Bí mật bị phơi bày sau vụ cháy trại trẻ ở Haiti

Thứ Hai, 19/10/2020, 10:07
Ông Osner Fervy, luật sư đại diện cho COBU dù thừa nhận rằng họ không chi nhiều tiền cho hai trại trẻ nhưng ông cũng chỉ trích dư luận Haiti và quốc tế vì chỉ tấn công COBU, trong khi hàng trăm tổ chức Mỹ có trụ sở tại Haiti đã gây quỹ được hàng triệu USD nhưng chỉ một phần nhỏ số tiền này đến được tay người dân....


Đêm 13-2-2020, 61 đứa trẻ cùng ngủ chung trong một căn nhà 2 tầng chật chội ở thị trấn Kenscoff, Haiti. Một nhân chứng 16 tuổi khai rằng đêm hôm đó, người bảo mẫu và cậu bé đã đi mua nến, mang về thắp trong những căn phòng đầy trẻ em, rồi đi ngủ. Chỉ một lúc sau đó, khói bốc lên trong trại trẻ. Đám cháy cướp đi sinh mạng của 13 em độ tuổi từ 3 tới 18, cùng hai người bảo mẫu. 

Tổ chức tôn giáo Nhà thờ Hiểu biết Thánh Kinh (tên viết tắt: COBU), tổ chức thành lập và quản lý trại trẻ này, chỉ đền bù cho mỗi gia đình nạn nhân 50-100 USD, cùng với 150 USD cho các chi phí như thuê xe, mua quần áo mới…

Những cái chết tức tưởi

Cái chết thương tâm của các em đã khiến những bậc cha mẹ như anh Eustache Arisme, 33 tuổi, suy sụp hoàn toàn. Anh đã gửi gắm hai con gái là em Nedjie, 4 tuổi và em Vanise, 3 tuổi từ khi hai con mới sinh vì anh đã mất khả năng lao động, không thể nuôi nổi gia đình. Nhưng giờ đây hai cô bé đã thiệt mạng tại trại trẻ được biết đến như một nơi dành cho trẻ mồ côi tại Haiti, cho dù phần lớn các em đều còn ít nhất bố hoặc mẹ.

Hiện trường vụ cháy.

Giống như trường hợp của anh Arisme, nhiều bậc cha mẹ nghèo cũng gửi con đến đây khi chúng còn là trẻ sơ sinh vì mong con được nuôi dưỡng tốt hơn, và thường cha mẹ vẫn được quyền nuôi dưỡng các em, cũng như được phép thăm con bất cứ khi nào họ muốn. Lúc đầu, anh Arisme rất vui khi các con được chăm sóc tử tế, nhưng giờ anh vô cùng hối hận. Đáng buồn hơn, anh cho biết khi mình muốn đưa con vào trại trẻ này thì người quản lý trại đã chào đón anh rất vui vẻ, nhưng khi hai con của anh qua đời thì họ lại yêu cầu anh làm việc với luật sư.

Trong số các nạn nhân có em Ricardo 6 tuổi, con trai của chị Tania Caristan. Chị Tania kiếm sống bằng nghề bán hàng rong và giặt quần áo thuê cho hàng xóm sau khi phải chuyển về ở cùng bố mẹ đẻ và bắt buộc phải để con cho chồng cũ nuôi. 2 tháng sau khi ly dị, chồng chị đã gửi bé Ricardo vào trại trẻ của COBU và chị phải cầm theo giấy khai sinh của con đến nơi này để mang con về.

Tuy nhiên, một người đàn ông da trắng nói rằng chị không được quyền đưa con về vì người uỷ thác đứa bé là chồng cũ chứ không phải Tania. Dù đã cố gắng thuyết phục người quản lý trại trẻ nhưng cuối cùng chị vẫn bị bảo vệ đuổi về. Sau này, chị của Tania cũng đến trại trẻ để đưa cháu về nhưng cũng thất bại.

