quỷ quyệt.

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.