Bí mật chưa từng được tiết lộ trong những bệnh viện điều trị cho chiến binh IS

Thứ Sáu, 14/11/2014, 16:30

Trong một địa điểm bí mật ở Beirut, Lebanon, một bệnh viện có 60 giường nhận điều trị cho cả những chiến binh thánh chiến của IS. Bệnh viện chỉ điều trị cho những bệnh nhân khi "nhà tài trợ" đã thanh toán bằng tiền mặt. Rất nhiều chuyện bí mật được hé lộ từ bệnh viện "đặc biệt" này.

Những kẻ thù không đội trời chung nằm cùng bệnh viện

George Chamus (tên nhân vật đã được thay đổi) là bác sĩ phẫu thuật tốt nhất ở Lebanon. Khi bước vào phòng bệnh, anh tập trung nghiên cứu vết thương ở chân của bệnh nhân: xương bị vỡ, vết thương mưng mủ. Sau đó, Chamus nhìn vào khuôn mặt người bệnh. Đó là một người đàn ông trẻ từng chiến đấu như một chiến binh của IS với bộ râu được cạo sạch sẽ. George Chamus cho biết, không chỉ dân thường trốn chạy khu vực chiến tranh Syria đến Lebanon mà ngay cả những chiến binh IS bị thương tích cũng được đưa đến Lebanon khi các bệnh viện ở Syria "bó tay". Chamus mất vài giờ để hoàn tất ca phẫu thuật và ông dự đoán, bệnh nhân có thể đi lại được nhưng phải cắt bỏ một chân. Bệnh nhân của Chamus chủ yếu trong độ tuổi từ 20 và 22, một số vẫn còn là thanh thiếu niên. "Nhưng họ cũng là những kẻ khủng bố với sự tàn bạo dã man. Việc giết người ở Syria và Iraq, những hành vi khủng khiếp mà họ thực hiện là tuyên bố chiến tranh trên toàn thế giới", bác sĩ Chamus nói.

Một bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện ở Beirut, Lebanon.

Mona Shalub là Giám đốc bệnh viện mà bác sĩ Chamus đang làm việc. Trong văn phòng làm việc rộng với cửa sổ lớn, hai chiếc điện thoại của bà đổ chuông không ngừng, Shalub phải rất vất vả để xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Mona Shalub đầy tự hào khi nói về bệnh viện với phòng mổ, thang máy hiện đại - những thứ rất hiếm có ở Lebanon hiện nay. Shalub dẫn phóng viên vào phòng có bệnh nhân là chiến binh IS dòng Sunni đang điều trị. Cánh cửa hé mở, những người đàn ông râu quai nón nằm bên trong. "Họ không hay biết rằng, những chiến binh Hezbollah nằm ngay bên kia bức tường", Shalub nói. Trong cuộc chiến tranh ở Syria, lực lượng dân quân Shia ở Lebanon cũng chiến đấu với IS. "Chúng tôi không bao giờ sắp xếp họ cùng phòng với nhau. Chiến tranh thật nực cười, kẻ thù trên chiến trường Syria nằm cùng bệnh viện, với những vết thương tương tự nhau, được chăm sóc cùng đội ngũ y, bác sĩ. Tất cả các vết thương đều bình đẳng ở nơi này", bà Shalub vừa nói vừa cười.

Qatar - nhà tài chính của IS?

Việc vận chuyển bệnh nhân từ chiến trường Syria đến phòng cấp cứu tại Lebanon do các tổ chức viện trợ thực hiện. Những tổ chức này trả tiền cho các chi phí y tế. Tuy nhiên, chính xác ai là "nhà tài trợ" thì chưa thực sự rõ ràng nhưng có thể, tiền "bắt nguồn" từ những quốc gia vùng Vịnh. Chamus cho rằng, khoản tiền phẫu thuật cho bệnh nhân vỡ xương chân, trị giá 16 nghìn euro "đến từ Qatar". Khi được hỏi về khoản tiền trả viện phí cho các chiến binh ở đâu ra, bà Mona Shalub trả lời: "Từ Qatar hoặc Saudi Arabia". Qatar bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho IS nhưng cho đến nay chưa có bằng chứng xác thực về điều này.

Y tế không phải là chính trị

"Những chiến binh tàn bạo có nên được đối xử như vậy?", phóng viên hỏi. "Là một bác sĩ, tôi phải giúp tất cả mọi người", ông Chamus trả lời. "Tôi không thể đứng nhìn bệnh nhân đau đớn. Tôi không nhớ chính xác có bao nhiêu chiến binh đã được điều trị. Bệnh viện này không phải là nơi duy nhất chăm sóc cho các chiến binh". "IS và Hezbollah là những lực lượng khủng bố tồi tệ nhất ở Trung Đông. Tại sao bà lại để họ nằm trong bệnh viện của mình?". Bà Shalub trả lời ngắn gọn: "Kinh doanh. Hơn thế nữa, y tế không phải là chính trị". Bà Shalub cho biết thêm, các bệnh nhân thường la hét khi điều trị nhưng các chiến binh IS hay im lặng. "Có thể là do khi đến đây, họ đã được tiêm thuốc giảm đau, có khi là ma túy gây ảo giác".

Bác sĩ Chamus kể rằng, nhiều vết thương của chiến binh trên tay, chân không thể phẫu thuật và ông buộc phải cắt bỏ. Trong trường hợp này, những chiến binh IS được hưởng "dịch vụ bổ sung". Các tổ chức viện trợ sẽ cho người đàn ông với bộ phận cơ thể bị cắt bỏ trở lại Syria và bộ phận bị cắt bỏ sẽ được chôn cất ở nơi mà chiến binh lựa chọn. Việc làm này bắt nguồn từ niềm tin Hồi giáo rằng, các bộ phận cơ thể của cá nhân nên được chôn cất trong cùng vị trí với những bộ phận khác. Các chiến binh mong muốn rằng, sau khi chết, cơ thể họ sẽ được chôn ở chính địa điểm đó. Chamus nói rằng, đôi khi các bác sĩ và y tá trong bệnh viện thường đùa nhau rằng, sẽ làm thế nào nếu cơ thể chiến binh bị bom phá hủy. "Chúng tôi sinh ra, lớn lên ở Lebanon và chứng kiến cuộc chiến này, từ lâu, tôi đã quen với những điều phi lý", Chamus nói

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.