Chị Tania vẫn nuôi hy vọng được sớm gặp lại con nhưng ước mong của chị đã không thành sự thật. Một ngày sau đám cháy, chồng cũ của chị thông báo với chị của Tania rằng Ricardo đã thiệt mạng. Chị Tania vội vàng đến bệnh viện để nhìn mặt con lần cuối nhưng thi thể của cậu bé đã được đưa đi để chuẩn bị chôn cất. Từ hôm đó đến nay, ban quản lý trại trẻ vẫn chưa hề liên lạc với chị. COBU đã từ chối bình luận về trường hợp của chị Tania.

Ông Osner Fervy, luật sư đại diện cho COBU dù thừa nhận rằng họ không chi nhiều tiền cho hai trại trẻ nhưng ông cũng chỉ trích dư luận Haiti và quốc tế vì chỉ tấn công COBU, trong khi hàng trăm tổ chức Mỹ có trụ sở tại Haiti đã gây quỹ được hàng triệu USD nhưng chỉ một phần nhỏ số tiền này đến được tay người dân. Ông Fervy cũng khẳng định rằng các tín đồ của nhà thờ chịu trách nhiệm quản lý trại trẻ lập tức bay về Mỹ sau vụ hoả hoạn không phải để tránh bị truy tố, mà là vì họ mệt mỏi với sức ép đến từ cảnh sát và truyền thông Haiti.

Phòng ngủ của các em nhỏ trong trại trẻ mồ côi.

Một sự thật khác

Bất chấp những lời thanh minh của ông Fervy, có một sự thật không thể chối cãi rằng hai trại trẻ này đã gặp rắc rối từ rất lâu trước đó. Một loạt các cuộc thanh tra hồi tháng 11-2012 đã nhận xét cả hai nơi đều không đạt tiêu chuẩn sức khoẻ và an toàn, vì trại trẻ quá đông đúc, điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu và các nhân viên đều không được đào tạo.

Ngay sau khi thanh tra, chính quyền Haiti đã tước giấy phép hoạt động của cả hai nơi. Các tín đồ của COBU muốn gỡ gạc lại uy tín của giáo phái nên đã thuê một chuyên gia bên thứ 3 về kiểm tra trại trẻ, nhưng họ cũng nhận được câu trả lời tương tự rằng không một nhân viên nào biết cách chăm sóc trẻ em và may là đến giờ này vẫn chưa có em bé nào thiệt mạng.

Đến năm 2017, lại một lần nữa hai nơi không đạt yêu cầu của thanh tra, nhưng COBU đã thuê luật sư Fervy về nhằm trì hoãn việc đóng cửa hai nơi này với lý luận rằng đóng cửa một trại trẻ mồ côi có thể mất đến hàng năm trời, đặc biệt là khi ban quản lý có tiền hoặc sức ảnh hưởng. Qua nữ phát ngôn viên của mình tại Mỹ, COBU tuyên bố mình rất lấy làm tiếc về tai nạn, nhưng từ chối trả lời bất kì câu hỏi cũng như cáo buộc lạm dụng các em nhỏ.

Chân dung của Stewart Traill, người đã sáng lập ra giáo phái COBU.

Các công tố viên Haiti đang điều tra cả hai trại trẻ - nơi sinh sống của 154 trẻ em. Cả hai đã bị đóng cửa sau vụ hoả hoản, 28 em đã quay về nhà với gia đình và 100 em đã bỏ trốn.

Nhiều em mô tả mình bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần ở nơi này. Anaika Francois, 19 tuổi, kể rằng mình từng sống ở trại trẻ từ năm 6 tuổi vì bố mẹ không thể nuôi được. Theo lời cô, những em bé lên 3-4 tuổi mà vẫn chưa biết đi vệ sinh đúng chỗ sẽ bị đánh đòn, thậm chí có những đứa trẻ con bị bảo mẫu đè lên bàn và quất roi.

Sau khi đánh các em sau, bảo mẫu sẽ tắm cho các em bằng nước muối. Còn anh James Dindin, 36 tuổi, thì được bố mẹ gửi vào đây khi mới được 9 tháng. Khi còn là một thiếu niên, anh từng bị nhốt suốt 3 tuần cùng hàng chục đứa trẻ khác trong một căm phòng chật chội, không có bất kì nguồn sáng nào ngoài một chiếc cửa sổ nhỏ trên cao. Anh không được cử động hay nói chuyện, và chỉ được ra ngoài đi vệ sinh nếu có bảo mẫu hộ tống. Thậm chí có những đứa trẻ quá nghịch đã bị trại trẻ này tống ra đường và bắt buộc phải sống vô gia cư, ăn xin kiếm tiền.

