Bi kịch của trẻ em giúp việc nhà trong những căn biệt thự triệu đô ở Pakistan

Thứ Sáu, 23/08/2019, 17:25
Mỗi đêm, sau thời gian làm việc kéo dài 12 giờ đồng hồ, Neelum, 11 tuổi và Pari, 13 tuổi, rời khỏi căn biệt thự triệu đô ở thành phố Karachi trở về phòng trọ. Ở đó, các em sống trong căn phòng ẩm thấp, tối tăm, ngủ trên chiếc nệm mỏng, ăn lại thức ăn thừa mang về từ nhà chủ.


Tình trạng bạo lực diễn ra khá phổ biến

Đằng sau những cánh cửa kính lấp lánh ở khu phố sang trọng bậc nhất Pakistan, hàng ngàn trẻ em làm giúp việc nhà. Ứớc tính, khoảng hơn 264.000 trẻ em ở Pakistan đang làm công việc này và tình trạng bị lạm dụng, bạo lực diễn ra khá phổ biến.

Vào tháng 1-2019, Uzma Bibi, 16 tuổi, một bé gái giúp việc nhà ở Lahore đã bị chủ nhà đánh đập, sát hại vì ăn vụng một miếng thịt. Sau đó, hashtag justiceforUzma lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Ba người, bao gồm cả chủ nhà đã bị bắt giữ và hiện chờ ngày hầu tòa.

Ông Muhammad Riaz cầm bức ảnh con gái - Uzma Bibi, 16 tuổi, bị chủ nhà đánh đập, sát hại hồi đầu năm 2019.

Đã có làn sóng phẫn nộ tương tự trên các phương tiện truyền thông xã hội vào năm 2018 qua những bức ảnh về khuôn mặt và bàn tay bầm tím của Tayyaba, 10 tuổi. Em làm giúp việc cho một cặp vợ chồng trẻ và thường xuyên bị đánh đập. Cặp vợ chồng này đã bị kết án một năm tù.

Câu chuyện của Humaira là “điển hình” của việc lạm dụng có thể xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín. Humaira làm giúp việc nhà từ khi còn là một đứa trẻ cho đến nay đã ngoài 20 tuổi.

“Khi đó tôi 10 tuổi và bị suy dinh dưỡng nặng. Tôi thường xuyên bị gia đình chủ ngược đãi bằng lời nói và hành động. Một lần, khi đang chơi với bọn trẻ, tôi bị chủ nhà hất nước sôi vào người khiến toàn bộ phần thân trên bị bỏng. Gia đình chủ không đưa tôi đến bệnh viện chữa trị. Tôi bị giấu trong phòng kín nhiều ngày, không được phép nói chuyện với bất cứ ai. Cuối cùng, tôi được một người hàng xóm giải cứu và giúp đỡ để được đoàn tụ với gia đình”, Humaira kể lại.

Câu chuyện đau lòng đã xảy ra với Bano, 13 tuổi, làm việc tại thị trấn Bahria ở Rahim Yar Khan. Em đã bị chủ nhà đẩy ngã qua cửa sổ khiến xương sống bị tổn thương nghiêm trọng. Bano qua đời 6 tháng sau đó. Thay vì quyết tâm theo đuổi công lý, cha Bano đã đồng ý thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, nhận khoản tiền trị giá 300.000 rupee Pakistan (1.490 bảng Anh).

Nguyên nhân sâu xa từ sự nghèo đói cùng cực

Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phẫn nộ đang gia tăng trong cộng đồng, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, tình hình thực sự đang trở nên tồi tệ hơn. Ume Laila, Giám đốc điều hành của “HomeNet Pakistan”, một tổ chức bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, cần có quy định pháp luật chặt chẽ để bảo vệ trẻ em làm giúp việc. “Cần nâng cao nhận thức về vấn đề này và phải có hành động quyết liệt hơn nữa”, Ume Laila nói.

Fazela Gulrez, nhà hoạt động bảo vệ quyền trẻ em nhận định, tất cả mới chỉ là làn sóng phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông xã hội, chưa mang lại chuyển biến tích cực trên thực tế. “Quy định của pháp luật đang tồn tại kiểu phô trương, “đẹp về hình thức”, những báo cáo tích cực được trình bày tại Liên hợp quốc nhưng thực tế không có gì thay đổi”,  Fazela Gulrez nói.

Một trở ngại lớn là sử dụng lao động trẻ em giúp việc nhà được coi là “rất bình thường” ở Pakistan. Không chỉ những người giàu có và quyền lực sử dụng lao động trẻ em mà rất nhiều gia đình ở Pakistan cũng thuê trẻ em giúp việc nhà.

“Nhiều người thích thuê lao động trẻ em vì dễ kiểm soát và khai thác hơn. Cha mẹ nghèo luôn sẵn sàng cho con đi làm thuê vì nghĩ rằng, ít nhất, đứa trẻ cũng có được hai bữa ăn mỗi ngày”, nhà hoạt động Fazela Gulrez nói tiếp.

Mặc dù có những rủi ro đã được minh chứng nhưng nghèo đói cùng cực vẫn là nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ quyết định cho con đi giúp việc nhà. Nhân viên trung tâm môi giới người giúp việc thường nêu câu chuyện về lợi ích tài chính, trấn an cha mẹ rằng sẽ theo dõi trẻ em khi đi làm. Trong nhiều trường hợp, nếu không cho con đi giúp việc nhà, giải pháp thay thế sẽ là để trẻ em ra đường ăn xin, đối mặt với nguy cơ nghiện ma túy và bị các băng đảng tội phạm dụ dỗ.

Bang Punjab mới thông qua Luật Lao động trong nước, trong đó nhấn mạnh vào việc không khuyến khích lao động trẻ em. Tuy nhiên, không có đạo luật tương tự trong các bang khác ở Pakistan. Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, nếu không có quy định chặt chẽ trách nhiệm của người sử dụng lao động thì trẻ em sẽ tiếp tục là nạn nhân bị khai thác.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.