Tính đến năm 2020, Haiti có hơn 700 trại trẻ mồ côi với hơn 25.000 trẻ em nhưng chỉ 35 trại trẻ đạt tiêu chuẩn. Nhiều người cho rằng dù những nơi này có điều kiện sống chưa tốt lắm, nhưng chúng vẫn có thể nuôi dưỡng các em tốt hơn là những người cha mẹ vô cùng nghèo khó.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trại trẻ mồ côi tại Haiti đã tách con cái khỏi cha mẹ bằng cách cho các em những thứ các em chưa bao giờ có, và điều này tạo một tiền lệ rất xấu. Các trại trẻ này nhận đến 100 triệu USD tiền ủng hộ mỗi năm, nhưng thực ra mỗi gia đình chỉ cần được trợ cấp 220 USD mỗi năm để bố mẹ có thể nuôi được con cái.

COBU được thành lập vào đầu thập niên 1970 dưới cái tên "Gia đình vĩnh cửu" bởi ông Stewart Trail, một nhân viên tiếp thị máy hút bụi. Khi bước vào tuổi 30, người đàn ông này bắt đầu đi thuyết giảng trên đường phố New York và Philadelphia, dần dần tạo dựng một chuỗi nhà tạm cho những thiếu niên bỏ nhà ra đi. Điều kiện sống ở những ngôi nhà này rất tệ: mọi người phải chen chúc trong những căn phòng chật chội, ngủ dưới sàn, bị cấm hẹn hò và tới trường, chỉ được tham gia hoạt động của nhà thờ. Nhiều thanh niên tham gia lao động cho "Gia đình vĩnh cửu" để nhận chút tiền tiêu vặt.

Tháng 9-1982, 4 tín đồ đã trừng phạt cậu con trai của ông Trail bằng cách đánh cậu bé bằng thắt lưng và một tấm ván, khiến cậu bé phải nhập viện. Nhiều cựu thành viên đã gọi COBU là một tà giáo chỉ tôn vinh vị thánh là ông Trail - người luôn tự xưng mình thấu hiểu kinh thánh hơn bất kì ai trên đời. Bất chấp vụ bê bối này, "Gia đình vĩnh cửu" từng thu nạp đến 10.000 tín đồ vào những năm 1970- 1980.

Tuy hiện giờ số tín đồ chỉ còn lại khoảng 30 đến 50, COBU vẫn thu lại được những khoản cực lớn nhờ một chuỗi những công ty chuyên làm sạch thảm, buôn bán bất động sản, phá dỡ các toà nhà xuống cấp và 3 cửa hàng chuyên bán các món đồ cổ thu được từ những toà nhà đó. Năm 2019, COBU đầu tư 2,2 triệu USD và kiếm được 6,6 triệu USD. Hiện tại tổng tài sản của COBU lên tới 19 triệu USD, bao gồm máy bay riêng và một khu biệt thự rộng hơn 1.114m2 tại Coral Spings, Florida.

Ngoài ra, từ năm 2003 đến năm 2012, COBU còn nhận trợ cấp 579.000 USD/năm từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Năm 2013, USAID đã cắt khoản trợ cấp này sau khi Chính phủ Haiti đánh giá rằng các trại trẻ của COBU không đạt chuẩn.

Cửa hàng bán đồ cổ xa xỉ của COBU tuyên bố rằng một nửa khoản thu của cửa hàng sẽ được chuyển đến hai trại trẻ mồ côi ở Haiti, và những thành viên của COBU luôn kể về những hoạt động thiện nguyện của họ ở Haiti. Tuy nhiên sau khi nhìn vào ngôi nhà 2 tầng bẩn thỉu chứa 61 trẻ em mà chỉ thuê đúng 2 bảo mẫu, không có máy phát điện, phòng ngủ không có đủ giường, cơ sở vật chất sơ sài…nhiều người đã đặt dấu hỏi về những tuyên bố của COBU.

Huyền Thi
.
.
.